Giật mắt, lắc cổ - bệnh đến từ tivi, điện thoại
Cho trẻ sử dụng điện thoại hay xem tivi quá nhiều dễ dẫn đến mắc chứng rối loạn Tic. Đây là chứng bệnh cần quá trình điều trị lâu dài, không thể dứt điểm và dễ tái phát.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều cha mẹ bận rộn với công việc, không có thời gian chơi với con nên thường cho trẻ xem, sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại từ rất sớm. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra, trẻ phải ở nhà học online nên cũng hình thành thói quen sử dụng các thiết bị điện tử. Việc sử dụng các thiết bị này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó có rối loạn Tic (là những cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được).
Dễ nhầm lẫn với bệnh về thần kinh
Ghi nhận tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM thời gian qua, số trẻ mắc rối loạn Tic đến khám tăng mạnh.
Bác sĩ Lý Hiển Khánh, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trước đây mỗi ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận 1 trẻ đến khám nhưng hiện nay có 5-6 trẻ khám/ngày. Trung bình mỗi tháng, tại bệnh viện tiếp nhận 150-200 trẻ mắc bệnh Tic.
Ngồi chờ tại phòng khám, bà N.T.H (70 tuổi, ngụ Bình Thuận) cho biết bà đưa cháu nội 10 tuổi tái khám sau 3 lần ra vào bệnh viện. Theo bà H., do ba mẹ cháu bé đi làm ăn xa, bé ở nhà với bà nội. Sau đợt dịch COVID-19, bé có sử dụng điện thoại nhiều hơn để học online. Thời gian gần đây, bé thường hay giật vai, nháy mắt, lắc đầu... Lo cháu bị động kinh nên bà đưa đến bệnh viện khám.
Bệnh nhi mắc bệnh Tic được bác sĩ thăm khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
"Đến khám tôi mới biết cháu không phải động kinh mà mắc bệnh do thói quen sử dụng điện thoại nhiều. Từ lúc đến khám tới nay là gần 2 tháng thấy tình hình cũng có cải thiện, cháu không còn những cử động bất thường như trước. Về nhà tôi cũng hạn chế cho cháu xem điện thoại, tivi" - bà H. nói.
Tương tự, chị T.B.T (38 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết con chị kén ăn, mỗi lần ăn đều quấy khóc. Khi mở tivi bé ăn ngoan hơn nên mỗi lần đến bữa, chị đều mở cho con xem, lâu dần thành thói quen.
"Ban đầu cứ nghĩ cho con xem trong sự kiểm soát của mình thì sẽ không ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây là cách nghĩ sai lầm. Bé có biểu hiện mệt mỏi, thất thần, hay có những cử chỉ như nháy mắt, giật mình, loạn thị, cho con đi khám tôi mới biết bé bị rối loạn Tic do phụ thuộc vào các thiết bị điện tử quá nhiều" - chị T. ân hận.
Theo bác sĩ Khánh, trẻ đến khám vẫn tiếp xúc bình thường, tỉnh táo, các kết quả xét nghiệm không bất thường. Tuy nhiên, khai thác bệnh sử, nhiều trẻ có điểm chung là sử dụng các thiết bị điện tử nhiều, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trẻ đến khám bệnh Tic thường được xếp vào nhóm bệnh nội thần kinh. Số trẻ mắc bệnh Tic chiếm 10% trong tổng số trẻ khám nội thần kinh.
Dễ tái phát
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Trung Hiếu, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), rối loạn Tic là những cử động hoặc âm thanh bất ngờ, nhanh, lặp lại và không có nhịp điệu. Bệnh thường gặp ở trẻ em. "Đây là rối loạn thường xuất hiện trước 18 tuổi, trong đó tuổi khởi phát trung bình từ 4 đến 6 tuổi với mức độ nghiêm trọng giảm dần ở tuổi vị thành niên, đa số giảm nhẹ khi trưởng thành" - bác sĩ Hiếu nói thêm.
Rối loạn Tic gồm đơn giản và phức tạp. Trong đó, Tic đơn giản thường gặp với tỉ lệ lưu hành khoảng 6%-12% trong dân số. Mặc dù các dạng của rối loạn Tic thường nhẹ nhưng một số dạng có thể gây rối loạn về tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và các hoạt động xã hội của người bệnh.
Rối loạn Tic liên quan đến các biểu hiện về vận động và âm thanh thường được chia làm 2 nhóm. Tic vận động đơn giản bao gồm nháy mắt, liếc mắt, nhăn mặt, nhún vai, giật vùng đầu cổ, gồng bụng, giật mũi, cử động miệng, bĩu môi, giật tay... Tic âm thanh đơn giản gồm hắng giọng, ho, hỉ mũi, lầm bầm, khạc nhổ, thét lên, huýt gió, tiếng ríu rít, lầm bầm...
Còn rối loạn Tic phức tạp kéo dài lâu hơn và gồm nhiều nhóm cơ, vận động (nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…) hoặc về âm thanh (nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét, nói tục...).
Theo bác sĩ Tiến, với những trẻ mắc hội chứng này, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để làm dịu thần kinh của trẻ, một số trường hợp nặng phải điều trị tâm lý kèm theo. "Bệnh không thể điều trị dứt điểm mà cần có thời gian. Với trẻ bệnh nhẹ, ngoài thay đổi hành vi, thói quen của trẻ thì cũng cần bổ trợ thuốc bổ giúp ổn định thần kinh. Còn với trẻ bệnh nặng phải dùng thuốc đặc trị nên cha mẹ cần kiên trì phối hợp với bác sĩ trong điều trị... Tuy nhiên, đây là hội chứng không thể điều trị triệt để và khả năng tái phát cao" - bác sĩ Tiến cho hay.
Tăng cường giao tiếp với trẻ
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, điện thoại... Khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử cần có người lớn xem cùng và tương tác với trẻ thông qua nội dung video truyền tải. Màn hình điện tử phải đủ lớn, đủ sáng để bảo đảm cho sức khỏe của mắt.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Tiến khuyên cha mẹ dành nhiều thời gian cho con hơn, hạn chế để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại. Trong trường hợp cha mẹ quá bận thì nên tranh thủ giờ ăn cùng trò chuyện với con nhiều hơn. Bên cạnh đó, sắp xếp thời gian những ngày nghỉ cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, không để trẻ sống phụ thuộc vào thế giới ảo.
"Cha mẹ có thể chơi cùng con như cùng lắp ráp, đọc sách, tập thể dục, múa, hát... Tăng cường ra bên ngoài giao tiếp với bạn bè" - bác sĩ Tiến khuyên.