Giành giải thưởng Khoa học, giỏi tiếng Anh nhưng lại đỗ chuyên kép Văn - Hóa, nữ sinh Amsterdam bật mí động lực từ lời khuyên của mẹ
Suốt thời gian cấp 2, Phương Linh đã tham gia nhiều kỳ thi về Khoc học, Anh và đều đạt giải thưởng. Thế nhưng, sau cùng cô bạn lại quay ngoắt sang đăng ký và đỗ đồng thời cả chuyên Văn - Hóa Amsterdam khiến ai nấy choáng váng lẫn nể phục.
"Người ta nói, giỏi môn gì thì theo chuyên môn đấy. Thực ra cũng không sai, nhưng cũng không hẳn là đúng. Một người bạn trong lớp tôi, học rất cừ Toán, đạt rất nhiều giải Toán, bây giờ lại quyết tâm theo đuổi chuyên Văn. Hay là tôi, vốn nổi bật nhất là môn tiếng Anh, các môn Tự nhiên chỉ trên mức cơ bản một chút, bây giờ lại nhất mực theo chuyên Hóa" - đó là những chia sẻ của cô bạn Trần Phương Linh vào thời điểm 2 năm trước - 2018.
Hồi đó, Phương Linh đang học lớp 8, từng có thành tích tốt môn tiếng Anh (cấp 1) và Khoa học (lớp 6,7) nhưng bất ngờ quay ngoắt sang chọn theo Hóa. Tuy nhiên, hiện tại cô bạn lại đang học chuyên Văn - Amsterdam và phía sau những bước ngoặt chọn môn là câu chuyện đầy thú vị về sự nỗ lực của Phương Linh cũng như cách giáo dục khéo léo của bố mẹ.
Liều lĩnh từ bỏ môn giỏi để chọn môn thích
Vốn có năng khiếu lại được đi học tiếng Anh từ nhỏ, Phương Linh giành không ít giải thưởng lớn nhỏ như giải nhất IOE tiếng Anh cấp quận, Olympic tiếng Anh, Top 10 English Champion toàn quốc... từ thời cấp 1 và IELTS 7.0 năm lớp 7. Vậy nên chẳng có gì lạ khi cả bố mẹ và Phương Linh đều sớm định hướng theo chuyên ngữ.
Dù thế nhưng cô bạn khiêm tốn tự nhận kỹ năng đọc, viết chỉ "bình thường thôi". "Nói rằng giỏi Anh, nhưng thực sự khả năng ngữ pháp, đọc, viết của em chỉ ở mức đủ dùng. Lợi thế của em, là nghe nói – một phần không được chú trọng trong đề thi chuyên. Đó là lí do em thấy thật sự mệt mỏi khi làm xong một đề học sinh giỏi tiếng Anh" - Phương Linh chia sẻ.
Luôn cảm thấy không hào hứng khi làm nhiều đề học sinh giỏi tiếng Anh nhưng Phương Linh vẫn nghĩ mình sẽ gắn bó với môn học này trong những năm cấp 3, cho tới một lần... "Khi thu dọn đống hỗn độn trong nhà, em nhìn thấy một tập tài liệu. Đó là tập tài liệu em đã học từ rất lâu - khi tham gia IMSO Khoa học". Chỉ một tập tài liệu ôn tập nhưng lại có khả năng khơi gợi những cảm xúc yêu thích vùi sâu trong trái tim nữ sinh cấp 2. "Em chợt nhớ về hứng thú với Hóa học, dù không được tiếp xúc nhiều. Em theo chuyên Hóa từ đấy" - Phương Linh kể lại.
Từ đó, những quyển sách ôn tập chuyên Anh trong nhà cô bạn cũng vơi dần đi. Phân nửa số sách Phương Linh mang cho một anh chuẩn bị thi chuyên năm ấy. Nửa còn lại mẹ cô bạn mang đi cho một em lớp dưới.
Giá sách bắt đầu lấp đầy bởi những quyển sách Hóa, Hóa nâng cao, đề chuyên Hóa... Lịch học cũng bớt một chút tiếng Anh, thêm một chút Hóa. "Có thể nói, tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Hóa là một môn học tự nhiên, chỉ cần thuộc lí thuyết, cùng một chút tư duy, chứ không cần học thuộc một cách máy móc – điểm yếu chí mạng của em" - Đưa ra một quyết định quan trọng của thời học sinh nhưng Phương Linh vì cảm thấy hào hứng, vui vẻ.
Tiếp tục chệch hướng nhưng vẫn khiến gia đình, nhà trường tự hào
Đến với chuyên Hóa khá muộn (bình thường các bạn sẽ định hướng chuyên từ cuối lớp 7) nhưng Phương Linh nhanh chóng bắt nhịp. Cô bạn tạm gác lại tiếng Anh để dành thời gian cho Hóa nhiều hơn. Thầy cô, gia đình sợ cô bạn gặp khó khăn nên giúp đỡ rất nhiệt tình.
Đến với Hóa, Phương Linh đã có định hướng thi chuyên Hóa trường Khoa học Tự nhiên. Nhưng mục tiêu này không hề đơn giản. "Đề toán điều kiện của trường này được đánh giá là khó tương đương chuyên Toán bình thường, nên em phải rất cố gắng học Toán. Từ nhỏ đến giờ, em không được hứng thú với Toán, nhưng bây giờ, đây chính là lựa chọn duy nhất".
