Giám khảo Vua đầu bếp nhí Tịnh Hải: Cô tiểu thư ăn cơm bụi, ở nhà “ổ chuột” vì theo nghề giáo

Shindo. Ảnh: Hồng Ngọc,
Chia sẻ

Chấp nhận tay trắng, không tiền bạc, không nhà cửa để nuôi mộng làm cô giáo dạy nấu ăn, giám khảo “Vua đầu bếp nhí” Tịnh Hải đã từng trải qua chuỗi ngày cơ cực đến khốn cùng.

Nếu Jack Lee luôn mang đến không khí vui nhộn, hào hứng cho Vua đầu bếp nhí, Alain Nguyễn tạo cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi như người anh trai thì Phan Tôn Tịnh Hải – vị giám khảo nữ duy nhất của chương trình lại là một màu sắc hoàn toàn khác biệt. Dịu dàng, mềm mỏng và luôn xuất hiện với nụ cười rạng rỡ, cái ấn tượng về Tịnh Hải gần như hoàn hảo trong suốt những lần chị xuất hiện trên chương trình truyền hình này.

tịnh hải 12
Tịnh Hải - Giám khảo của "Vua đầu bếp nhí 2016"

Sau nhiều ngày đặt lịch hẹn không thành công vì Tịnh Hải mải miết rong ruổi trong những chuyến cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt, cuối cùng chị cũng dành một cuộc gặp vào buổi sáng cuối tuần. Tất tả chạy đến rồi lại gửi lời xin lỗi vì đang bận sửa sang ngôi trường dạy nấu ăn của mình, Tịnh Hải tạo ấn tượng rằng đây là người phụ nữ vô cùng bận rộn. Sau năm ba phút khởi đầu câu chuyện, Tịnh Hải bắt đầu nói nhiều hơn về công việc của mình. 

Tịnh Hải sinh ra và lớn lên trong gia đình có cội nguồn Hoàng tộc. Mẹ của chị là nghệ nhân ẩm thực nức tiếng xứ Huế, chị gái là Phan Tôn Tuệ Minh – một trong những nghệ nhân hàng đầu đang hoạt động trong giới ẩm thực Việt Nam. Từ khi mới lọt lòng, Tịnh Hải đã được tạo điều kiện để tiếp xúc với ẩm thực cung đình Huế. Chính điều này đã thôi thúc chị nuôi dưỡng đam mê bếp núc. Không có bất cứ một điều gì gượng ép, tuổi thơ Tịnh Hải trôi qua cùng sự nâng niu, bảo bọc của gia đình. Cô gái trẻ cứ thế lớn lên cùng những hoài bão, ước mong sẽ có một cơ ngơi nho nhỏ cho chính bản thân mình. 

tịnh hải 2

“Tôi may mắn được tiếp xúc với bếp núc từ bé. Vậy nên lúc ban tổ chức Vua đầu bếp nhí mời làm giám khảo, tôi nhận lời ngay. Tôi thích ngắm nhìn những cô cậu bé nấu ăn. Nó gợi lại cho tôi nhiều ký ức tuổi thơ. Êm đềm có, tủi hờn cũng có. Tôi nhớ là năm xưa, khi gia đình mở nhà hàng riêng, mẹ không thuê bất cứ người giúp việc nào, toàn bộ công việc đều do tôi và anh chị đảm nhận. Cực nhưng vui. Bạn có thể nấu không ngon, bạn có thể vụng về khi cầm dao kéo, nhưng ít nhất bạn có hội được làm. Không ai giỏi ngay lần đầu, không trải qua thất bại thì không biết được mùi vị thành công ngọt ngào ra sao”.

tịnh hải 7

Miên man với câu chuyện, Tịnh Hải nói tiếp về những áp lực khi đứng trong gian bếp của chương trình. Đó không phải là nỗi lo cực nhọc thông thường, Tịnh Hải kể chị rơi nước mắt nhiều lần bởi quá đau lòng khi nhìn các thí sinh khóc. Ở những cuộc thi dành cho người lớn, thắng thua, thành bại được giải quyết nhẹ nhàng hơn. Nhưng với Vua đầu bếp nhí, những tâm hồn mỏng manh, non nớt dễ vỡ hơn bao giờ hết nếu như chẳng được nâng niu và đối xử nhẹ nhàng. 

