Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng

Bình Dương,
Chia sẻ

Những người thợ tại làng đá chẻ Hòa Sơn (Hòa Vang - Đà Nẵng) phải đập đá, cưa đá và chẻ đá. Nguy hiểm rình rập, thế nhưng đây lại là kế sinh nhai của nhiều người.

Đến thăm làng đá chẻ vào buổi sáng sớm, âm thanh chua chát, hỗn độn của máy xẻ, tiếng cạch cạch của búa gõ đá vọng lại đều đặn, vang vọng. Người thợ chẻ đá cần mẫn gõ từng nhát búa để tách khối đá vuông vức thành từng lát đá nhỏ. Nghề này mang lại thu nhập nhưng nguy hiểm cho con người như tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường...

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 1
Công đoạn đập đá

Làng nghề “đá chẻ” Hòa Sơn (Hòa Vang - Đà Nẵng) đã tồn tại hàng chục năm qua. Đến với nghề đá, yêu cầu khá đơn giản: Chỉ cần có sức khỏe là được. Từng tốp người vẫn nối nhau cần mẫn làm việc, người đập đá, người cưa, người chẻ. Tất cả đều hối hả, tất bật cho một ngày mưu sinh.

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 2
Chẻ đá cần sự tỉ mỉ của người thợ

Nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm đá ở đây khá dồi dào, hầu hết các mỏ đá lớn đều nằm gần các cơ sở sản xuất tại xã Hòa Sơn. Ngoài ra còn một số mỏ tại xã Hòa Ninh, Hòa Nhơn và Hòa Khương. Các sản phẩm đá chẻ hiện được thị trường trong nước và quốc tế rất ưa chuộng, đá chẻ được vận chuyển vào thị trường miền Nam và xuất khẩu. 

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 3
Cưa đá thành từng phiến nhỏ

Hiện nay, loại hình đá chẻ ốp tường để trang trí có nhiều kích cỡ, giá cả tùy theo từng loại, đối với loại đá tẩy, giá tại nơi sản xuất khoảng 45.000 đồng/mét vuông. Riêng loại đá suối (đá nhỏ để trang trí hoa văn, suối nước...) giá 120.000 đồng/mét vuông.

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 4
Công việc kiếm cơm 

Cô Nguyễn Hiền ( 45 tuổi, Quảng Nam) cho biết: “Cuộc sống ở quê khó khăn, ra đây làm đá kiếm thu nhập. Dù nguy hiểm và hơi bụi bặm 1 tí nhưng bù lại có đồng ra đồng vô phụ thêm cho 2 đứa con ăn học. Thường thì 1 tuần là tôi về thăm nhà 1 lần”

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 5
Buộc đá thành từng khối để bán cho khách hàng

Sản phẩm đá chẻ Hòa Sơn có đặc điểm rất bền, chất lượng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao đáp ứng yêu cầu trong xây dựng. Đá chẻ sản xuất ở Hòa Sơn hiện có 3 màu vàng, xanh, lông chuột với nhiều chủng loại, quy cách rất phong phú về kiểu dáng và mẫu mã. 

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 6
Miệt mài lao động giữa làng đá

Cô Đặng Nga (Quảng Ngãi) bộc bạch: “Nghề đá này đỡ cái là không phải chạy vạy nhiều. Ngồi 1 chỗ làm rồi về. Lương thì cũng nhanh chóng, thỏa đáng nên cố gắng mà làm, chứ đời phu đá thì tất nhiên phải cực rồi”.

Nguy hiểm luôn rình rập và là nỗi lo thường nhật của những phu đá. Những vết thương do các mảnh đá nhỏ trong khi chẻ bay trúng vào cơ thể là điều quá bình thường đối với một người thợ đá. Có người vụn đá bắn vào hỏng cả mắt, cả tai. Còn chuyện bẹp ngón tay, ngón chân, thậm chí gãy chân vì đá là thường. Sau những tai nạn đó, người bỏ nghề thì ít, đa số vẫn gắn bó như cái nghiệp. 

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 7
Không khí tại làng đá chẻ Hòa Sơn luôn tất bật, hối hả

Những âm thanh chát chúa phát ra từ tiếng búa tạ, từ mũi khoan chọi khoét vào lòng đá. Có nhọc nhằn nào bằng miếng cơm, manh áo người thợ đá làm ra. Đời phu đá đối mặt với sinh tử trong gang tấc, nhưng vì áo cơm, gạo tiền nhiều người vẫn hiên ngang bước vào.

Anh Văn Trung (40 tuổi) tâm sự: “Nhiều lúc chẻ đá mà trúng tay hoặc bị văng đá vào mắt thì phải nghỉ làm. Nhẹ thì 1 ngày còn nặng thì cả tháng. Cái nghề này nguy hiểm nhưng không làm thì lấy gì mà sống, mình cẩn thận tí là ổn thôi”. 

Gian nan những phận người làm nghề chẻ đá Đà Nẵng 8
Bụi bẩn và ô nhiễm là nỗi lo của người phu đá

Suốt ngày tiếp xúc với đá, người thợ phải đeo khẩu trang và găng tay để bảo vệ. Vì môi trường làm việc nhiều bụi bẩn, nếu không khéo những lát đá nhỏ có thể văng vào mắt. Giá phổ thông ngày công của nghề đá là 100.000 đồng/ ngày. 

Thế nhưng, phu đá không hợp đồng, không ràng buộc gì cả. Ai muốn làm thì làm, ai muốn nghỉ, chủ trả lương theo ngày. Vì vậy, mỗi người thợ đều phải tự bảo vệ bản thân mình vì gia đình và vì miếng cơm manh áo.

Khó khăn là vậy, nguy hiểm là vậy nhưng những phu đá nơi đây vẫn bám trụ và sống với nghề. Đơn giản vì hai chữ mưu sinh.
Chia sẻ