"Gian lận" tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt: Hành vi trục lợi từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự!
Trái với mục đích nhân đạo, một số đối tượng đã lợi dụng các hoạt động quyên góp, từ thiện để trục lợi. Điều này thật đáng lên án, phê phán!
Mới đây, Mặt trận tổ quốc Việt Nam vừa đăng tải công khai danh sách của các tổ chức cá nhân ủng hộ qua ứng dụng chuyển tiền ngân hàng, lộ ra nhiều cá nhân tập thể gửi số tiền không khớp với số sao kê đã đăng tải.
Cụ thể, một cá nhân đại diện 'tập thể lớp' đã ủng hộ 2k (tức 2 nghìn đồng) hoặc một người của công chúng thực tế ủng hộ 50 triệu đồng nhưng hình ảnh sao kê 500 nghìn đồng được "khoe" trên trang cá nhân và nhiều trường hợp tương tự. Thậm chí có chàng thanh niên ủng hộ 10 nghìn đồng nhưng 'chế biến' sao kê lên thành 100 triệu đồng, cùng những lời nhắn đầy cảm kích.
Thông tin trên đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và đặt ra nhiều nghi vấn có sự gian lận để trục lợi, hoặc vô tình người chuyển tiền "thiếu" vì sự nhầm lẫn nào đó.
Theo nguyên tắc tự nguyện
Trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tình hình thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Bắc nước ta đang diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều hậu quả nghiêm trọng như sạt lở đất, ngập lụt... có thể gây thiệt hại cả về người và của, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; tác động không nhỏ tới an ninh trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Nhà nước cùng với tấm lòng tương thân tương ái, Nhà nước và đồng bảo cá nước đang tích cực chung tay giúp đỡ người dân các vùng bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ thông qua nhiều biện pháp, hoạt động, vận động quyên góp, từ thiện...
Tuy nhiên trái với mục đích nhân đạo, một số đối tượng đã lợi dụng các hoạt động quyên góp, từ thiện này để trục lợi. Điều này thật đáng lên án, phê phán! Cơ quan chức năng cần chủ động vào cuộc để ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Nhà nước cũng cần có những biện pháp kịp thời để cảnh báo lừa đảo tới người dân.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, cho hay, khoản 3, 4 Điều 4 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì việc vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.
Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
C ó thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Diệp Năng Bình, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Do đó, giả sử cơ quan chức năng xác định các đối tượng có hành vi trục lợi tiền từ thiện, vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà các đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể; theo điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất nếu là người nước ngoài.
Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm.
Nếu hành vi trục lợi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 174 hoặc Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:
Theo Điều 174 Bộ luật này quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì tùy vào số tiền chiếm đoạt mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Điều 175 Bộ luật này quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (không áp dụng với pháp nhân thương mại), tùy vào số tiền chiếm đoạt được mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là 20 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.