Giới tỉ phú đại thắng

HẢI NGỌC,
Chia sẻ

Trong khi nhân loại chật vật với kinh tế khó khăn, thất nghiệp hàng loạt giữa đại dịch Covid-19 thì họ đã giàu càng giàu thêm.

Tạp chí Forbes đã khảo sát tài sản của hơn 2.200 tỉ phú trong năm 2020, từ đó tính toán ra những nhân vật đại thắng và "đại bại" (tính theo USD). Forbes lưu ý thêm rằng họ chỉ xem xét các tỉ phú đầu tư vào những công ty niêm yết công khai. Kết quả, hơn 60% trong tổng số hơn 2.200 tỉ phú giàu thêm, chỉ có 36% "nghèo" đi. Cụ thể hơn nữa, 5 tỉ phú "kiếm thêm" được nhiều nhất đã cộng gộp vào tài sản của mình tổng cộng 310,5 tỉ USD trong khi 5 cái tên "đại bại" chỉ tổn thất tổng cộng 23,7 tỉ USD.

1. Elon Musk (Mỹ)

Tài sản tăng thêm: 110,3 tỉ USD

Tổng giá trị tài sản: 136,9 tỉ USD

Giới tỉ phú đại thắng - Ảnh 1.

Không tỉ phú nào có một năm 2020 rực rỡ hơn Elon Musk - trở thành tỉ phú có mức tăng tài sản trong một năm cao nhất kể từ khi Forbes bắt đầu theo dõi tài sản của giới tỉ phú. Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe điện Tesla khởi đầu năm 2020 với tài sản ròng là 26,6 tỉ USD và kết thúc năm với vị trí giàu thứ ba thế giới. Sau một chút "ghẻ lạnh" ban đầu, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng gấp 7 lần trong năm qua, không chỉ liên tục tăng lượng xe xuất xưởng mà còn khiến các nhà đầu tư phấn khích vì những cải tiến công nghệ không ngừng.

Một công ty khác của vị tỉ phú 49 tuổi này là SpaceX cũng phát triển vượt bậc. Vào tháng 5 năm ngoái, công ty thám hiểm không gian tư nhân này đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2011. Đến tháng 11 cùng năm, sau khi được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cấp phép, SpaceX lần đầu tiên đưa được phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Forbes ước tính cổ phần của ông Musk trong SpaceX trị giá đến 20 tỉ USD.

2. Jeff Bezos (Mỹ)

Tài sản tăng thêm: 67,5 tỉ USD

Tổng giá trị tài sản: 182,2 tỉ USD

Giới tỉ phú đại thắng - Ảnh 2.

Tháng 8-2020, tỉ phú Jeff Bezos trở thành người đầu tiên trong lịch sử có tài sản ròng vượt qua con số 200 tỉ USD. Đến cuối năm, tổng tài sản của nhà sáng lập trang thương mại điện tử Amazon hao hụt ít nhiều nhưng ông vẫn là người giàu nhất thế giới.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa nhưng ngược lại tạo cơ hội cho Amazon tung hoành, bởi người tiêu dùng bị chôn chân ở nhà càng phụ thuộc vào việc mua hàng hóa thiết yếu trên Amazon. Nhờ đó, cổ phiếu của Amazon tăng đến 69% trong năm qua. Tỉ phú Bezos nắm 11,1% cổ phần của Amazon trong khi giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này là hơn 1.500 tỉ USD.

Vốn không mấy tiếng tăm trong hoạt động từ thiện nhưng trong năm 2020, vị tỉ phú công nghệ 57 tuổi cam kết ủng hộ 10 tỉ USD chống biến đổi khí hậu hồi tháng 2 và quyên góp gần 800 triệu USD cho các tổ chức môi trường vào tháng 11.

3. Zhong Shanshan (Trung Quốc)

Tài sản tăng thêm: 60,5 tỉ USD

Tổng giá trị tài sản: 62,5 tỉ USD

Giới tỉ phú đại thắng - Ảnh 3.

Nhờ hai lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công trong năm qua, đại gia Zhong Shanshan không chỉ tạo được cú thăng hạng gây choáng trong hàng ngũ tỉ phú thế giới mà còn soán luôn ngôi giàu nhất Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái từ tay cựu Chủ tịch tập đoàn Alibaba Jack Ma.

Ông Zhong sáng lập và điều hành Nongfu Spring, công ty nước uống đóng chai hiện nắm giữ 1/5 thị trường nước uống đóng chai khổng lồ của Trung Quốc. Nongfu Spring lên sàn vào tháng 9-2020 với giá 2,77 USD/cổ phần và đến giữa tháng 12 giá đã tăng gần gấp đôi. Thành tích của Công ty Sản xuất vắc-xin Beijing Wantai Biological Pharmacy, cũng dưới quyền kiểm soát của tỉ phú Zhong, còn ấn tượng hơn - giá giao dịch ngày 11-12-2020 cao hơn 15 lần giá IPO. Wantai đang phát triển loại vắc-xin Covid-19 dạng xịt mũi, hiện thử nghiệm ở giai đoạn 2.

Chia sẻ