Giây phút sinh tử của chàng trai vì cứu người mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng lũ
Sau khi quyết định ôm hai chiếc can nhựa lao mình xuống dòng nước lũ đục ngầu cuồn cuộn, Phạm Bá Huy (26 tuổi), trú tại bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã thoát chết một cách kỳ diệu.
Giữa lằn ranh sống, chết Phạm Bá Huy đã quyết định ôm hai chiếc can nhựa lao mình xuống dòng nước lũ trên sông Luồng. Nhờ vào sự quyết đoán, sức khỏe và khả năng bơi lội của mình, chàng trai ấy đã tiếp cận được bờ một cách kỳ diệu và an toàn.
Trưa nay, phóng viên GD&TĐ đã tìm gặp chàng trai can đảm này, nghe kể lại giây phút sinh tử khi mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng lũ dữ vào hôm qua (3/8).
Phạm Bá Huy (phải) kể lại giây phút sinh tử giữa dòng lũ.
Ngồi bên cô con gái, Phạm Bá Huy kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện mắc kẹt trên ngọn cây vào giữa dòng lũ. Huy kể: “Trưa hôm qua, trong lúc đang làm việc ở xưởng đũa tại bản Hiềng (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn), thì em nghe mọi người nói có ông Lương Văn Chon (52 tuổi), ở bản Xa Ná bị nước lũ cuốn trôi, đang mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng lũ. Em cũng chạy ra xem, thì thấy nước lũ trên sông Luồng có chiều hướng ngày càng dâng cao. Mọi người ở trên bờ đang tìm cách để cứu ông ấy vào bờ.
Lúc đó, nước chảy xiết lắm, nên mọi người thống nhất tháo một đầu cáp của hai cột điện bắc từ bên này qua bên kia sông, để hạ xuống cho em đu dây ra giữa dòng cứu ông Chon. Ở trên bờ bên này, mọi người cùng xúm lại dùng sức kéo căng dây cáp, để em mang can nhựa, áo phao và đu dây ra giữa dòng. Trong lúc em đu dây ra chỗ ông Chon, trên người em được buộc một sợi dây thừng dài để khi tiếp cận được ông Chon, thì buộc dây thừng vào ông ấy rồi kéo vào.
Phạm Bá Huy đang kể lại giây phút kéo dây thừng ra cứu ông Lương Văn Chon.
Phương án đưa ra được mọi người thống nhất, nên em ôm theo can và áo phao rồi đu ra giữa dòng. Khi tiếp cận được ông Chon, em mặc áo phao can vào người cho ông ấy xong, thì mọi người bắt đầu hò nhau kéo thật nhanh dây thừng được níu vào dây cáp (theo kiểu ròng rọc đò ngang).
Thế nhưng, khi mọi người kéo được ông Chon vào bờ rồi, thì lại không có người nào đu dây cáp và kéo theo dây thừng ra chỗ ngọn cây cho em. Do đó, mọi người thống nhất thả can nhựa và một số vật dụng xuống để lợi dụng dòng nước đẩy ra chỗ em đứng, nhưng không được. Sau đó, đầu cáp từ cột điện phía bên kia sông bỗng dưng cũng bị đứt, nên em bị mắc kẹt đúng vị trí ngọn cây mà ông Chon đã đứng”.
Theo anh Phạm Bá Huy, lúc anh tiếp cận được với ông Lương Văn Chon, thì ông này đã gần như bị kiệt sức, vì mắc kẹt từ sáng sớm. Trời mưa to, nước lũ dâng cao nên ngâm mình trong dòng lũ, khiến ông Chon bị nhiễm lạnh. “Khi tiếp cận được ông, em phải động viên ông mãi, ông mới đồng ý cho em mặc áo phao, buộc dây và can nhựa vào người, để mọi người trên bờ kéo vào”- anh Huy kể lại.
Hai cha con Phạm Bá Huy.
Cũng theo Huy kể lại, khoảng thời gian Huy tiếp cận được ông Chon, đến khi quyết định ôm can, nhảy xuống dòng lũ để tự cứu mình, là khoảng 5 tiếng đồng hồ. “Khi bị đứt dây cáp, lúc đó em đã định nhảy xuống để tự bơi vào bờ, vì nước lũ cũng chưa lớn lắm, nhưng mọi người trên bờ gọi loa khuyên nhủ không được nhảy, mà chờ lực lượng cứu hộ.
Đến khi chờ lâu quá, người em bị nhiễm lạnh, hai chân cảm thấy tê buốt, em đã bắt đầu hoang mang. Trong khi đó, trời sắp tối, mà nước sông càng dâng cao, nên em quyết định ôm can nhựa, lao xuống nước, bơi thật nhanh theo dòng lũ. Khi tiếp cận được bờ ruộng, lúc đó sức em gần như đã bị kiệt, nên cứ đứng lên lại khuỵu xuống, vì hai chân em đã tê cóng. Em phải trườn mình vào ruộng lúa, rồi đứng lên, ngồi xuống một vài lần mới có thể bước đi được”- Huy nhớ lại giây phút thoát chết.
Khi được hỏi vì sao lại liều mình và quyết định lao xuống dòng lũ như vậy, mà không chờ lực lượng cứu hộ, cứu nạn? Huy cười và nhìn về phía đứa con gái của mình, bảo rằng; “Lúc bị mắc kẹt trên ngọn cây, trời mưa ngày càng to, nước lũ càng lớn, em vô cùng lo lắng cho con gái của em. Thú thực, khi đó em chỉ nghĩ về bố mẹ và con gái của mình thôi, nên quyết tâm phải nhảy xuống thật nhanh, bơi thật mau khi sức của mình đang còn khỏe. Nếu cứ kéo dài thêm thời gian, chưa chắc em đã sống được”.
Bờ sông Luồng đang bị sạt lở do lũ gây ra.
Thầy giáo Đỗ Xuân Thịnh – Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Sơn Điện (Quan Sơn), cho biết; Phạm Bá Huy là học sinh cũ của nhà trường. Hiện nay, Huy đang làm công nhân cho xưởng tăm, đũa của một người dân ở bản Hiềng, xã Na Mèo, để kiếm tiền lo cho bản thân và nuôi con gái ăn học. “Em Phạm Bá Huy vốn là một học sinh mồ côi và được ông Phạm Bá Thành, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Sơn Điện nhận làm con nuôi. Lúc đang học ở trường, Huy là học sinh có tính tự lập, và đặc biệt có khả năng bơi lội rất giỏi, nên khi thấy có người gặp nạn, cậu ấy đã xung phong ra cứu người”- thầy Thịnh tâm sự.