Giống gà kỳ lạ đen cả xương lẫn thịt, đâu là nguyên nhân?
Không chỉ vẻ bên ngoài, ngay cả xương và nội tạng của giống gà này cũng có màu đen.
Một trong những động vật có vẻ ngoài đen nhất trên Trái Đất lại là một loài gà.
Theo các nhà khoa học, xương, mô và nội tạng có màu đen là điều rất hiếm ở trong thế giới động vật và loài gà có tên gọi Ayam Cemani tại Indonesia chính là một trong số ít loài như vậy. Vì sao loài gà này lại có màu đen kỳ lạ?
Hóa ra vẻ ngoài đặc biệt của chúng đi kèm với một lời giải thích khoa học thú vị. Đó là do sự tái sắp xếp phức tạp ở trong bộ gene.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One vào năm 2017 chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến loài gà trên có màu đen kỳ lạ là do bắt nguồn từ gene.
Cụ thể, cả hai giống gà Ayam Cemani và Silkie (còn gọi là gà lông lụa) đều có mô đen ở bên dưới lông, mặc dù gà Silkie nổi tiếng có bộ lông trắng như tuyết. Cả hai giống gà này đều gặp phải tình trạng fibromelanosis. Đây là một loại sắc tố khiến các mô của hai giống gà trở thành màu đen. Theo các chuyên gia, yếu tố đằng gây ra tình trạng trên dường như là một loại đột biến phức tạp có liên quan đến gen EDN3, mã hóa cho protein endothelin-3.
Endothelin-3 là loại protein đóng vai trò quan trọng đối với sắc tố của loài vật vì nó có thể thay đổi cách các melanocyte (hay còn gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố) được phân loại, hình thành và lan truyền trong khắp cơ thể. Ngoài ra, sắc tố tối màu ở trong mô bắt nguồn từ melanin và chúng ta có thể thấy ở nhiều nơi trong thế giới động vật.
Các nhà nghiên cứu nhận định, sở dĩ giống gà Ayam Cemani có màu đen đến như vậy là do một đột biến có thể đã xảy ra cách đây hàng nghìn năm và điều này khiến gene EDN3 được tăng cường điều chỉnh. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nó được thể hiện ở gần như mọi tế bào trong cơ thể và dẫn tới sự phát triển của một phôi chứa đầy tế bào sắc tố, bao gồm từ xương đến mỏ.
Nhà di truyền học Leif Andersson tại ĐH Uppsala ở Thụy Điển, cho biết đột biến di truyền cổ xưa dẫn tới fibromelanosis được cho là chỉ xảy ra một lần ở một loài chim duy nhất sống cách đây hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn năm.
Vị chuyên gia này cho biết thêm: "Đột biến gây ra fibromelanosis là trường hợp rất đặc biệt. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn rằng nó chỉ xảy ra một lần".
Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện ra rằng, xương, mô và nội tạng màu đen của hai giống gà trên đều có nguồn gốc từ một đột biến duy nhất xảy ra ở một loài chim cách đây hàng trăm và thậm chí là hàng nghìn năm.
Giống gà đen từ trong ra ngoài có gì đặc biệt?
Các chuyên gia cho biết, mặc dù có xương, nội tạng và mỏ màu đen nhưng khác biệt này dường như không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gà. Thay vào đó, thịt gà đen còn được coi là có giá trị hơn so với thịt gà thông thường. Loại thịt này có thể mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho con người.
Nhà nghiên cứu Ying-gang Tian cho biết: "Gà Silkie là một loại thuốc bổ trong dân gian và là một thành phần trong y học cổ truyền ở Trung Quốc. Thịt của loài gà này được dùng để tăng cường khả năng miễn dịch, đồng thời tránh cho cơ thể trở nên yếu ớt, gầy gò".
Trên thực tế, thịt gà đen từ lâu được biết tới là thực phẩm có lợi cho người bị bệnh tiểu đường, thiếu máu, đau bụng kinh hay thậm chí là trầm cảm sau sinh.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta còn sử dụng một chuỗi axit amin giúp tổng hợp các loại protein mang tên Carnosine. Đây giống như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống vì nó có những lợi ích trong việc tăng sức mạnh cơ bắp, thúc đẩy quá trình lão hóa khỏe mạnh và giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.
Thịt gia cầm vốn được biết đến là nguồn cung cấp Carnosine dồi dào. Nhưng thịt đen của gà Silkie được phát hiện có hàm lượng Carnosine cao gấp đôi so với thịt gà White Plymouth Rock thông thường.
Rõ ràng thịt gà đen mang lại nhiều lợi ích, giàu dinh dưỡng hơn so với các loại gà khác. Màu đen từ ngoài vào trong của gà Ayam cemani không gây ảnh hưởng xấu gì đến loài gà này. Ngược lại, chính màu đen kỳ lạ này lại khiến chúng trở thành loài vật có giá trị trong mắt những người chuyên lai tạo và người sành ăn.