Giày cao gót - mối đe dọa mới cho SKSS và tình dục của chị em
Những đôi giày cao gót trên 5cm, nếu thường xuyên sử dụng, có thể trở thành mối đe dọa cho sinh hoạt tình dục và sinh sản, bộ máy “nội tạng” cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chúng ta đều biết, tỷ lệ nữ giới bị chấn thương chân đang ngày càng tăng cao mà thủ phạm không ai khác chính là đôi giày cao gót.
Về mặt mỹ học, giày cao gót giúp phụ nữ có dáng đi uyển chuyển mềm mại, làm cho họ trở nên quyến rũ hơn; chưa kể giày cao gót còn cải thiện đáng kể vóc dáng của những người có chiều cao khiêm tốn. Tuy nhiên, việc làm dáng này lại khiến đôi chân phải gồng gánh quá nhiều rủi ro về sức khỏe, không chỉ ở chân mà thậm chí ảnh hưởng đến cổ tử cung.
Theo y học, cấu trúc vòm của bàn chân giúp chúng ta chịu đựng được trọng lực cơ thể một cách dễ dàng khi đứng thẳng. Việc đi giày cao gót sẽ khiến trọng lực của cơ thể đổ về phía trước, phá vỡ cấu trúc này, áp lực dồn vào các ngón chân dễ dẫn đến đau các ngón chân. Ngoài ra, để giữ được thế thăng bằng khi trọng tâm của các bộ phận ở phần dưới cơ thể hướng về phía trước, các bộ phận phía trên cơ thể sẽ phải duy trì sự cân bằng, làm cho cơ bắp thêm mệt mỏi, dễ ảnh hưởng đến vùng thắt lưng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau lưng, thậm chí đau lưng mãn tính. Mặt khác, gót chân và mắt cá chân luôn trong tình trạng bị thắt chặt lại khi mang giày cao gót có thể dẫn đến tình trạng viêm và đau chân.
Giày cao gót có thể trở thành mối đe dọa cho sinh hoạt tình dục và sinh sản của chị em
BS Nguyễn Văn Quang, BV Hồng Đức 3 cho biết, cả Đông y lẫn Tây y đều cảnh báo khi đi giày cao gót, vì khi gót chân ở vị trí cao hơn so với mũi bàn chân, chân phải trực tiếp chịu sức nặng cơ thể, mô mềm gan bàn chân dù có tác dụng như một “đòn” giảm sốc cũng không thể chịu đựng được tải trọng quá lớn một cách thường xuyên. Sự gồng gánh này gây nên tình trạng chấn thương kéo dài. Trường hợp nhẹ thì bàn chân, ngón chân dễ bị chai sạn. Nặng hơn có thể xuất hiện hiện tượng gai xương gót. Ngoài ra, khi mũi chân bị bó hẹp trong mũi giày nhọn ở phần đầu, các ngón chân (nhất là chân cái) sẽ bị vẹo ra ngoài, các ngón khác dễ bị thoái hóa sớm, hoặc biến dạng khoằm xuống, dễ kéo theo các bệnh về móng như móng chân mọc ngược vào thịt, bị nấm móng…
Các phần khác của cơ thể như đầu gối, cẳng chân, bắp đùi cũng là những nơi bị ảnh hưởng xấu. Đi giày cao gót có thể khiến bạn cảm thấy bị chuột rút bởi các cơ bị giãn ra. Phụ nữ dễ bị bệnh phù chân, bị nghẽn mạch máu, thêm vào đó là tình trạng nghẽn tĩnh mạch và bệnh cellulite. Đầu gối còn có thể mắc chứng viêm khớp.
Mới đây, các bác sĩ Anh đã đưa ra thêm một cảnh báo đối với những đôi giày cao gót trên 5cm, là nếu thường xuyên sử dụng, có thể trở thành mối đe dọa cho sinh hoạt tình dục và sinh sản vì mang giày thường xuyên, bộ máy “nội tạng” cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Hoạt động của hệ thống niệu sinh dục có thể bị nguy hại dẫn tới những thay đổi của cơ quan bên trong. Kết quả có thể xảy ra là sự lãnh cảm vì máu lưu thông không đều đến khu vực xương chậu. Khả năng khác là làm cho khung xương chậu bị nghiêng sang một bên, là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng mỗi khi hành kinh và giảm một số chức năng của bụng, dẫn đến khả năng thụ thai kém. BS Quang nói, lưng ong gót sen là biểu hiện cho hoạt động của vùng dưới cơ thể - đặc biệt là của thận và bộ phận sinh dục mạnh vững. Khi các cơ quan đó tốt, gót chân mới đỏ hồng, không bị nứt, không bị vẹo, hai chân linh hoạt, vững vàng.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, nếu mang giày cao vừa phải, phù hợp, với thời gian ít, có thể cũng là cách rèn luyện giúp cơ xương chậu dẻo dai hơn… Khoa học đã chứng minh: một đôi giày đế cao từ 2 - 4cm và có đường kính gót từ 3 - 5cm có thể an toàn cho đôi chân của bạn. Nếu bạn có chiều cao khiêm tốn, nên chọn loại giày cao đều chứ không chỉ cao ở phần gót.
Theo huấn luyện viên thẩm mỹ Anh Đào (Trung tâm thẩm mỹ Anh Đào - Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chỉ nên sử dụng giày cao gót trong những dịp lễ tiệc đặc biệt và không nên mang giày cao quá bốn giờ. Thường xuyên thể dục tư thế đứng khi mang giày cao gót và thay đổi tư thế đứng - ngồi để không làm chân mệt mỏi. Ngoài ra, ngâm chân trong nước ấm, nước muối, thảo dược, massage nhẹ nhàng từ dưới bàn chân lên đến đầu gối cũng có tác dụng làm mềm chân, kích thích huyệt đạo, thúc đẩy lưu thông máu và làm thư giãn đôi chân
Theo Ngọc Tú
PNO