Giáo viên mầm non - Yêu nghề thì gắn bó thôi...

Trang Linh,
Chia sẻ

Giáo viên mầm non là người thầy đầu tiên và quan trọng của trẻ, một công việc thú vị và được vinh danh nhưng dấn thân vào nghề mới thấu hiểu có biết bao uẩn ức.

Vất vả hơn osin, nhận đồng lương “bèo bọt”

Giáo viên mầm non là người thầy đầu tiên và quan trọng của trẻ, dạy trẻ những bài học đầu tiên của cuộc sống, là người ươm mầm nhân cách cho trẻ thơ. Khi đón trẻ về, phụ huynh luôn thấy các cô tươi cười niềm nở, thấy bọn trẻ sạch sẽ gọn gàng, nhưng đằng sau đó là những nỗi khổ mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu.

“Chẳng khác nào osin”, “công nhân còn sướng hơn mình”, đó là những điều không ít giáo viên mầm non chua chát tự nói về nghề của mình. Nghề giáo viên mầm mon kiêm đủ thứ nghề, vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ… vừa chăm cho trẻ ăn lại vừa… dọn phân trẻ ị. Cô giáo Tạ Như Mai (Hải Dương) bày tỏ: “Người ngoài ngành nhiều khi nghĩ nghề của chúng tôi đơn giản chỉ là trông trẻ, cho bọn trẻ ăn, làm vệ sinh cá nhân, dỗ chúng ngủ, múa hát vài câu là hết ngày, chứ không tưởng tượng được nỗi vất vả của chúng tôi. 7 giờ đón trẻ thì 6 giờ 30 chúng tôi đã phải có mặt để lau chùi dọn dẹp phòng, chuẩn bị bàn ghế, đón trẻ, cho ăn sáng tập thể, vệ sinh cho các con, dạy các con, trông các con chơi, rồi cho uống sữa; đến giờ ăn trưa thì rửa tay, cho ăn, rửa tay cho các con, dọn dẹp bát đĩa, lau phòng rồi kê giường cho các con đi ngủ. Được một lúc lại gọi các con dậy cho đi vệ sinh để khỏi tè dầm, rồi đến công việc buổi chiều. Nếu khéo thu xếp, các cô sẽ được ngả lưng khoảng 30 phút, mà nằm ngay dưới sàn nhà để còn trông các con, chứ làm gì có không gian riêng!”

Cô giáo Đỗ Thị Lương, đã công tác 2 năm ở một trường mầm non tư thục tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Nói thật, nhiều lúc mình muốn… đi vệ sinh cũng khó. Hồi chửa cu tí, mình mang đồ ăn vặt đi, định đến lớp ăn nhưng ngày nào cũng mang về nguyên xi, vì làm gì có thời gian ăn! Tiếng là làm việc theo giờ hành chính, nhưng có phải lúc nào phụ huynh cũng đến đón trẻ đúng giờ đâu, có hôm trả trẻ xong, dọn dẹp lớp thì đã tối muộn rồi. Không ít lần phụ huynh còn… quên đón con, thế là các cô phải đưa trẻ về tận nhà. Về đến nhà, tay chân bải hoải rã rời, ăn uống còn chẳng thiết nói gì đến việc chăm sóc gia đình, tối lại tranh thủ soạn giáo án cho hôm sau. Có được thứ bảy, chủ nhật nghỉ thì lại làm đồ dùng học tập chứ có phải được chơi đâu! Có ngày, mình chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng thôi đấy!

Giáo viên mầm non - Yêu nghề thì gắn bó thôi... 1
Giáo viên mầm non đâu phải chỉ múa hát, cười nói suốt ngày! (Ảnh minh họa)

Riêng chuyện làm đồ dùng học tập cho học sinh cũng lắm chuyện buồn cười. Chị Trần Thị Nga (Phú Thọ) bảo, đôi khi mọi người nhìn vào cứ đùa rằng giáo viên mầm non chẳng khác các bà… đồng nát là bao. Họ rất thích sưu tầm chai lọ, bìa các-tông, dây nilon các loại để làm đồ chơi, học cụ cho các bé. Chị khoe, nhà chị có riêng một kho chứa các đồ lỉnh kỉnh như thế. Cuối tuần, chị lại ngồi cắt cắt, dán dán, tô vẽ lên những chai lọ, mảnh bìa để tạo hình con voi, đám mây, xe cộ… cho học sinh dễ hình dung. Tận dụng đồ phế liệu ở nhà chưa đủ, chị còn tích cực “ngoại giao” để xin đồ phế liệu của các nhà hàng xóm, khiến không ít người tưởng lầm chị kiếm thêm bằng nghề... buôn phế liệu.

Công việc vất vả, nhiều việc lặt vặt không tên, lại tốn nhiều thời gian của giáo viên mầm non dẫn đến mất một thiệt thòi khác: ít thời gian chăm sóc gia đình. Chị Nguyễn Hải Hòa, một giáo viên mầm non vừa giải nghệ tâm sự: “Các cô chỉ có thời gian trông con người khác thôi, còn con mình gần như không chăm được. Những ngày thường đã đành, ngày khai giảng là ngày quan trọng nhất trong năm học của trẻ, cũng mấy cô giáo mầm non nào đưa con đi dự lễ được, vì còn phải ở lớp túc trực đón trẻ. Con đã vậy, chồng cũng chẳng có thời gian ngó ngàng, chăm sóc, thành ra tình cảm vợ chồng đôi lúc lục đục. Tháng trước, anh ấy yêu cầu mình nghỉ việc để tiện chăm con”.