Dốc sức cho 2 môn tự nhiên để thi chuyên Hóa là thế, nhưng sau cùng Phương Linh lại đưa quyết định nộp hồ sơ thi cả Văn và Hóa vào trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, một môn là môn yêu thích đang dốc sức học, một môn là cảm thấy hợp với nghề nghiệp tương lai. Cụ thể, năm học lớp 9, Phương Linh cảm thấy yêu thích với Truyền thông. "Em nghĩ học Văn sẽ có thể là một con đường mới dẫn đến ngành mình yêu thích" - cô bạn lý giải cho lựa chọn của mình ở những thời điểm nước rút.
"Đến khi nhận kết quả thì em thấy mình đỗ cả chuyên Văn và Hóa nên cũng khá là bối rối. Em đưa ra quyết định đi theo Văn là vì cũng một phần là điểm Hóa của em không quá cao, một phần lớn vì từ năm lớp 9 em thích với Truyền thông.
Hồi tiểu học em hay viết truyện lắm. Hay viết nhố nhăng thôi nhưng vẫn thích. Em còn thích làm thơ và từng làm rất nhiều thơ. Văn đối với em là năng khiếu một chút thôi, còn đến khi đỗ chuyên Văn thì đó là một bước ngoặt khá là bất ngờ".
Cuối cùng, Phương Linh từng đạt vô số giải thưởng tiếng Anh, đi thi môn Khoa học của kì thi IMSO (gồm 3 môn Lý, Hóa, Sinh), ra sức học Hóa lại thi vào chuyên Văn - Amsterdam.
Có lẽ trải nghiệm thay đổi, cố gắng, rồi lại thay đổi khi chọn môn học chuyên của Phương Linh cũng giống nhiều bạn cùng độ tuổi. Nhưng dù là ai, dù chọn thế nào thì cũng có những áp lực riêng buộc bản thân học sinh ấy cần có sự kiên trì, chăm chỉ, nỗ lực. Thay đổi môn chuyên xoành xoạch nhưng thành tích đáng gờm của cô bạn quả thật không làm nhà trường, gia đình thất vọng.
Cách giáo dục làm bạn với con của cha mẹ nữ sinh 2k4
Chị Thái Thu Phương - mẹ của Phương Linh cho biết, không phải chỉ chuyện con thay đổi môn học, mà bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống chị đều cho các con quyền được đưa ra quyết định. Bố mẹ cùng con bàn bạc, tôn trọng ý kiến của con, phân tích cho con thuận lợi và khó khăn và con sẽ là người quyết định cuối cùng. Đương nhiên, khi con đã lựa chọn thì con phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bố mẹ sẽ hỗ trợ trong khả năng của bố mẹ nếu con cần.
Chị Thu Phương có 2 cô con gái nhưng tính cách cũng khác nhau nên chị lại phải nghĩ ra một cách riêng. Có lúc thì coi các con như bạn, cũng có lúc phải lấy quyền làm bố mẹ để trao đổi và hướng dẫn các con.
Với Phương Linh, chị Phương đánh giá con có năng khiếu về ngôn ngữ nên chị từng định hướng cho theo chuyên ngữ. Nhưng cơ duyên khi con vào cấp 2 thì lớp 6 và 7 con được tham gia cuộc thi khoa học IMSO. Cuộc thị IMSO có 2 môn thi là Toán và Khoa học, Phương Linh nằm trong đội tuyển Khoa học (phải học 3 môn kết hợp là Lý, Hóa, Sinh). Chị nhận thấy con rất thích Hóa, trong khi học hay kể với mẹ: "Học Hóa con thấy hay lắm".
Nhưng phải đến học kỳ 2 của lớp 8 con mới nói với chị là con sẽ thi chuyên Hóa. "Thực sự lúc đó mình cũng sốc lắm chứ. Nhưng rồi mình bảo con cứ suy nghĩ thật kỹ. Các cô giáo ở trường thì khuyên con là không nên chuyển. Nhưng mình thấy con quyết tâm quá! Mà ở giai đoạn đó, các bạn có ý định thi chuyên Hóa thì đã học xong chương trình cơ bản Hóa cấp 2 rồi nên mình đã trao đổi với con là con phải tự học thì mới theo được các bạn được. Nếu con quyết tâm thì con phải nỗ lực và mẹ ủng hộ. Và bạn ấy đồng ý".
Quá trình học đương nhiên không đơn giản, thậm chí rất khó khăn, vất vả. Nhiều lúc chị Phương nghĩ con gái sẽ bỏ cuộc nhưng Phương Linh vẫn cố. Bên cạnh việc động viên, bà mẹ tâm lý cũng bàn với con về phương án dự phòng trường hợp xấu nhất là không đỗ chuyên để con gái thoải mái tư tưởng.
Sự nỗ lực của Phương Linh và kỳ vọng của chị bố mẹ đã được đền đáp, cô bạn đỗ cùng lúc cả Văn và Hóa và trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đạt được hàng loạt thành tích lớn nhỏ trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ngoài sự chăm chỉ, cần cù của Phương Linh chắc chắn cũng có công không nhỏ từ sự giáo dục khéo léo của bố mẹ.