Giật mình với đồ ăn vặt cổng trường giá rẻ bèo, đủ kiểu dáng khiến trẻ con mê mẩn
Giờ tan trường chỉ với 3.000 – 5.000 đồng trong tay, các em học sinh đã có thể mua được nhiều món đồ ăn “bắt mắt” từ những xe hàng rong vây kín cổng trường. Không nhiều phụ huynh biết được nguồn gốc và chất lượng của những món đồ ăn hấp dẫn này.
Thịt hổ, xi-rô, nước ngọt mini, kẹo thuốc lá... giá bèo
Những chai nước, hũ thạch trái cây đủ màu sắc rất thu hút các em nhỏ.
Thực phẩm hàng rong là món ưa thích của học sinh, các em có thể ngồi ăn ở bất cứ đâu và bốc bằng tay một cách thoải mái
Chỉ với 3000 – 5000 đồng trong tay các em học sinh tha hồ vây kín những xe hàng rong, em gọi nước ngọt, em kêu xúc xích. Chỉ một thoáng các em đã tay bưng, tay bốc mỗi đứa mỗi góc ăn uống ngon lành đợi cha mẹ tới rước. Bé Đăng Khoa (học sinh lớp 2, trường tiểu học N.V.X) hồn nhiên chia sẻ: “Hôm nay mẹ cho con 10.000 đồng con ăn kem 5.000, mua nước 2.000, còn 3.000 con vừa mua cá viên chiên ăn nè, giờ đang thèm ăn nữa mà hết tiền rồi. Mai con lại mua ăn tiếp”.
Không chỉ các em học sinh tự mua mà nhiều cha mẹ đi đón con cũng mua đồ ăn vặt ở cổng trường cho con ăn. Chị Nguyễn Thị Phượng (31 tuổi, ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, Quận 9) cho biết: “Thì nó thấy bạn bè ăn nó đòi thì mình phải mua thôi, thỉnh thoảng còn mua nhiều hai mẹ con ăn chung mà”. Khi chúng tôi hỏi tiếp những thực phẩm này không rõ nguồn gốc xuất xứ chị không sợ nó ảnh hưởng đến sức khỏe sao? Chị trả lời ngay: “Thì cũng lo nhưng thấy người ta ăn đầy ra đấy có thấy sao đâu. Thấy cũng thơm ngon mà với lại con mình không ăn thường xuyên nên chắc cũng không ảnh hưởng gì đâu”.
Các bậc cha mẹ cũng vô tư mua cho các con ăn mà không quan tâm gì đến nguồn gốc xuất xứ có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không.
Giá
rẻ như bèo, màu sắc bắt mắt, nguồn gốc mập mờ
Những mặt hàng ở cổng trường, những
cây kem quế mát lạnh, những xâu cá viên chiên thơm lừng hay những ly nước “7
màu” trông rất bắt mắt đều có giá rất rẻ.
Tại nhiều cổng trường ở Sài Gòn, chỉ cần 2.000 đồng
các em có thể mua được một ly nước ngọt, 3.000 đồng một xiên cá viên chiên, 5.000
một cây xúc xích hoặc là một ly trà sữa trân châu. Mỗi thứ đều có nhiều loại, đủ
màu sắc, các em tha hồ lựa chọn. Và chỉ cần vài bước ra cổng trường là các em
có thể mua được ngay. Thậm chí, nhiều em không muốn bước ra ngoài có thể thò
tay mua qua hàng rào luôn.
Theo quan sát của chúng tôi các chai nước giải khát ở các cổng trường học này đều có màu sắc khác nhau trông rất bắt mắt. Theo một chủ hàng bán nước ở một cổng trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TP.HCM tiết lộ, những chai nước này được lấy từ những người đi bỏ mối rong. Cứ hết hàng là có người tới bỏ với giá 10.000 đồng/một chai 1,5 lít. Sau đó, người bán chế ra bán lẻ mỗi ly 2.000 đồng có thể bán được 15 ly, lời gấp ba.
Ngoài ra, trà sữa trân
châu cũng là một đồ uống khoái khẩu của học sinh. Quan sát một xe bán trà sữa gần
trường tiểu học ở Q.Thủ Đức chúng tôi thấy rất nhiều hũ đủ màu sắc trên xe. Từ
hạt trân châu, thạch trái cây cho tới các loại chè đậu xanh, đậu đỏ được bày từ
ngày này qua ngày khác, có hủ còn đóng váng chia thành 2 lớp. Lân la dò hỏi, bà
chủ cho hay: “Có tuần cô bán hết hết 4, 5 hũ, còn những loại bán không
chạy thì cứ để bán dần dần, cái này để cả tháng cũng không hư”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề hàng loạt loại bánh kẹo trẻ em không rõ xuất xứ, nhãn mác, Đại úy Lương Anh Hoàng – Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về môi trường cho biết: "Những loại thực phẩm này chưa được cơ quan chức năng của Bộ Y tế kiểm định, cấp phép, do vậy rất có thể nhiễm các chất độc hại gây các bệnh như ung thư… cho các em sau này. Những sản phẩm bánh kẹo kèm đồ chơi này rất bắt mắt, giá lại rẻ chỉ 1-2 nghìn đồng/sản phẩm nên được rất đông trẻ em trong độ tuổi học sinh cấp 1, cấp 2 ưa thích. Tuy không phát bệnh ngay nhưng về lâu về dài rất nguy hiểm đối với sức khỏe của các em. Do vậy, các các vị phụ huynh học sinh không nên mua cũng như khuyên nhủ con em mình không mua và sử dụng loại thực phẩm này”. Luật sư Vi Văn Diện – GĐ Công ty luật Thiên Minh và cộng sự cho hay: “Các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành Y tế và Quản lý thị trường phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để phát hiện kẹo mút phát sáng, ô mai, kẹo hình thuốc lá, cola mini đồ chơi… có chất gây ung thư “đầu độc” học sinh quanh các điểm trường, xử phạt nghiêm khắc những người kinh doanh, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem phụ bằng tiếng Việt, đồng thời quyết liệt thu hồi và tiêu hủy những loại quà độc hại bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm hồn cho các em học sinh". |