Giới trẻ Sài Gòn "say đắm" với lớp học pha chế mùi hương
Nếu được tự tay pha chế mùi hương từ tinh dầu gừng, bạc hà, khuynh diệp, quế, vỏ quýt, bạn sẽ tạo ra mùi hương thế nào?
Buổi học pha chế mùi hương bắt đầu từ khái niệm tinh dầu – là chất lỏng chiết xuất từ cây cỏ, được sử dụng trong nước hoa, mỹ phẩm, dược phẩm và tạo hương vị cho đồ uống trong thực phẩm. “Trước đây, tinh dầu sử dụng trong y học rất nhiều, nhưng sau đó, do sự phát triển của Tây y nên người ta ít khi dùng tinh dầu để điều trị. Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh viện ở Châu Âu đã dùng tinh dầu như một phương thuốc điều trị về tinh thần gọi là Aromatherapy (liệu pháp mùi hương)”, cô giáo Huỳnh Hải Yến, chủ một thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên cho biết.
Để chế tạo mùi hương, học viên phải hiểu được các khái niệm: tinh dầu nguyên chất (có chiết xuất 100% từ các thành phần thiên nhiên), tinh dầu không nguyên chất (có pha một số hợp chất hóa học) hay tinh dầu tổng hợp (có mùi hương giống tinh dầu nguyên chất nhưng không có tác dụng điều trị sức khỏe).
Học viên đang học cách nhận biết tinh dầu nguyên chất và tinh dầu tổng hợp.“Tinh dầu thiên nhiên sẽ cho mùi hương dễ chịu nhưng không giữ hương thơm quá lâu và thơm dai như tinh dầu tổng hợp. Bạn có thể nghe mùi nước hoa rất thơm nhưng nếu ngửi lâu thì sẽ cảm thấy đau đầu nhưng đối với tinh dầu tự nhiên sẽ làm cho tinh thần sảng khoái, dễ chịu hơn”, cô Hải Yến phân tích.
Nghe có vẻ phức tạp nhưng mục tiêu của buổi học lại đơn giản chỉ là giúp học viên cảm nhận mùi hương, hiểu về công dụng của từng thành phần tạo ra một mùi hương nào đó để từ đó có thể tạo ra mùi hương cho riêng mình. “Để trị ho, chúng ta có thể ra nhà thuốc mua thuốc trị ho về uống sẽ rất nhanh khỏi. Nhưng nếu chúng ta biết dùng những nguyên liệu từ thiên nhiên tạo ra thuốc trị ho thì công dụng sẽ tốt hơn là mua thuốc mà không biết có thành phần gì trong đó”, cô Hải Yến giải thích.
Bài tập thực hành của buổi học là từ 5 loại tinh dầu gừng, bạc hà, húng chanh (còn gọi là tần dày lá), quế, khuynh diệp, mỗi học viên sẽ tạo ra mùi hương riêng cho mình.
Thành phần tinh dầu chủ yếu của một loại thuốc trị ho
Mỗi loại tinh dầu có công dụng khác nhau như húng chanh có tác dụng trị ho, khuynh diệp có tác dụng giảm đau, giảm mệt mỏi, hay tinh dầu quế giúp chữa cảm cúm, giảm căng thẳng và đem đến sự sảng khoái cho tinh thần. “Tùy vào mục tiêu người chế tạo muốn tạo ra mùi hương để trị ho, trị cảm hay để xông hơi hoặc đặt trong phòng ngủ mà mỗi người sẽ tự lựa chọn tỷ lệ tinh dầu để tạo ra mùi hương của mình”, cô Hải Yến cho biết.
Như cô Trần Lệ Trâm (55 tuổi, áo cam) đã tạo ra tinh dầu cảm để dành sử dụng cho những khi đau ốm. “Từ nhỏ tôi đã thích nghiên cứu về thuốc và thảo dược nhưng chỉ tự làm ở nhà chứ không được học hành gì. Tình cờ lên mạng thấy khóa học này hay nên tôi đăng ký tham gia. Buổi học khá hay và hữu ích, tôi học được cách nhận biết tinh dầu nguyên chất và tinh dầu pha trộn, biết công dụng của các loại tinh dầu. Tôi chọn pha tinh dầu cảm vì nhà tôi có nhiều trẻ con, tôi cũng chuẩn bị cháu ngoại nên muốn pha loại tinh dầu giúp trị cảm cúm, không biết đặt tên gì nên đơn giản gọi là tinh dầu cảm thôi”.
Trong khi đó, thành phần mùi hương của cô gái Lê Thị Thu Thảo (21 tuổi, sinh viên ĐH Hoa Sen) tạo ra lại thiên về mùi bạc hà và một ít khuynh diệp tạo ra cảm giác mát mẻ và sảng khoái. “Mùi hương mang lại cho con người cảm giác thoải mái, ngọt ngào nên mình rất thích và muốn tham gia khóa học để tìm hiểu nhiều hơn về chúng. Mình rất vui khi đến buổi học này vì biết thêm được nhiều kiến thức như cách tạo ra các mùi hương cơ bản. Sau khóa học này mình sẽ mua các lọ tinh dầu như lavender, hoa nhài để tự pha xông mặt hay làm mặt nạ”.
