Giới tỉ phú trong Hồ sơ Pandora: Từ xa hoa đến tù tội
Trong Hồ sơ Pandora, giới tỉ phú lao vào vòng xoáy lập công ty nước ngoài, đầu tư, hưởng thụ, né thuế và trả giá (nếu hoạt động phi pháp).
Khi 3 người giàu nhất châu Phi muốn giành được sự ủng hộ của Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Diezani Alison-Madueke, họ không đưa tiền mặt, thay vào đó sử dụng các công ty bình phong, theo báo Washington Post.
Các công tố viên Mỹ cho biết bà Alison-Madueke và gia đình nhận được một chiếc xe hơi có tài xế riêng cùng đồ nội thất sang trọng trị giá hàng trăm ngàn USD từ các công ty bình phong này.
Hồ sơ Pandora và cáo trạng tòa án cho thấy bà Alison-Madueke được các ông trùm Olajide Omokore, Kolawole Aluko và Benedict Peters hối lộ hơn 17 triệu USD.
Tạp chí Forbes từng xếp 2 ông Omokore và Aluko là 2 trong số những người giàu nhất châu Phi, trong khi ông Peters là tỉ phú.
Những tài liệu do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu thập được và công bố mới đây dưới tên gọi "Hồ sơ Pandora" đã làm sáng tỏ các giao dịch dầu mỏ của Nigeria và cách thức giới tài phiệt sử dụng công ty nước ngoài để tiến hành kinh doanh.
Trong thập kỷ qua, các nhà kinh tế tìm cách "đong đếm" mức độ giàu có ẩn trong các tài khoản và công ty nước ngoài của giới tỉ phú. Không thể nào biết được chính xác nên các ước tính về khối tài sản khổng lồ trên có sự xê xích rất lớn, từ 1.000 tỉ USD đến 25.000 tỉ USD. Nếu dựa trên số liệu kinh tế quốc gia về đầu tư, khối của cải nói trên được cho là trong khoảng 5.000-8.000 tỉ USD, tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Tác dụng chính của việc lập công ty ở nước ngoài là giúp các tỉ phú "né" luật trong nước. Tỉ phú Binod Chaudhary, người Nepal, trong cuốn tự truyện "Making It Big" năm 2016 đã giải thích lợi thế của việc lập công ty ở nước ngoài. Để đầu tư vào một nhà máy mì ăn liền ở bang Sikkim - Ấn Độ, ông Chaudhary đã dựa vào một công ty nước ngoài tên là Cinnovation. Tuy ông Chaudhary mô tả Cinnovation "đặt trụ sở tại Singapore" nhưng ICIJ cho biết nó được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, có cổ đông chính là một công ty khác đăng ký tại Panama.
"Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên một khoản đầu tư rất lớn đến từ một doanh nhân người Nepal được thực hiện ở nước ngoài. Việc thành lập nhà máy Wai Wai ở bang Sikkim gây ra sự ngạc nhiên trên khắp Nepal. Làm thế nào Chaudhary Group có thể đầu tư vào Ấn Độ, vi phạm trắng trợn "Đạo luật cấm công dân Nepal đầu tư ở nước ngoài"? Nhưng tôi không coi thường pháp luật" - ông Chaudhary viết trong tự truyện.
Trong một email gửi báo The Washington Post mới đây, ông Chaudhary khẳng định: "Chaudhary Group đã, đang và tiếp tục tuân thủ tất cả điều luật áp dụng đối với công ty này, bao gồm luật pháp Nepal áp dụng đối với đầu tư nước ngoài".
Hồ sơ Pandora cũng tiết lộ những khoản chi tiêu cực kỳ xa xỉ và phô trương của các tỉ phú, dĩ nhiên không thể thiếu các món như du thuyền và máy bay phản lực...
Một trong những người giàu nhất thế giới, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty hàng xa xỉ LVMH người Pháp Bernard Arnault, sở hữu công ty Symphony Yachting ở Quần đảo Virgin thuộc Anh. Công ty này có một du thuyền trị giá 50 triệu USD, dài 70 m, được trang bị bồn tắm nước nóng, phòng gym và rạp chiếu phim.
Ông Arnault sau đó mua du thuyền Symphony sang trọng hơn với chiều dài 90 m và hồ bơi đáy kính. Tỉ phú Đức August von Finck cũng sở hữu một công ty nước ngoài với mục đích "sắm du thuyền ước tính 12 triệu USD để thoả mãn thú vui" ở Quần đảo Cayman.
Trường hợp của tỉ phú Mỹ Jeffrey Lorberbaum, người giúp tạo dựng công ty ván sàn lớn nhất thế giới Mohawk Industries, ông được cha ủy thác kiểm soát một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh vốn sở hữu một chiếc du thuyền năm 2008.
Sử dụng các công ty nước ngoài để sở hữu du thuyền là tình trạng phổ biến và hợp pháp. Thêm vào đó, công ty Europe Emirates Group (UAE) cho rằng bỏ tiền vào du thuyền là cột mốc đáng nhớ đối với bất kỳ doanh nghiệp thành công nào vì giao dịch mua du thuyền chứng tỏ họ đủ khả năng đầu tư vào nhiều hơn một doanh nghiệp, kết hợp du lịch và giải trí theo cách tốt nhất có thể.
