Gió đầu mùa - Bình yên giữa "mùa gió"

Thùy Trâm,
Chia sẻ

Bình dị hơn cả sự bình dị, gió đầu mùa nhẹ nhàng khẽ chạm vào tâm hồn cho những cái run rẩy rất thường và rất con người.

 
Thạch Lam – Tuyển tập truyện ngắn
GIÓ ĐẦU MÙA
 
Tác giả: Thạch Lam

Nhà xuất bản: Nxb Văn Học
Giá bìa: 22.000VNĐ
 
 
Thạch Lam không phải là cái tên lạ trong văn đàn Văn học Việt Nam với tác phẩm mang tính nhân văn và tình yêu thương những số phận con người. Gió đầu mùa là tuyển tập những truyện ngắn nhỏ nhưng có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn. Đó như là những cơn gió đã vô tình góp nhặt từng mảnh đời con người rải rác đâu đó quanh cuộc đời này. Bình dị hơn cả sự bình dị, Gió đầu mùa nhẹ nhàng khẽ chạm vào tâm hồn cho những cái run rẩy rất thường và rất con người. Nỗi đau nằm sâu kín trong mỗi chúng ta là một điều dường như hiển nhiên quá đến phải chấp nhận. Cứ như hơi thở, cứ như gió…

Thế đấy con người rồi ai cũng quanh quẩn cái chân lý: Người già thì sống trong hồi tưởng về quá khứ còn người trẻ thì ước vọng tương lai. Thật vậy khi gặp những cụ già thường nghe họ kể chuyện “ngày xưa”, trong khi bọn trẻ thì “sẽ” và “ngày mai”. Cái đã qua của con người có khi lung linh và có khi chua chát. Cái sẽ đến thì tràn trề hy vọng, huyền ảo cùng nỗi lo sợ biến đổi, mất mát. Thực tại bị cuốn trôi theo dòng suy tư trước những gì cứ diễn ra trong cuộc đời. Khi nhận ra ta không làm gì được cho chính ta và cho người khác, vậy là cuộc đời để ta lại với nỗi niềm bất lực, nén một tiếng thở dài.
 
 
Tất cả từng ấy tâm tư các nhân vật diễn ra mỗi người mỗi vẻ, mỗi hoàn cảnh và lứa tuổi khác nhau với những vấn đề riêng và số phận riêng. Người đọc cũng sẽ có những trải nghiệm riêng cho mình qua những tác phẩm có tên gọi rất ngắn gọn và gây ấn tượng như: Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Những ngày mới, Duyên số, Một cơn giận, Tiếng chim kêu, Đói, Cái chân què, Một đời người, Hai lần chết…
 
Giọng văn Thạch Lam nhẹ nhàng mà tinh tế. Nhịp điệu của từng trang sách cứ từ từ mà thong thả như "cái điềm nhiên" của cuộc đời, lặng lờ trôi nhưng không hờ hững. Đôi khi ta gấp lại sau một câu chuyện và sững người gặm nhắm chút xót xa, lặng yên rất lâu để chiêm nghiệm cuộc đời. Và có khi thấy nước mắt lăn dài trên má, không nức nở nhưng âm thầm cho đến cuối câu chuyện vẫn còn nghe thổn thức. Nghe lòng mình nói tình yêu thương có những cung bậc riêng.
 
 
Gió đầu mùa không cuốn đi mà níu kéo chân người chậm lại để cảm nhận rõ hơn từng mảng khuất mờ nhạt của cuộc đời. Để rồi khiến ta tự hỏi có bao lần, ta đã lướt qua cuộc sống quanh mình, phớt lờ cả chính lòng mình bằng sự vội vã theo dòng đời. Có lẽ vì thế mà những cái kết thúc mở sau từng câu truyện là khoảng lặng sống chậm dành cho sự đúc kết riêng của mỗi độc giả.