Mức lương thấp cũng là một nỗi khổ khác của giáo viên mầm non. Với mức lương được chi trả, không dễ để họ trang trải cho bản thân và gia đình, nhất là với các giáo viên mầm non mới vào nghề hoặc làm việc ở nông thôn và miền núi. Một giáo viên mầm non có bằng Đại học chính quy, thâm niên 10 năm trong nghề tâm sự: “Với mức lương 4,5 triệu như mình, lại sống ở Hà Nội, nếu chồng không vững thì chắc không trụ nổi đến giờ. Anh toàn nói đùa mình, biết thế ngày xưa em đừng đi học nữa, học mấy năm tốn hàng trăm triệu, 10 năm trong nghề mà lương còn chẳng bằng giúp việc hay công nhân. Mà anh thấy công nhân còn nhàn hơn em, hết giờ ở công ty, người ta về ngủ còn em vẫn lọ mọ đủ thứ, chỉ được cái tiếng có nghề nghiệp ổn định. Nghe mà chua chát lắm!

Hạnh phúc là… một ngày không bị mắng

Giáo viên mầm non cũng là một nghề nhiều áp lực, nhất là bởi những phàn nàn của phụ huynh học sinh. Nhìn từ góc độ phụ huynh, hiếm ai hài lòng 100% với giáo viên mầm non của con mình. Anh Phạm Quang An (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, bé Tun con gái anh vừa đi học được 1 tháng đã “biểu tình” không chịu đến lớp với đủ loại lý do: con chưa buồn ị cô đã bắt ị... Anh rất bực, đến nói chuyện với cô giáo thì được trả lời, ở lớp Tun, các bé bằng tuổi (3 tuổi) đều đã biết ngồi bô, đến giờ đi vệ sinh là các con “đi” tập thể, nhưng Tun kiên quyết không hợp tác. Cô bé chỉ chịu “đi” vào bỉm khiến việc vệ sinh cá nhân cho bé bất tiện hơn.

Chị Dương Huyền Mai cũng từng nổi đóa với cô giáo của con trai vì cô… lêu lêu bé. Cu Bo nhà chị Mai đã 29 tháng tuổi và vẫn chưa cai sữa. Ở trường Bo có tiêu chuẩn sữa bò, nhưng chị yêu cầu cô giáo để Bo dùng sữa mẹ. (Ngày nào chị cũng vắt một bình sữa gửi ở lớp cho con). Một hôm, sau khi về nhà, Bo kiên quyết không chịu ti mẹ và bảo: “Cô nói lớn rồi mà còn ti mẹ là xấu lắm” khiến chị Mai vừa bực mình, vừa hụt hẫng. Phản ánh với hiệu trưởng, chị được biết cô giáo trêu Bo vốn dạy lớp khác, được phân công đứng lớp thay cho cô giáo Bo trong thời gian nghỉ phép, rằng nhà trường sẽ nhắc nhở cô giáo và không để lặp lại tình trạng trên.

Những phàn nàn tương tự từ phía phụ huynh không hiếm. Những tai nạn xảy ra khi trẻ con chơi đùa cùng nhau như bị ngã, xây xước chân tay, cào cấu nhau… cũng là chuyện “cơm bữa” trong lớp mầm non. Theo nhiều giáo viên mầm non, nguyên nhân chính là do sĩ số lớp quá đông (có lớp lên đến 60 học sinh) mà chỉ có hai, ba cô giáo chăm sóc, bọn trẻ lại hiếu động nên cô giáo không thể kiểm soát hết được. 

Cha mẹ ở nhà chỉ chăm sóc 1 – 2 bé, đằng này chúng tôi quán xuyến cả vài chục bé, có khi nô đùa, cười nói ầm ầm như chợ vỡ, vừa nhắc nhở xong là lại nói chuyện, hơi tí mách nhau, vừa phải dạy các bé kiến thức, vừa phải lo chuyện ăn ngủ, vệ sinh… quả thực là quá tải. Trông các bé ngoan, không có vấn đề gì xảy ra là may mắn với các cô lắm rồi. Bọn trẻ bây giờ toàn là con cưng cả, nhỡ sơ ý để các bé xây xước, nếu không bị mắng, bị phản ánh với hiệu trưởng thì cũng bị lườm nguýt, nói mát. Nói thật, đến lúc trả trẻ xong, về đến nhà mà không bị ai gọi điện thoại hay đến nhà mắng vốn thì ngủ mới yên” – chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên một trường công ở Hà Nội tâm sự.

Giáo viên mầm non - Yêu nghề thì gắn bó thôi... 2
Sĩ số quá tải tạo ra áp lực tâm lý không nhỏ đối với giáo viên mầm non. (Ảnh minh họa)

Vất vả, thời gian và cường độ làm việc quá tải, lương thấp, thường xuyên “sống trong sợ hãi” là những lý do khiến nhiều giáo viên mầm non nản lòng với nghề, nhưng còn một lý do tế nhị khác nữa, đó là tâm lý coi thường giáo viên của một số phụ huynh. 

Chị Lê Mai Hương, chủ một lớp trẻ tư thục ở Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Không phải phụ huynh nào cũng hiểu công việc của chúng tôi. Chúng tôi bị phụ huynh mắng là thường, có người còn bảo, có mỗi việc trông trẻ, múa hát với cho bọn trẻ ăn mà còn để chúng xây xước thì làm được gì cho đời. Bọn trẻ mà không ngoan lại lôi cô giáo, lôi lớp học ra dọa, làm như chúng tôi là ngáo ộp vậy. Đến ngày lễ, phụ huynh cũng có quà, cũng quan tâm đến các cô nhưng kèm theo đó luôn là lời dặn phải quan tâm hơn đến con của họ. Yêu nghề thì gắn bó thôi, chứ nhiều khi tủi thân lắm." 

Chia sẻ