Giây phút kéo cờ Tổ quốc tại lễ tuyên ngôn độc lập qua kí ức của cô nữ sinh ngày ấy...
Giáo sư Lê Thi là một trong hai người phụ nữ dẫn đầu “đội quân tóc dài” tiến về quảng trường Ba Đình để kéo cao lá cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Sau 70 năm, người phụ nữ ấy vẫn giữ nguyên ký ức về ngày vinh quang xưa.
Thời gian này, khắp nơi nơi đều nhớ về những ngày tháng 9 lịch sử, nhớ về thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thời khắc ấy đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong lòng người dân đất Việt hôm nay và mãi về sau.
Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng ngày ngày Giáo sư Lê Thi vẫn chăm chú đọc báo, nghiên cứu sách.
Trong buổi lễ lịch sử long trọng đó, người thiếu nữ ngày ấy vừa bước vào tuổi 19 được vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc trên nền bài hát Quốc ca chính là Giáo sư Lê Thi - tức bà Dương Thị Hoa.
Bà nói: "Đọc báo viết sách từ lâu đã trở thành đam mê và ăn sâu vào nếp rồi nên chỉ khi nằm xuống mới bỏ được chúng".
Dù đôi chân run run bước đi không vững nhưng đôi mắt bà vẫn rất tinh anh. Đã sang tuổi 90 nhưng bà vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc khi cùng người chị Đàm Thị Loan kéo lá cờ Tổ quốc trong ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập - 2/9/1945. Cảm xúc về ngày Quốc khánh vẫn không hề bị phai mờ trong ký ức của người phụ nữ ấy.
“Tôi là người vô cùng may mắn trong thời khắc lịch sử ấy”
Bước lên cầu thang gỗ trong căn nhà số 62 (phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi đặt chân vào căn phòng của người phụ nữ năm xưa kéo lá cờ đỏ sao vàng trong nghi lễ chào cờ trang nghiêm, kính cẩn. Đây được coi là lễ chào cờ đầu tiên của người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trong nắng thu Hà Nội vào ngày 2/9/1945.
Trong căn phòng của bà không chỉ có sách báo mà còn rất nhiều những huân chương do Nhà nước phong tặng.
Hình ảnh bà Lê Thi khi mới tròn 19 tuổi.
Bà Lê Thi sinh năm 1926 trong gia đình Nho học và là con gái thứ tư của cố giáo sư Dương Quảng Hàm. Trong căn phòng chứa đầy những kệ sách cùng kỷ vật về một thời thiếu nữ, bà Thi nhẹ nhàng bước lại gần kệ tủ cầm bức hình đưa cho chúng tôi xem.
Bức hình bà chụp làm kỷ niệm để hồi ức về ngày kéo cờ trên quảng trường Ba Đình và bức hình trên chụp cùng người chồng luôn đứng sau ủng hộ công việc của bà.
Năm 1942, khi đang học ở trường Trưng Vương (nay là trường Đồng Khánh, số 26, Hàng Bài, Hà Nội), bà cùng một số chị em bí mật truyền tay nhau tờ báo Cứu quốc và nhanh chóng giác ngộ cách mạng.
Sau khi tốt nghiệp trường Trưng Vương, bà Thi không theo con đường sư phạm (con đường đã được bố mẹ định hướng từ trước) mà bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1945, bà Thi trở thành chiến sĩ Việt Minh đồng thời hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ Cứu quốc.
Bức hình kỷ niệm trong thời gian bà Thi tham gia công tác Hội phụ nữ ở Tuyên Quang.
Với chất giọng dễ nghe cùng ngoại hình ưa nhìn, cô gái trẻ Lê Thi ngày ấy nhanh chóng vận động được đông đảo bạn bè, chị em tham gia phòng trào cách mạng. Bằng các mối quan hệ khác nhau, cô nữ sinh đã quyên góp được gạo, lương thực để gửi ra tiền tuyến.
Do đạt được những thành tích xuất sắc nên năm 1991, bà Lê Thi được Nhà nước phòng hàm Giáo sư.
Gần một tháng trước ngày tổng khởi nghĩa, cô nữ sinh Lê Thi xin đơn vị về nhà chào tạm biệt cha mẹ. “Trên đường trở lại thăm gia đình, tôi luôn nghĩ mình phải nói thế nào để cha mẹ khỏi lo lắng. Thế nhưng khi vừa bước vào nhà, tôi không biết nói gì ngoài việc rưng rưng nước mắt ngước nhìn cha mẹ một hồi rồi ôm chầm lấy họ. Hôm đó, tôi chỉ nói chuyện với cha mẹ trong quãng thời gian rất ngắn. Cha mẹ dặn dò con gái cẩn thận rồi tôi lại nhanh chóng ra đi” – bà Thi kể.
Chuyện diễn ra cách đây 70 năm nhưng qua lời kể của bà, chúng tôi như thấy được ký ức ùa về vẫn vẹn nguyên, đầy thiêng liêng và xúc động.
Trước ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, bà cùng một số chị em dẫn đầu đoàn phụ nữ cứu quốc hành quân đến điểm đầu quãng trường Ba Đình. Quảng trường ngày ấy là một khu rộng cả trăm hecta.