Đó là cái lần ăn phải thức ăn có sạn của một cô bé 13 tuổi, dù biết rằng đã rướm máu ngay đầu lưỡi nhưng Tịnh Hải vẫn cố nuốt, với chị việc nhả thức ăn ra chẳng khác nào đòn tâm lý nặng nề với các bé, và dù có chịu phần thiệt về mình, vị giám khảo này vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi có một lý do đơn giản, Tịnh Hải vừa là giám khảo, vừa là cô giáo mà cũng là mẹ của 2 đứa trẻ.

tịnh hải 7

“Tôi từng nghĩ Vua đầu bếp nhí sẽ là nơi đầy rẫy tiếng la hét, khóc lóc của bọn trẻ, vì cái quan niệm trẻ con Việt Nam không thể nấu ăn ngon vẫn còn nặng lắm. So với con gái 6 tuổi ở nhà, quả thực các con trong chương trình đều là những viên ngọc quý, các con có tình yêu với ẩm thực, biết tự nấu cho bản thân và nấu như người nhà là đã đáng trân trọng biết bao, vậy thì mình sao lại làm tổn thương các con. Tôi cũng có con nhỏ, cũng làm cô giáo đứng lớp dạy hàng ngàn học trò, tôi không muốn làm bất cứ đứa trẻ nào cảm thấy hụt hẫng hay tổn thương”.

“Lần cắn phải thức ăn có sạn đó là kỷ niệm nhớ đời của tôi. Đau buốt răng và lưỡi, tôi đã nghĩ phải nhả ra trước khi tổn thương vòm họng. Nhưng trước ánh mắt lấp lánh mong chờ của cô bé Minh Hiền, tôi tự nhủ mình không thể làm điều này. Trẻ con có sự nhạy cảm nhất định, các bé đã dũng cảm đứng bếp nấu ăn thì mình dũng cảm ăn hết và động viên thêm một lần cũng chẳng hề hấn gì. Nghĩ thế, tôi nuốt hết tất cả chỗ thức ăn có sạn đó. Dù rằng cả anh Alain Nguyễn, anh Jack Lee và các thành viên trong ban tổ chức chương trình đều lo lắng sức khoẻ tôi bị ảnh hưởng”.

tịnh hải 3

Đảm nhận vai trò giám khảo ở Vua đầu bếp nhí, điều khiến Tịnh Hải sợ nhất, lo lắng nhất chính là những lần công bố kết quả ai phải là người ra về. Và vì không muốn chứng kiến những giọt nước mắt tủi hờn từ các em nhỏ nên vị giám khảo dịu dàng này mới “đùn đẩy” trách nhiệm cho những người đồng nghiệp của mình: “Sợ lắm. Không gì khủng khiếp hơn việc mình tự nói với các con là cuộc chơi đến đây dừng được rồi. Phải bấm bụng lựa chọn, phải cãi nhau kịch liệt với các giám khảo khác mới có thể đưa ra quyết định. Nhiều lúc cũng giận bản thân lắm, vì không cách nào giữ hết các con lại, nhưng luật chơi như vậy rồi, tôi không thể làm gì hơn ngoài việc khóc cùng các con”.

Nói về những giọt nước mắt, Tịnh Hải kể một cách say sưa. Rằng là cuộc đời ai cũng có những nỗi niềm sâu kín, ai cũng có lo toan dù rằng không thể gọi thành tên. Để có được nụ cười rạng rỡ trước ống kính, người phụ nữ này cũng đã trải qua không ít sóng gió cuộc đời. Để được đứng trong gian bếp của Vua đầu bếp nhí với tư thế an nhiên, vững vàng, chẳng mấy ai biết được phía dưới chân Tịnh Hải đã từng đạp phải những lớp bùn đen nào cả: “Cuộc đời còn nhiều nỗi buồn lắm. Một người phụ nữ tự mình nuôi 2 đứa con, chống đỡ cả 1 ngôi trường thì khó lòng có thể chu toàn hết. Có những đêm nuốt nước mắt vào lòng, nhưng tỉnh dậy thấy xung quanh vẫn ngổn ngang trăm thứ, tôi đành tiếp tục bước đi”. 

tịnh hải 1

tịnh hải 1

Cởi mở hơn với những điều xưa cũ, Tịnh Hải kể một mạch về ký ức thời mười tám, đôi mươi của mình. Những câu chuyện vụn vặt, không đầu không cuối cứ thế thoáng qua, nhưng khi xâu chuỗi lại, nó trở thành hành trình rực rỡ, lắm gian nan nhưng chẳng thiếu những điều tự hào: “Tuổi trẻ có nhiều sai lầm và cũng lắm con đường để chọn lựa. Cốt yếu là mình chọn nơi nào để đi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống ẩm thực, bản thân tôi cũng tự thấy mình có chút năng khiếu với nghề. Nhưng đến khi lựa chọn trường Đại học, tôi lại đi theo ngành Luật Quốc tế. Dẫu vậy, dường như cái duyên bếp núc cứ đưa đẩy mình, theo đuổi ngành Luật một thời gian, tôi lại quay về với ẩm thực. Tôi phát hiện ra cuộc sống của mình sẽ chẳng thể thiếu bếp núc được”.

