Giàu có và những hệ lụy

KN,
Chia sẻ

Mỗi lần có tiếng lách cách mở cửa là tim chị lại thảng thốt, và sau đó, một lần nữa nhói đau. Thế là chồng chị lại không về. Lại một đêm nữa anh đi thâu đêm...

Mỗi lần có tiếng lách cách mở cửa là tim chị lại thảng thốt, và sau đó, một lần nữa nhói đau. Thế là chồng chị lại không về. Lại một đêm nữa anh đi thâu đêm, không thèm về với mẹ con chị. Ôm đứa con bé nhỏ vào lòng, chị thấy cõi lòng mình tê lạnh. Một người phụ nữ rất thành đạt, cứng cỏi trong thương trường như chị có lúc lại phải chịu nỗi đau của người vợ bị lạnh nhạt, phũ phàng 
   
Giá như cuộc sống cứ nghèo mãi

Nghe thì có vẻ vô lý, song đến giờ này, chị mới thấy thấm thía mặt trái của sự giàu có.
Ngày ấy, ngày vợ chồng chị còn là những con người trẻ tuổi. Sự nghèo khó của hai người con xa quê không làm cho cả hai nhụt lòng mà trái lại, anh chị càng coi đó là thử thách để phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Tình yêu là điểm tựa để cả hai cùng vun đắp, vượt qua tất cả khó khăn.

Dường như khi nghèo khó, con người ta không bao giờ nghĩ đến mình mà bao giờ cũng nghĩ cho người khác. Anh chị cũng vậy. Không ai lo cho chính mình mà chỉ nghĩ đến vợ mình, chồng mình nên dù vất vả, cả hai đều cảm thấy hạnh phúc với sự lo lắng, yêu thương lẫn nhau.

Rồi đứa con đầu lòng chào đời. Vất vả lại càng vất vả thêm song tình yêu thương thì tăng lên gấp bội.

Rồi cơ chế thị trường cũng len lỏi vào tận nhà chị trong con ngõ sâu hun hút. Sự cần cù chăm chỉ, cộng với những kinh nghiệm bao năm làm kế toán trong công ty nhà nước, chị nhanh chóng nắm được cơ hội mới và từng bước khẳng định mình, nguồn thu nhập của chị cũng dần được cải thiện. Trong khi đó, chồng chị vẫn “lẹt đẹt” ở một viện nghiên cứu khoa học “có tiếng nhưng không có miếng”. 

Làm kinh tế: giàu có và những hệ luỵ

Chị vận động anh mở công ty để làm ăn riêng, anh đành bằng lòng bỏ lại những công trình nghiên cứu và sự tiếc nuối của đồng nghiệp để cùng vợ lao vào làm ăn

Mặc dù mang tiếng là giám đốc, song anh hầu như chỉ là con cờ trong tay chị. Mọi hoạt động, giao tiếp gần như đều do chị quán xuyến. Với bản chất là một nhà khoa học, anh không có cái tinh ranh của người làm kinh tế, nhất là trong một công việc đòi hỏi giao tiếp rộng như công việc kinh doanh mà công ty chị đang làm. Chính vì vậy mà từ một người phụ nữ dịu dàng, chị dần trở thành một người phụ nữ của thương trường đích thực: khôn khéo, cứng rắn, kiên định và nhất là dám nghĩ dám làm.

Còn chồng chị, lúc đầu anh cũng rất tiếc công việc cũ của mình nên vừa là Ông giám đốc, vừa tự mình mày mò nghiên cứu theo sở thích. Song cái sự “ông chẳng bà chuộc”, cái gì cũng nửa vời khiến cho công việc của chồng chị không cái nào ra cái nào cả. Sau một thời gian “bắt buộc phải theo đuổi” công việc kinh doanh, chồng chị bắt đầu chán nản và dần bỏ bê công việc.Có tiền, anh lúc đầu chỉ sa đà với bạn bè. Một thời gian, anh bắt đầu làm quen với cờ bạc. Mặc cho chị can ngăn, anh bỏ ngoài tai hết

Rồi việc gì đến cũng phải đến. Vì quá lao tâm vào công việc, chị không có nhiều thời gian cho gia đình. Đến chăm con chị cũng phải nhờ ông bà giúp. Chồng chị, một người rảnh rỗi đúng nghĩa đã có bồ.

Một mặt, chị muốn li dị. Mặt khác, chị lại không muốn các con chị khổ vì thiếu cha thiếu mẹ. Và hơn hết, chị rất yêu anh. Chị hiểu anh đã dành cho chị rất nhiều tình cảm. Chị nhớ lại những ngày tháng khó khăn, vợ chồng phải nhường nhịn nhau cả những bát cơm để vợ có sữa cho con nhỏ bú. Chị như muốn điên lên với chính mình. Phải chăng, chính chị là lý do khiến cho chị mất anh ấy. Chị muốn kéo anh ấy về. Liệu giờ có là quá muộn không?

Hằng đêm, chị vẫn chờ tiếng mở cửa. Đêm có, đêm không. Giờ đây, anh đã trở thành con người khác.

Chị vẫn mong muốn gia đình chị lại sẽ đầm ấm như xưa. Bọn trẻ lại tung tăng chơi đùa bên bố mẹ. Trong ánh mắt của chồng, chị lại đọc được niềm yêu thương, sự vui vẻ và vẹn tròn hạnh phúc. Chị sẽ tìm lại được anh của ngày xưa. Nhất định thế.
 
 
 
Theo K.N
Eva

 

Chia sẻ