Giáo dục cảm xúc từ sớm giúp trẻ phát triển toàn diện và "sống sót" trong thời đại AI bùng nổ
Trong hai ngày 23-24/11, Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 được Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức với sự đồng hành của trường TH School và Tập đoàn TH. Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia giáo dục nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Trong phiên Hội thảo ngày 24/11 - được thiết kế dành riêng cho giáo viên và nhà quản lý giáo dục, nhiều chủ đề về hạnh phúc trong giáo dục đã được trao đổi, trong đó phải kể đến nội dung Giáo dục cảm xúc cho trẻ ngay từ nhỏ.
Nội dung này được các chuyên gia bao gồm: Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai, Giảng viên Đại học Flinders, Úc; Ông Thomas Hobson, Tác giả sách, blogger nổi tiếng, Chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em tại Hoa Kỳ; Giáo sư Yong Zhao, Giảng viên Đại học Kansas, Hoa Kỳ nhắc đến và nhấn mạnh nhiều lần trong các bài chia sẻ của mình.
Giáo dục cảm xúc sớm: Nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ!
Tại Hội thảo, trao đổi về chủ đề Giáo dục cảm xúc xã hội (Social and Emotional Learning - SEL) ở trường học, Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai cho biết từng chứng kiến một trường hợp lạ lùng trong chính lớp mình dạy, đó là 2 học sinh cùng lớp, nhưng lại không hề biết đến sự tồn tại của nhau!
Điều này khiến bà đặt câu hỏi: "Tại sao hai người cùng trong một lớp mà không nhớ đến nhau và không biết nhau? Phải chăng cách mình dạy có gì sai sai?".
Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai
Những quan sát này thúc đẩy bà tìm hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc dạy trẻ nhận diện cảm xúc, xây dựng mối quan hệ xã hội, và học cách tương tác ngay từ khi còn nhỏ.
Nữ Tiến sĩ nhận định, giáo dục cảm xúc là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Thông qua việc tự nhận thức, tự quản lý cảm xúc và tạo dựng các mối quan hệ xã hội tích cực, trẻ không chỉ cải thiện được kết quả học tập mà còn cả khả năng giao tiếp. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng cho thành công trong tương lai.
Trong bài chia sẻ về "Xây dựng cá nhân hóa việc học trong trường học vươn tới sự xuất chúng", Giáo sư Yong Zhao cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục cảm xúc sớm trong việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, điều chỉnh hành vi, hướng tới tương lai.
"Giáo dục hiện đại không chỉ là dạy những gì cần thiết hôm nay mà còn phải chuẩn bị cho những thách thức 15-20 năm sau", ông phân tích.
Giáo dục cảm xúc từ sớm: "Chìa khóa" để đối phó với sự bùng nổ của AI
Giáo sư Yong Zhao cũng đề cập đến sự phát triển vượt bậc của Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay và những thách thức, cơ hội nó mang tới cho giáo dục hiện đại.
Dễ dàng nhận thấy, AI có thể hỗ trợ con người trong việc tìm kiếm và cung cấp thông tin. Có mặt tại Hội thảo, nhiều giáo viên cũng thẳng thắn chia sẻ đã áp dụng AI vào việc xây dựng, tìm kiếm chủ đề bài giảng.
Các giáo viên có mặt tại Hội thảo
Tuy nhiên theo Giáo sư Yong Zhao, Trí tuệ nhân tạo, dù thông minh đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn con người ở những kỹ năng như cảm xúc, sự đồng cảm và khả năng tương tác xã hội.
Trong khi AI có thể giải quyết những vấn đề lặp đi lặp lại, các nhiệm vụ tự động thì sự sáng tạo và khả năng cảm nhận cảm xúc là những yếu tố làm nên sự khác biệt của con người. Do đó, cần dạy trẻ cách điều tiết cảm xúc và phát triển sự tự nhận thức từ khi còn nhỏ. Nó không chỉ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện mà còn giúp các em sống hòa hợp, thích ứng với môi trường công nghệ số ngày càng phức tạp.
"AI có thể là công cụ hữu ích, nhưng học sinh phải biết cách tìm ra các vấn đề mới, những vấn đề mà AI và các công cụ hiện tại chưa thể giải quyết một cách hiệu quả", Giáo sư Yong Zhao cho hay.
Giáo sư Yong Zhao
Giáo viên cần chú ý gì trong giáo việc giáo dục cảm xúc cho trẻ ở trường?
Theo Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai, để trở thành một giáo viên hiệu quả, không chỉ cần truyền đạt kiến thức mà còn phải phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc cho học sinh.
"Giáo viên cần giúp học sinh hiểu và phản ứng đúng đắn trước những tình huống trong xã hội, đồng thời rèn luyện khả năng ra quyết định có trách nhiệm, từ đó giúp các em trưởng thành hơn trong môi trường học tập và cuộc sống", nữ Tiến sĩ phân tích.
Chia sẻ về chủ đề "Giao tiếp với trẻ em để khơi dậy tư duy", thầy Thomas Hobson chỉ ra việc nhiều giáo viên thường xuyên đưa ra mệnh lệnh hoặc câu hỏi mà không để trẻ tự xử lý.
Điều này vô tình làm hạn chế không gian phát triển cảm xúc và tư duy độc lập của trẻ, đặc biệt ở độ tuổi mầm non, khi trẻ bắt đầu học cách nhận diện và kiểm soát cảm xúc.
"Khi bạn đặt câu hỏi cho một đứa trẻ nhỏ, bạn cần đợi 12 đến 15 giây… Khoảng thời gian này rất cần thiết để trẻ suy nghĩ", thầy Thomas Hobson đưa ra lời khuyên.