“Với thành phần là 5 loại tinh dầu, bạn có thể tạo ra 100 công thức khác nhau, chỉ cần một giọt, thậm chí nửa giọt tinh dầu vào công thức pha thì đã tạo ra mùi hương hoàn toàn khác”, cô giáo Hải Yến vừa nói vừa ngửi một mùi hương cho học viên chế tạo.
“Có một nguyên lý khi pha chế mùi hương là Less is more (Ít sẽ tốt hơn), càng sử dụng ít thành phần, mùi hương tạo ra sẽ càng dễ chịu, dễ nhận ra mùi và dễ sửa chữa”, cô Hải Yến vừa quan sát học viên vừa giảng giải. “Thông thường, người pha chế ở giai đoạn đầu luôn có cảm giác mùi hương của họ thiếu cái gì đó, chưa thỏa mãn và tìm cách thêm vào thành phần, nhưng càng bỏ nhiều thành phần mùi hương càng bị phức tạp hóa và không thể phân biệt được chính họ đang cần cái gì. Những người mới bắt đầu học pha chế mùi hương nên cẩn thận với sự lựa chọn, hãy luôn biết mình muốn gì”.
Vào lớp học pha chế mùi hương có cảm giác mọi người đang lạc trong một phòng thí nghiệm hóa học với dụng cụ là những ống nghiệm pha trộn, chai tinh dầu, giấy thử mùi và những tờ giấy note ghi công thức.
Cao Thúy Hằng (27 tuổi, nhân viên văn phòng công ty bất động sản) đã đặt tên cho lọ mùi hương cô vừa pha chế là Sweet Bi – chính là nickname của cô. “Mình rất thích nước hoa và có hẳn một bộ sưu tập nước hoa dùng theo tâm trạng và cảm xúc trong ngày. Khi đi chơi với bạn bè mình thích nước hoa hương cỏ cây, chanh sả, khi đi tiệc buổi tối mình dùng mùi nước hoa đậm đà hơn... Trước đây mình mua nước hoa có sẵn thì có một số mùi trong nước hoa mình không thích, qua buổi học này mình hy vọng có thể tự tạo ra nước hoa cho riêng mình. Mình đặt lọ mùi hương của mình là Sweet Bi vì mình luôn thích những mùi hương ngọt ngào”.
Lớp học pha chế mùi hương không chỉ thu hút các bạn gái mà nhiều chàng trai cũng tham gia với tinh thần rất hào hứng.
Mỗi người sau khi pha chế xong sẽ được tặng một lọ 10ml để đựng dung dịch mùi hương mình tạo ra, dán nhãn và đặt tên cho mùi hương mình vừa tạo ra. Hàng loạt những tên gọi mùi hương dễ thương đã được “phát minh” ra chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Sơn Ngọc Minh, 25 tuổi, một ca sĩ tự do, cho biết anh đến với lớp học để tìm hiểu về thuốc trị ho “Do tính chất công việc thường xuyên phải hát, luyện giọng nên tôi thường bị ho nên tôi muốn tìm hiểu thêm về thành phần thảo dược trong các loại thuốc ho để ứng dụng khi cần thiết”, Minh cho biết. “Tôi cũng rất thích tinh dầu vì trước đây tôi thường sử dụng tinh dầu oải hương, lavender có mùi hương nhẹ nhàng để dễ ngủ vì tôi cực kỳ khó ngủ, lâu lâu tôi cũng đốt tinh dầu sả chanh để xua muỗi và thư giãn đầu óc. Cảm giác tự tay làm ra một lọ mùi hương thật thích. Tôi đặt tên cho lọ mùi hương của mình là My dream cũng giống như hành trình 6 năm theo đuổi nghề ca sĩ của tôi vậy, dù công việc vất vả và thường xuyên trằn trọc mất ngủ nhưng tôi sẽ không từ bỏ ước mơ của mình. Tôi hy vọng lọ mùi hương My dream sẽ giúp tôi ngủ ngon”, Minh chia sẻ.
“Ở đây chúng tôi chủ trương để mọi người tự làm mọi thứ, tự chọn mùi hương, màu sắc, chúng tôi chỉ cung cấp nguyên liệu và hướng dẫn cách làm. Đây không phải là một công việc công việc mang tính khoa học, chỉ đơn giản là một nơi cho mọi người thư giãn và thỏa mãn thú tò mò, sự sáng tạo của họ mà ở nhà không thể làm được”, cô Huỳnh Hải Yến chia sẻ ý nghĩa hoạt động của studio.