Giữ chồng khi có bầu: Sex không phải là thượng sách!

,
Chia sẻ

Người phụ nữ nào sau khi kết hôn cũng khao khát được làm mẹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn vòng hai căng tròn vì sắp đến kỳ sinh nở họ luôn phải canh cánh nỗi lo: chồng đi ăn “phở”.

Để giữ chân chồng, dù không muốn, nhiều bà vợ ngày nào cũng cố “chiều chồng”. Các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp tình dục đơn điệu không phải cách giữ chồng hiệu quả.
 
Rũ người vì mệt vẫn... cố “chiều”

Qua các kênh thông tin, chị Nguyễn Binh Ng, khu đô thị Mỹ Đình I, Hà Nội phát hoảng vì nghe chuyện về hiện tượng chồng đi “ăn chả” khi vợ mang thai. Chị Ng mới có bầu hai tháng, sức khỏe đang liêu xiêu vì ốm nghén. Thậm chí, cả ngày chỉ ăn được hai lưng cơm trắng chan nước canh rau muống luộc nhưng tối đến chị Ng vẫn phải tỏ ý “thèm chồng”.
 
Chị Ng tâm sự: “Người mệt muốn lả đi nhưng cứ nghĩ mình mang bầu còn dài trong khi chồng lại có nhiều cạm bẫy nên mệt tôi vẫn phải cố chiều chồng. Tôi lên mạng tìm hiểu về các tư thế an toàn và chăm chỉ chiều chồng. Nhưng tôi có cảm giác anh ấy không muốn làm chuyện đó vì lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến cái thai trong bụng nên mỗi khi “yêu”, tôi gần như không thấy cảm giác gì. Và tôi cũng nhận ra rằng cảm xúc của anh ấy trong chuyện này cũng kém đi, nhưng sợ tôi giận nên anh ấy cũng gượng gạo đáp ứng”.

Chị Triệu Thị M, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, tâm sự: “Cứ nghĩ đến chuyện chồng đi “ăn vụng” là sức lực ở đâu lại dồn đến. Nên ngày nào tôi cũng “chiều” anh ấy một lần. Cứ tưởng anh ấy sẽ “no đủ” mà quên đi chuyện “ăn vụng” nhưng nào ngờ anh ấy tỏ ra khổ sở vô cùng. Chỉ sau vài tuần, anh đã không còn giữ được sự năng động, nhanh nhẹn trong công việc nữa.
Mỗi lần về đến nhà anh lại... sợ, tôi nhận ra điều đó vì có lần anh nằm xem tivi trên ghế sofa tôi đến gần âu yếm đã thấy anh ấy nổi da gà. Sợ nhất là cách đây 1 tháng tôi bị động thai. Sợ hãi, lo lắng, tôi đi khám thai ngay lập tức. May là cái thai vẫn khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Tôi không còn dám vồ vập chiều anh như trước nữa nhưng bù lại tôi thấy mình được chồng quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Vì sau hôm đó, hai vợ chồng tôi trao đổi thẳng thắn và gánh nặng tâm lý của hai người mới được tháo gỡ hoàn toàn”.

Anh Đỗ Trọng S, phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, khi nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề này thì cười sảng khoái: “Tôi vừa đón con trai chào đời cách đây hai tháng và đã trải qua thời gian bị vợ quản thúc. Ngày đó, tối nào cũng phải đều đặn “nộp thuế” dù có những hôm không muốn. Những lúc không ở cạnh cô ấy, tôi phải bật điện thoại liên tục, không chấp nhận lý do hết pin. Có hôm tôi đi họp để điện thoại ở bàn làm việc không mang theo, cô ấy tìm mọi cách để liên lạc cho bằng được thậm chí gọi cho đồng nghiệp để được gặp tôi...”.
 


Giữ hạnh phúc không nên dựa vào sex

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý thì những trường hợp nêu trên đều là những người vợ may mắn vì có một người chồng tâm lý và yêu thương vợ con. Nhưng để có được sự hoà thuận trong cuộc sống gia đình thì việc trò chuyện trao đổi thẳng thắn vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai.

BS sản khoa Nguyễn Thị Thảo, phòng khám Quân D, đường Giải Phóng, Hà Nội cũng cho biết: “Với phụ nữ mang thai, quan hệ tình dục ở trong tất cả các trường hợp dù đặc biệt hay không đặc biệt, đều phải nhẹ nhàng, không được có những động tác mạnh, tư thế phải tránh đè ép vào bụng của thai sản, thời gian cũng không nên kéo dài quá rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi.
 
Đặc biệt, phải tránh trầm uất khi mang bầu. Vì mẹ trầm uất có ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển nhận thức của đứa trẻ. Với những người mẹ có thai ở giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, trong tiền sử đã có dọa sẩy thai, dọa đẻ non ở lần có thai trước nhưng ở lần này chưa có dấu hiệu đau bụng, ra huyết, dọa sẩy thai, dọa đẻ non, nếu có quan hệ tình dục cần theo dõi kỹ càng, tốt nhất có thể chuẩn bị thuốc giảm co bóp tử cung đề phòng dọa sẩy thai trong trường hợp xuất hiện đau bụng”.

Theo BS. Thảo trong thời gian mang thai phụ nữ thường xuyên cau có vì lo chồng đi “ăn vụng” hay giữ chồng bằng cách “yêu” mỗi ngày là rất nguy hiểm. Sự nguy hiểm này không chỉ xảy đến với thai nhi mà với cả chính thai phụ.

BS. chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Hà, Trung tâm tư vấn nhi khoa, sản phụ khoa Đức Minh phân tích: “Trong cuộc sống gia đình nói chung và thời kỳ mang thai nói riêng, người vợ không nên chịu đựng hi sinh hay kiểm soát chồng quá chặt chẽ mà làm cho cuộc sống gia đình trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Cuộc sống gia đình chỉ hạnh phúc khi có sự cảm thông, chia sẻ giữa hai vợ chồng.
 
Do đó, nếu có lo lắng chuyện chồng đi “ăn nem” người vợ cũng nên thẳng thắn trao đổi để chồng hiểu thêm về vợ. Nếu thật sự yêu thương vợ người chồng sẽ có cách ứng xử để giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của vợ”.

Cũng theo BS. chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Hà, trong thời kỳ mang thai nếu hai vợ chồng lại liên tục “ân ái” trong tình trạng bị gượng ép sẽ không tốt đến cuộc sống riêng sau này. Cả hai sẽ cảm thấy cuộc sống riêng trở nên nhạt nhẽo dễ dẫn đến chứng lãnh cảm nữ và mất cảm xúc tình dục ở nam giới.
 
Theo Gia đình
Chia sẻ