Trẻ tiểu học gian nan học trực tuyến: Phụ huynh gợi ý cách đồng hành cùng con “nhàn tênh", ai đọc xong cũng gật gù

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến là một thách thức lớn nhưng qua đó trẻ cũng có cơ hội rèn luyện các kỹ năng.

Với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", học trực tuyến (học online) là hình thức đang được áp dụng để có thể giúp học sinh ôn luyện kiến thức mùa Covid. 

Học trực tuyến không phải là cách học dễ dàng mà là cách học thuận tiện. Để quá trình học hiệu quả, con cần dành đủ thời gian, tham gia khóa học đều đặn, học tập trung và nghiêm túc, giống như tham gia khóa học thông thường. 

Học trực tuyến không có môi trường sư phạm quen thuộc như thầy giáo, cô giáo, bạn học xung quanh cho nên động lực và nhân tố tác động bên ngoài bị hạn chế. Vì thế, các học sinh phải học bằng sự tự giác và tập trung cao độ. Do vậy, để việc học trực tuyến hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường; sự đồng hành của các bậc cha mẹ và nhất là sự tự giác của mỗi học sinh.

Gian nan "cuộc chiến" học trực tuyến: Phụ huynh "hiến kế" mẹo đồng hành cùng con hiệu quả - Ảnh 1.

Học trực tuyến (học online) là hình thức đang được áp dụng để có thể giúp học sinh ôn luyện kiến thức mùa Covid.

Phải thiết lập thời khóa biểu 

Là phụ huynh có con lớp 3 đang học trực tuyến sau khi tạm dừng việc học ở trường, anh Minh Thắng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, với kinh nghiệm đồng hành cùng con học online học kỳ hai năm ngoái, việc thiết lập thời gian biểu cho con là vô cùng quan trọng.

"Lấy ví dụ từ con của mình: Lịch học ban ngày theo thời khoá biểu học như trên lớp. Tuy nhiên, nhà trường rút gọn từ 35 tiết xuống còn 30 tiết/tuần, lược bỏ các tiết hướng dẫn học, thư viện, sinh hoạt lớp,... Thời lượng 1 tiết học cũng giảm từ 45 phút xuống còn 35 phút và nghỉ giải lao 10 phút giữa các tiết để tránh học sinh nhìn máy tính hoặc điện thoại quá lâu.

Từ 16h mình khuyến khích bé tập thể dục trong nhà, vui chơi giải trí. 20h-21h, bé sẽ được đọc sách, chơi tự do (lego, vẽ...) hay phụ giúp bố mẹ việc nhà... Mình đề xuất buổi trưa cuối tuần bé sẽ nấu hai món ăn cho chính mình. Các buổi tối mình có giờ đọc sách và cùng bé nói tiếng Anh. Bé vẫn được chơi game vào mỗi cuối tuần.

Ngoài thời gian học trực tuyến, cha mẹ có thể nghĩ ra các trò chơi, nhiệm vụ hay việc nhà đơn giản cho con. Nếu biết cách thì thời gian nghỉ dịch này sẽ giúp con phát triển nhiều, không áp lực học tập mà vẫn đảm bảo đầy đủ kiến thức".

Còn chị Lâm Anh (TP.HCM) chia sẻ, bé Ngọc nhà chị cũng học online, cháu tự vào link trường gửi, tự in và tự làm bài, chị chỉ hướng dẫn 1-2 lần. Những gì cháu chưa hiểu, cháu sẽ tự tra từ điển, google, chị sẽ chỉ ngồi gần quan sát cháu và kiểm tra lại thôi.

Gian nan "cuộc chiến" học trực tuyến: Phụ huynh "hiến kế" mẹo đồng hành cùng con hiệu quả - Ảnh 2.

Ngay từ nhỏ bố mẹ đã phải rèn cho con tính độc lập và tự giác. (Ảnh minh họa)

"Bé nhà mình đang học lớp 5, nhưng ngay từ lớp 1, bé đã được rèn thói quen này. Đầu tiên rất vất vả, nhưng giờ bé lớn hơn, mình rất nhàn. Nói chung, việc học là của bé, chính bé phải tự giác và cảm thấy thích thú. 

Cho nên không phải đợi khi dịch bệnh, mà ngay từ nhỏ bố mẹ đã phải rèn cho con tính độc lập và tự giác. Điều này giúp trẻ phát triển tư duy, kỹ năng tự lập và cũng giúp phụ huynh không phải suốt ngày bên cạnh để thúc ép việc học. Nói thì dễ nhưng đây là vấn đề phải ngấm từ từ chứ không nôn nóng được".  

Mong giáo viên được tập huấn để soạn giáo án phù hợp

Ngoài việc giúp việc học không bị gián đoạn, một điểm tích cực là theo dõi con học online, cha mẹ có thể biết được con có yếu điểm gì để nắn chỉnh. Ví dụ: Nhút nhát trên lớp dù ở nhà hoạt ngôn, chưa biết mở rộng bài, chưa biết bao quát lại vấn đề cần làm... 