Truyện Thạch Lam chân thật, viết cho những con người thời đó, khó khăn đói kém, một thời kỳ kinh tế suy thoái của nước ta. Các nhân vật trong truyện thường không có một kết cuộc có hậu. Những số phận không lối thoát như Nhà mẹ Lê. Người đọc nghẹn ngào với cái chết buồn, lặng lẽ của người mẹ, và hình ảnh đàn con nhỏ nheo nhúc trong căn nhà dột nát, âm u, đói “khóc lả đi mà không có cái ăn”. Mạch văn nhẹ nhàng xen kẽ câu truyện bằng hình ảnh “những ngày nắng ấm” “những đêm trăng sáng mùa hạ” để nén sự bi lụy chấp nhận rằng “ cuộc đời...cứ như thế mà lặng lẽ qua”.
 
 
Hơn cả bình dị vì nó yên bình và giản đơn quá đủ để người ta thấy phần sâu nội tâm đa dạng của nhân vật. Như nước hồ càng trong thì càng thấy rõ sỏi đá bên dưới đáy. Thạch Lam gói gọn trong cái gọi là “ phiền não ở đời”. Người ta khổ đủ kiểu. Khổ ít, khổ nhiều. Khổ vì sự hành hạ thể xác đến tinh thần như Hai lần chết, Một đời người. Khổ vì không hiểu nổi chính mình, không tìm được mục đích thực của cuộc sống, cái sâu xa của mình là ai và muốn gì để rồi băn khoăn. Đó là nỗi niềm của hai con người trong Trở về và Kẻ bại trận. Họ là con người, họ phải có tâm hồn nên mới day dứt, suy nghĩ và băn khoăn về hành động của mình. Nhưng bởi vì họ là con người nên họ chọn đều mà họ cho là tốt và sẽ phớt lờ và quay lưng với những gì đe dọa cái họ cho là tốt đó. Không hiểu bản thân mình, họ lạc lối và có rất nhiều câu hỏi đặt ra, ai mới là kẻ hèn mọn?! Ai mới là kẻ bại trận?!
 
Đôi khi Thạch Lam để cho nhân vật tự nương trú trong sự tự đấu tranh với chính mình. Có những cái người ta chưa trải nghiệm thực mới mường tượng ra được nó cấu xé tâm can thế nào. Đói, một phần rất bình thường của con người. Nhưng sẽ thếu nào nếu không là đói mà là rất đói, đói đến lả đi, hoa mắt, không còn sức sống và thèm muốn đến khao khát một miếng ăn dù là phải đánh đổi cả đạo đức và nhân phẩm. Từng biến chuyển tâm lý của nhân vật Sinh trong Đói là một trong những cung bậc tâm lý gây ấn tượng mạnh để người đọc xót xa và suy ngẫm băn khoăn rằng :“ Liệu khi mình rơi vào hoàn cảnh đó mình có như vậy?”. Và Thạch Lam kết truyện bằng hình ảnh một người đàn ông nhặt từng miếng thịt rơi vãi trên đất “ăn không kịp nuốt” rồi đau đớn chua xót hối hận tràn ngập mà “hai tay ôm mặt, cúi đầu khóc”… Chân thật quá! Nước mắt là những giọt mồ hôi của tâm hồn khi con người ta kiệt sức vì đau khổ.
 
 
Và cũng bằng những câu tự hỏi: Liệu có bao giờ ta hối hận sau một cơn nóng giận? Liệu có  bao giờ ta hối hận đến không thể tha thứ được nếu ta hiểu mình đã gây ra điều gì sau sai lầm đó?!...Hãy đọc Một cơn giận để thấy đắng trong miệng và vỡ òa  ở phần cuối bằng tiếng khóc của  hai người phụ nữ cùng câu văn ngắn gọn: “Đứa bé đã chết”!

Một chút gió lặng lẽ vào những ngày bình yên với những chuyện đời thường đã cho ta được thở một chút xúc cảm ẩn giấu trong tâm can của mỗi con người, hay còn gọi là lòng trắc ẩn. Một chút xíu bình dị ấy thôi, nhẹ nhàng như thế cũng đủ khiến người ta mặn mà thêm với cuộc đời và con người.

Chia sẻ