Giáo viên mong dẹp các cuộc thi hình thức để tập trung dạy học
Các giáo viên phổ thông đề nghị giảm những cuộc thi máy móc và tốn kém của cả học sinh lẫn giáo viên, để họ được tập trung dạy học.
Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng GD&ĐT sáng 15/8, giáo viên mầm non tại Hậu Giang, cho rằng trong và ngoài trường học hiện có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh do Bộ hoặc địa phương phát động. Vì vậy, ngoài 10-12 tiếng làm việc mỗi ngày, giáo viên sẽ gặp áp lực, không có thời gian chăm sóc gia đình nếu tham gia những cuộc thi.
Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời, Cà Mau, cho rằng cuộc thi nghiên cứu khoa học chưa phù hợp với trình độ học sinh THCS. Nhiều ý kiến nhận xét việc tổ chức thi như hiện nay vừa hình thức, vừa bị cuốn theo thành tích.
Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Lê Anh Xuân, TP HCM, cho rằng, nhiều cuộc thi lúng túng trong cách tổ chức, máy móc, gây tốn kém tiền bạc, công sức mà không hiệu quả.
Cô Thảo kiến nghị cần rà soát và sắp xếp lại các cuộc thi làm sao để phù hợp với giáo viên, học sinh, không làm ảnh hưởng tới chuyên môn của thầy cô và thời gian học của các em.
Nhiều giáo viên ở các địa phương khác cũng kiến nghị giảm các cuộc thi không cần thiết để giáo viên tập trung dạy học.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các địa phương không nên tổ chức các cuộc thi hình thức, điều này làm khổ giáo viên, học sinh. Ông khẳng định xu hướng là tinh gọn, giảm các cuộc thi không cần thiết.
Riêng với cuộc thi Khoa học Kỹ thuật, ông Sơn cho rằng sân chơi này đã được tổ chức nhiều năm, được đông đảo giáo viên, học sinh hưởng ứng. Cuộc thi này cũng phù hợp với mục tiêu học đi đôi với hành, hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo của học sinh.
“Cuộc thi này cũng cần đổi mới, sắp tới sẽ điều chỉnh để thực chất, phù hợp với lứa tuổi học sinh”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thêm, kinh nghiệm cho thấy tổ chức cuộc thi trong nước tốt nhưng ra quốc tế ít được giải cao vì cần nền tảng tư duy, kỹ năng từ sớm. Các cuộc thi phải đặt trên nền tảng thực hành, ứng dụng của học sinh lớp dưới nữa thì mới thực sự ý nghĩa.