“Việc tôi và chị Loan được chọn đi lên kéo cờ là hoàn toàn ngẫu nhiên, không có sự sắp xếp nào trước đó. Cả hai chị em đi lên trên để kéo cờ trong sự hồi hộp, niềm vui xen lẫn nỗi lo. Vui vì mình được chọn trong số hàng ngàn người, lo vì không biết có xảy ra trục trặc gì trong lúc kéo cờ không. Khi cờ kéo lên đến đỉnh cột, hai chị em nhìn nhau cười và không ngăn được nước mắt” – bà Thi bồi hồi kể lại.
Ký ức mùa thu độc lập
Cuộc đời của bà gắn liền với những lá cờ. Khi còn là nữ sinh trường Trưng Vương, bà đảm nhận việc kéo cờ cho cả trường chào cờ vào mỗi sáng thứ 2 hằng tuần. Thời ấy, bà rất bướng, tỏ thái độ không phục Thực dân Pháp lúc bấy giờ nên thường chỉ kéo cờ đến lưng chừng cột, hoặc cố tình làm cho lá cờ bị kẹt. Còn lần này, đứng trước lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, tay bà run run… vì lo sợ không may xảy ra sự cố khi đang kéo cờ.
Hiện tại, bà đang sống rất hạnh phúc tại căn nhà trong phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng các con, cháu và người chồng của mình.
Khi đang đắm mình trong suy nghĩ thì có tiếng hô lớn: “Đội kéo cờ sẵn sàng… chuẩn bị kéo cờ”. Do có lợi thế dáng người cao nên bà Thi nói với cô du kích người Tày (chị Đàm Thị Loan) nâng cao lá cờ để bà kéo lên. Đến khi lá cờ đã lên cao, hai chị em mới dám phở phào nhẹ nhõm.
Cho đến tận bây giờ, bà Thi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho mình “cơ hội ngàn năm có một” ấy. Không chỉ được nhìn thấy Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc mà còn được nghe giọng đọc hảo sảng, khuôn mặt kính yêu của Người. “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không”. “Đọc xong vế đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, Bác còn nhắc lại để nếu đồng bào chưa nghe rõ thì Bác đọc lại” – bà Thi xúc động nhớ lại.
Mỗi khi rảnh rỗi, bà thường lấy những cuốn sách ghi chép từ thời kháng chiến hay bức hình vẫn còn lưu giữ để ôn lại kỷ niệm thời nữ chiến sĩ đánh giặc Pháp. Tất cả đều được bà giữ gìn cẩn thận.
Đứng trên cao, hai chị em nhìn xuống và được chứng kiến màn đồng thanh hô to của hàng triệu người: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” – bà đã hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối, quyết tâm đi theo cách mạng để góp sức đem lại hòa bình cho quê hương, đất nước.
Sau cái ngày lịch sử 2/9 ấy, bà lại càng vững niềm tin hơn vào cách mạng nên đã dành toàn thời gian để hoạt động mà không màng đến hiểm nguy. Không chỉ vận động người dân quyên góp gạo, muối đi cứu đói, bà Thi cùng “đội quân tóc dài” đi vận động người giàu san sẻ quân lương cho người nghèo, giúp dân xây dựng, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, bà dạy học ở những lớp bình dân học vụ, sau đó thoát ly gia đình gia nhập Trung đoàn Thủ đô để trở thành người lính nữ sắc sảo (từ 19/12/1946 – 17/2/1947) cùng anh chị em giữ trọn lời thề, bảo vệ từng tấc đất cho Thủ đô.
Vào chiến khu, bà được điều động lên Vĩnh Yên để làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, rồi chủ tịch Hội Phụ nữ Tuyên Quang. Bà tích cực tham gia công tác vận động, tuyên truyền cách mạng đến đồng bào miền núi, xây dựng hậu phương vững chắc, vận động mọi người tích cực trồng, tích trữ quân lương để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Cuối năm 1949, bà được điều về hoạt động tại chiến khu Thủ đô. “Tại đây, tôi tiếp tục đi vận động chị em tích cực, chủ động chuẩn bị cho kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Cùng mọi người xây dựng lòng tin cho người dân với cách mạng, vạch trần âm mưu của kẻ thù".
Trong quãng đời hoạt động cách mạng, bà luôn không ngừng cống hiến cho đất nước với những việc làm thiết thực cả trong thời chiến lẫn thời bình. Đất nước hòa bình, bà về công tác tại Hà Nội và lập nên Viện gia đình và giới. Sau những cống hiến không ngừng cho đất nước, năm 1991 bà được Nhà nước phong hàm giáo sư.
Dù bước sang tuổi 90 nhưng niềm say mê cách mạng cũng như thói quen đọc - viết sách vẫn không bị lãng quên. Cũng vì thế mà đến nay bà sở hữu hơn 15 đầu sách và luôn xuất bản sách đều tay mỗi năm.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà vẫn mong muốn cống hiến cho đất nước khi còn có thể. “Thói quen nghiên cứu, đọc sách đã in hằn trong nếp của tôi. Giờ bảo ngồi yên một chỗ thì buồn tay chân lắm” – bà nói.