Giật mình với tỷ giá USD/VND
Chênh lệch giá vàng vẫn còn đó và doãng rộng ra, tiền gửi ngoại tệ chấp cả lãi suất để dày lên...
Về tỷ lệ phần trăm, bước tăng 30 VND là nhỏ, nhưng là sự sóng sánh đáng chú ý nhất kể từ cuối tháng 7/2014.
Đầu tuần này, giá USD trên thị trường tự do và chính thức đều có bước tăng đáng kể. Một diễn biến mới không riêng lẻ.
Hỏi chuyện một lãnh đạo tổ chức tư vấn đầu tư, ông khá bất ngờ: “Thời gian rồi không mấy để ý đến tỷ giá, nó cứ bình bình vậy. Báo cáo vĩ mô thì có vẻ như cứ tươi sáng lên. Tình hình chung thì có vẻ chán và cứ nhợt nhạt vậy…”.
Nhưng khi đề cập đến bước tăng 30 VND của giá USD trên biểu niêm yết, cùng lãi suất VND xuống đáy trên liên ngân hàng, nhập siêu nửa đầu tháng 9 đội lên khá lớn, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới doãng rộng…, ông không khỏi giật mình.
Theo biểu niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD bán ra đầu tuần này có một bước tăng bất ngờ, từ 21.220 VND lên 21.250 VND. Bất ngờ vì thời gian rồi tỷ giá USD/VND gần như không mấy thay đổi, chỉ quanh 21.220 VND.
Hiện các ngân hàng thương mại cũng đều niêm yết phổ biến quanh mức 21.250 VND; trên thị trường tự do đã lên 21.280 VND.
Về tỷ lệ phần trăm, bước tăng 30 VND là nhỏ, nhưng là sự sóng sánh đáng chú ý nhất kể từ cuối tháng 7/2014 - thời điểm thị trường có đồn đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nâng giá mua vào USD. Là sóng sánh, vì các mức niêm yết hiện nay vẫn còn một khoảng khá rộng để có thể tràn khỏi “ly” biên độ +/-1% với tỷ giá bình quân liên ngân hàng theo quy định.
Trao đổi với VnEconomy, vị chuyên gia và là giám đốc của tổ chức tư vấn đầu tư trên đồng ý rằng, dù là một bước nhỏ, nhưng đó là một diễn biến đáng chú ý, bởi nó không đơn lẻ.
Tỷ giá USD/VND sóng sánh là kết quả của những tác động xoay quanh, hay là những tín hiệu gợn lên về tình hình thị trường hiện nay, dù một xu hướng mạnh và rõ hơn là cón sớm để nói trước.
Đó là gắn với thực tế hệ thống ngân hàng đang dư thừa tiền, tín dụng vẫn bế tắc. Lãi suất VND trên liên ngân hàng trong gần hai tháng qua đã liên tục giảm nhanh và mạnh. Lãi suất qua đêm từ khoảng 3,5%/năm gần đây đã rơi sâu xuống chỉ còn quanh 1,5%/năm. Lãi suất tín phiếu hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục giảm (dù không mạnh), khi mà các ngân hàng thương mại dư tiền mà khó đẩy mạnh cho vay nên vẫn phải nhồi vào kênh này.
Những ngày gần đây, giá vàng thế giới biến động mạnh, dẫn đến chênh lệch với giá trong nước doãng rộng, tới gần 5 triệu đồng/lượng. Nếu như trước đây, khoảng trống vênh giá này sẽ lập tức phản ánh rõ và sâu sắc tới tỷ giá USD/VND, nhất là trên thị trường chợ đen. Nay, mối liên hệ này là có tác động nhưng đã yếu ớt đi, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết tâm cắt bỏ những hệ lụy và lôi kéo của vàng hai năm về trước.
Mới hơn cả là cân đối xuất nhập khẩu gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 9/2014 Việt Nam đã trở lại nhập siêu khá lớn với 955 triệu USD. Dù cân đối chung từ đầu năm vẫn thặng dư, nhưng mức nhập siêu này là diễn biến mới, có thể xem là phản ánh sức cầu nhập khẩu - ngoại tệ đang tăng lên.
Bước tăng của tỷ giá đầu tuần này cũng được một số tổ chức trong cuộc đoán định ở cầu ngoại tệ cục bộ cho thanh toán hàng nhập khẩu tăng lên ở đâu đó. Cùng lúc là nhu cầu đóng bớt trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng, khi mà lãi suất VND ngày càng trở nên “bèo bọt”.
Liên quan, trong các dòng chảy thông tin gần đây, khá nhiều ý kiến cùng đang chờ đợi về một khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục hạ thêm khoảng 0,5%/năm lãi suất điều hành. Có những cơ sơ để chờ đợi, song tác động đến tỷ giá nếu tiếp tục giảm lãi suất cũng là điều nhà điều hành hẳn đang căn ke.
Đến nay, dù VND vẫn được cho là hấp dẫn, nhưng khi mà lãi suất đã xuống thấp hẳn người gửi tiền sẽ bớt băn khoăn hơn khi lựa chọn nắm giữ. Thực tế, số dư tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn tăng, đến cuối tháng 8/2014 đã tăng trên 4% so với cuối 2013, bất chấp lãi suất USD chỉ ở 0,25 - 1%/năm (còn nếu có vượt trần lãi suất thì quyết định lựa chọn nắm giữ sẽ càng khác).