Ngoài du thuyền, các tỉ phú trong Hồ sơ Pandora đặc biệt yêu thích loại máy bay 19 chỗ ngồi Gulfstream G550, giá khoảng 60 triệu USD/chiếc. Trong số những người sở hữu có người phụ nữ giàu nhất Mexico María Asunción Aramburuzabala và tỉ phú Indonesia Chairul Tanjung. Bà Aramburuzabala không trả lời tin nhắn gửi đến công ty hỏi về chiếc Gulfstream G550 trong khi người phát ngôn của tỉ phú Tanjung cho biết ông đã "bán máy bay".
Đăng ký thành lập công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và các thiên đường khác, qua đó sở hữu du thuyền và máy bay phản lực, đem lại một số lợi thế, theo quảng cáo của nhiều chuyên gia tư vấn bán du thuyền và tạo ra các công ty như vậy. Họ lập luận những khu vực này đảm bảo quy định về quyền riêng tư và bảo vệ về mặt pháp lý.
Lập công ty nước ngoài, đầu tư du thuyền, máy bay, các tỉ phú không quên bảo vệ túi tiền của họ bằng cách nộp ít thuế nhất có thể, thậm chí tìm cách trốn thuế.
Như gia tộc Thái Lan Yoovidhya, đồng sở hữu đế chế nước uống tăng lực Red Bull, đặt những tài sản có giá trị trong các công ty ở Quần đảo Virgin. Theo đó, công ty Karnforth Investments lưu giữ số "trang sức, tác phẩm nghệ thuật, tài sản, thuyền, xe và tiền mặt" trị giá khoảng 110 triệu USD tiền của gia tộc Yoovidhya; công ty JK Fly giữ một chiếc máy bay phản lực Cessna Citation X giá 17 triệu USD; công ty Jerrard Co. giữ 75% số cổ phần được phát hành của Red Bull U.K và được kỳ vọng sẽ thu về khoảng 12 triệu USD cổ tức mỗi năm.
Luật pháp Thái Lan quy định các khoản lợi nhuận không bị đánh thuế nếu chúng vẫn còn ở nước ngoài trong vòng 1 năm. Thuế thu nhập cá nhân khác dao động lên đến 35%.
Tại Indonesia, 31 người hoặc gia đình được tạp chí Forbes liệt kê trong danh sách giàu nhất đất nước đều có tài sản ròng hơn 1 tỉ USD mỗi người/gia đình. Trong đó, các tỉ phú Anthoni Salim, Peter Sondakh và gia đình Ciputra sở hữu tài sản trị giá hàng trăm triệu USD ở nước ngoài. Họ cùng các công ty mà họ kiểm soát đã nộp đơn xin ân xá thuế năm 2016 với mức thuế thấp tới 2%.
Hai tỉ phú khác - Putera Sampoerna và Ciliandra Fangiono - có thể tránh thuế ở Indonesia vì họ cư trú tại Singapore mặc dù hầu hết doanh nghiệp của 2 người này đều ở Indonesia.
Đáng chú ý, trong Hồ sơ Pandora, một số tỉ phú phất lên từ khai thác tài nguyên thiên nhiên như kim cương, dầu mỏ, quặng sắt... phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hoặc tội phạm hình sự.
Gia đình của nhà kinh doanh kim cương Israel Beny Steinmetz - sở hữu tài sản 1,2 tỉ USD - là một ví dụ. Ông Steinmetz cùng 2 người khác bị kết án tại một tòa án Thụy Sĩ hồi tháng 1 năm nay. Các công tố viên cáo buộc ông Steinmetz hối lộ 10 triệu USD để được quyền khai thác quặng sắt ở Guinea.
Một trường hợp khác, ông trùm dầu mỏ và khai khoáng Brazil Eike Batista bị kết án tại một tòa án Brazil năm 2018 vì đút lót 16 triệu USD để nhận về các hợp đồng nhà nước.
Nổi cộm nhất phải kể đến trường hợp của doanh nhân Israel Dan Gertler, chuyên khai thác đồng và khoáng sản khác. Năm 2018, ông Gertler bị cáo buộc tích lũy tài sản thông qua các thỏa thuận khai thác dầu và tham nhũng tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Chỉ riêng trong khoảng thời gian 2010-2012, nước này tuyên bố mất hơn 1,3 tỉ USD từ việc các tài sản khai khoáng bị định giá quá thấp. Chúng được bán cho các công ty nước ngoài liên quan đến ông Gertler.
Hai tỉ phú Mỹ trong Hồ sơ Pandora, Robert Brockman và Robert F. Smith, bị cáo buộc trốn thuế. Ông Brockman bị cáo buộc che giấu khoản thu nhập 2 tỉ USD bằng cách sử dụng trang web của các công ty bình phong và nước ngoài. Còn ông Smith thừa nhận che giấu lợi nhuận trong tài khoản ở nước ngoài và nộp tờ khai thuế giả suốt 10 năm.