Giảm thị lực vì tự dùng thuốc nhỏ mắt
Các bác sĩ cảnh báo, một trong những nguyên nhân làm giảm thị lực vĩnh viễn hoặc mù là “thói quen” dùng thuốc nhỏ mắt bừa bãi.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, trừ một số loại biệt dược, hầu hết thuốc nhỏ mắt được bán “vô tư” ở các hiệu thuốc mà không cần kê đơn. “Việc lạm dụng quá mức hoặc vô ý dùng loại thuốc nhỏ mắt chống chỉ định với bệnh đang mắc phải có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”, bác sĩ Cương nói.
Dùng thuốc của bà để “chữa” cho cháu
Khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Ảnh: Đức Long)
Bế con ngồi chờ đến lượt vào khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, chị Lê Thanh Hoa (trú ở Văn Giang, Hưng Yên ) chỉ vào đôi mắt đỏ quạch, sưng húp của bé Nguyễn Hoàng Anh, kể: “Thấy cháu đỏ mắt, có ghèn, bà nội cháu liền lấy thuốc của bà thường tra mỗi lần bị đau mắt để nhỏ cho cháu. Được hơn một tiếng thì mắt cháu sưng vù lên, dụi liên tục vì ngứa”. Bé Hoàng Anh được bác sĩ kết luận bị phù nề, xuất huyết do dị ứng thuốc nhỏ mắt.
Do phải tập trung ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi, Trần Hồng H., sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, bị mỏi và nhức mắt. Nghe lời bạn bè, H. tự mua thuốc về nhỏ mắt, thậm chí còn đun nóng một số loại lá có tinh dầu bạc hà để… xông mắt. Kết quả, H.phải nhập viện vì viêm kết mạc nặng.
Trong số các đối tượng đến khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có 20 - 30 người là “nạn nhân” của việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt. Có bệnh nhân đem theo các loại thuốc nhỏ mắt đến cho bác sĩ kiểm tra, một số người khác thì “hồn nhiên” cho biết không nhớ tên thuốc đã dùng trước đó. Sự cố phổ biến nhất sau khi tự điều trị là dị ứng mắt, bởi tất cả các loại thuốc nhỏ mắt đều có thể gây dị ứng không lường trước được.
Cẩn trọng với thuốc nhỏ mắt cho trẻ dưới ba tuổi
Bác sĩ Trần Quang, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết một số loại thuốc nhỏ mắt phải do bác sĩ chuyên khoa kê đơn vì chứa chất kháng sinh, chống viêm như corticoid, dexaclo, polydexa... nhưng thực tế lại có thể dễ dàng mua được tại tất cả các hiệu thuốc mà không cần đơn. Với các loại thuốc này, khi mắt bị ngứa, rát, hay sưng, nhỏ vào sẽ thấy dễ chịu, đỡ đỏ mắt trong một thời gian ngắn, sau đó có thể để lại các biến chứng. Nếu người dùng là bệnh nhân viêm loét giác mạc do nấm, virus, thuốc sẽ gây hại nặng hơn, có thể gây thủng mắt, mù mắt. Các loại thuốc này có thể gây đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp...
Với trẻ em dưới ba tuổi, tuyệt đối không được dùng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh vì ngoài tác dụng phụ gây hại cho mắt, loại thuốc này còn có thể khiến trẻ chậm lớn. Do đó, khi trẻ bị đau, ngứa, rát mắt, cần đưa đi khám hoặc mua thuốc theo đơn của bác sĩ, trừ loại thuốc nhỏ mắt là dung dịch nước muối.
Bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, với các loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn, bệnh nhân có thể dùng nhưng với liều lượng nhỏ, thời gian mỗi đợt dùng ngắn, nếu 3 - 5 ngày sau khi nhỏ thuốc không thấy tác dụng, phải đi khám ngay.