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, trẻ tiểu học vốn mức độ tập trung chưa cao, ngoài sự đồng hành của gia đình thì điều quan trọng không kém là giáo viên cũng phải có cách truyền đạt sao cho thu hút.

"Con tôi cũng học lớp 1, nhà trường cũng đăng bài lên youtube, yêu cầu phụ huynh mở cho bé học. Nhưng thú thật, tôi thấy bài giảng quá khô khan. Đến bản thân tôi còn thấy chán, huống chi con trẻ. Con tôi lại thuộc dạng lười học nữa nên không thể ép con được", một phụ huynh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, chị Ngọc Anh (Quận 6, TP. HCM) nhận định: "Cứ thử tưởng tượng giáo viên dạy qua mạng mà nói liên tục mấy chục phút trong tình trạng mạng chập chờn thì rất có thể học sinh sẽ mở máy để đó nhưng làm việc khác. Thế nên, các thầy cô cần được tập huấn để soạn giáo án cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh, có kỹ năng gợi mở, đưa ra những câu hỏi dẫn dắt nhằm phát huy tinh thần tự học của học sinh. Có thể tích cực tặng danh hiệu cho học trò: Sticker, ngôi sao... tạo hứng thú học tập".

Gian nan "cuộc chiến" học trực tuyến: Phụ huynh "hiến kế" mẹo đồng hành cùng con hiệu quả - Ảnh 3.

Với quan điểm nên để trẻ tự học thay vì thúc ép, phụ huynh Hồng Mai (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ bố mẹ nên theo dõi và động viên trẻ nhẹ nhàng, chứ không bắt con phải học thật nhiều. Khuyến khích trẻ bằng phần thưởng nếu trẻ không muốn ngồi vào bàn học, tạo cho trẻ tâm lý ngồi vào học là một thú vui. Quan sát và hỗ trợ trẻ những chỗ chưa hiểu, chỉ cách tra cứu thông tin trên mạng, từ điển, sách tham khảo, sau đó kiểm tra và sửa lỗi cho trẻ.

Tuy nhiên, phụ huynh này cũng nhấn mạnh, việc khuyến khích con ham học, tự giác học là cả một nghệ thuật và không có một công thức chung cho mọi đứa trẻ. Thế nên nếu phụ huynh nào thấy con không tự giác học bằng con người ta thì đừng quá tuyệt vọng, bi quan, trẻ còn nhiều giai đoạn phát triển phía trước để tự khám phá khả năng của mình.

Con học online cần lưu ý điều gì?

Chuẩn bị bài mới trước khi học

Học trực tuyến hay học theo phương pháp truyền thống đều đòi hỏi con cần chuẩn bị bài mới để khái quát được chương trình học, xem phần kiến thức nào con cần tập trung. Cha mẹ hãy rèn cho con thói quen này trước khi mở video học tập.

Tuy nhiên, ở cách học online, với những nội dung chưa hiểu, con có thể tua đi tua lại bài giảng để học đến khi hiểu hoàn toàn nội dung kiến thức.

Tạo không gian yên tĩnh

Hãy sắp xếp cho con khi học trực tuyến một khu vực riêng trong nhà, nếu có điều kiện thì là một phòng riêng. Sự yên tĩnh của căn phòng sẽ giúp cho con có thể lắng nghe, cũng như tập trung nhiều hơn vào bài giảng của thầy cô qua hệ thống mạng Internet.

Đường truyền internet cần ổn định

Sự cố công nghệ xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy, để tránh rủi ro, hãy luôn nhớ sao lưu thường xuyên bằng cách sử dụng các công cụ lưu trữ đám mây như Dropbox hoặc Google Documents… đồng thời có thể tiếp tục việc học trước đó từ điện thoại hoặc máy tính bảng nếu cần. 

Hướng dẫn trẻ sử dụng mạng internet an toàn

Sẽ rất hữu ích nếu có một vài quy tắc chung hoặc chỉ dẫn chung cho người học khi sử dụng internet như: Tử tế với bạn bè trên mạng; Kiểm tra cài đặt riêng tư; Bảo vệ mật khẩu an toàn. Nếu con thấy bất cứ thứ gì trên mạng mà không thích hoặc khiến con khó chịu, hãy chia sẻ với cha mẹ.

Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm

Việc học trực tuyến là phương án tạm thời trong thời gian ở nhà phòng chống Covid - 19 nhưng đây cũng là cơ hội để cha mẹ có thể trao đổi nhiều hơn với giáo viên chủ nhiệm.

Khi phụ huynh trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, hãy nắm chắc hơn được khoảng kiến thức mà con cần phải học, cách con tiếp thu như thế nào để từ đó hiểu được trẻ có thật sự tập trung trong lúc học trực tuyến hay không. Điều này sẽ giúp cho bậc phụ huynh và giáo viên có thể đưa ra phương án thích hợp để điều chỉnh cách dạy học cho con trẻ.

Chia sẻ