tịnh hải 5

Như một điều kỳ diệu của số phận,Tịnh Hải bỏ bất cả những gì đang có để vào Sài Gòn lập nghiệp. Tịnh Hải thậm chí còn từ chối suất du học tại Luxembourg, dù thời điểm đó đây là cơ hội hằng mong ước của hàng tá người. Cô tiểu thư khuê các thuyết phục các cụ thân sinh cho mình cơ hội chứng minh năng lực. Dù bị phản đối rất nhiều nhưng Tịnh Hải vẫn quyết chí ra đi. Và sau nhiều lần dùng dằng với bố mẹ, Tịnh Hải rời khỏi nhà chỉ có vỏn vẹn 1 túi quần áo nhỏ và 2 triệu đồng tiền mặt. 

tịnh hải 2

tịnh hải 4

Đến Sài Gòn, Tịnh Hải thận trọng từng chút một với số tiền nhỏ nhoi trong việc thuê phòng trọ và sắm một chiếc xe đạp để làm người bạn đường mỗi ngày. Căn phòng tềnh toàng nhỏ như “ổ chuột”, thiếu thốn trăm bề chưa đủ làm Tịnh Hải nản chí. Hăng hái tìm đến ngôi trường mà cô được giới thiệu sẽ được đi giảng dạy ngay khi đến thành phố sôi động này, thế nhưng vị đắng đầu tiên mà Tịnh Hải trải đó chính là công việc không như cô mong đợi. 

“Tôi rơi từ thiên đường xuống vực thẳm. Không có gia đình, không có tiền trong tay, tôi thất nghiệp 3 tháng trời, lại chẳng dám hé môi nửa lời. Mình đã đi rồi, đã cãi lời bố mẹ, thì nay ráng che giấu tất cả. Ước mơ làm cô giáo bị lung lay. Đó là khoảng thời gian nhọc nhằn, cay đắng nhất trong đời. Tôi không có gì ngoài 2 bàn tay trắng. Nhưng chẳng dám than thở với gia đình một câu nào cả, vì chuyện sướng hay khổ là do tôi lựa chọn. Tôi giống như vỡ ra rằng bản thân vẫn còn non nớt lắm, và chính vì từ trước đến giờ tôi đi trên con đường luôn có sự dõi theo của gia đình nên khi tự bước ra xã hội, mới nhận phải thất bại thảm thương”.

tịnh hải 5

“Tôi không thể nhớ được là mình đã sống chuỗi ngày đen tối đó như thế nào nữa. Chỉ biết là phải tằn tiện, chắt mót lắm mới qua được từng bữa cơm. Một số người bảo tôi bỏ nghề đi, đừng vất vả đeo mang cái mong ước làm cô giáo nữa, nhưng tôi nghĩ mình chỉ sống có 1 đời, biết lỡ mai này ra sao, thôi thì cứ nhắm mắt làm đại. Vậy rồi, tôi đọc báo và ghi danh thi tuyển vào dạy các trường, vượt qua hơn 300 ứng viên dự thi, tôi lại có được cơ hội đi dạy nấu ăn ở 1 trường trung cấp. Ngày quay trở lại công việc này, tôi mừng rơn, sướng đến không còn gì tả nỗi. Dù cái bụng chưa no, cái áo chưa đủ ấm nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc lắm. Ít ra tôi được học trò gọi là cô giáo”.

tịnh hải 3

Vậy rồi cứ thế trong suốt một thời gian dài, Tịnh Hải đạp xe từ nhà trọ đến các trường để dạy học. Nhờ chăm chỉ, siêng năng, lại có nhiều sáng kiến trong việc đổi mới quy trình, Tịnh Hải nhanh chóng tạo được sự tin yêu của các đồng nghiệp, học trò: “Tôi nhớ khoảng thời gian dạy ở trường Khôi Việt, cực lắm nhưng vui. Tôi được thầy Hà Kim Vọng hỗ trợ hết mình, vậy nên mới xây dựng được nền móng cơ bản cho việc giáo dục thực hành trên gian bếp. Thời điểm ấy, danh tiếng về chất lượng học sinh mà chúng tôi đào tạo luôn được các nhà hàng, khách sạn uy tín trong nước đánh giá là chỉnh chu, bài bản. Về sau, mỗi lần nghe học trò khoe rằng nhận được việc làm tốt thì tôi đều mừng đến rơi nước mắt. Không có niềm vui nào bằng việc truyền lửa đam mê và giúp các em có công việc tốt”.

tịnh hải 9

Trở lại với những nỗi niềm hiện tại, Tịnh Hải bộc bạch chị vẫn đang gồng gánh ngôi trường dạy nấu ăn do tự thân bỏ vốn đầu tư. Tịnh Hải một thân một mình sang Mỹ học tập kinh nghiệm, mô hình quản lý rồi quay trở về Việt Nam với mong ước cháy bỏng. Bao năm lăn lộn trong giới ẩm thực, Tịnh Hải đã tích góp được một số tiền, và chị quyết định dùng tất cả tài sản của mình vào việc xây dựng một ngôi trường dạy nấu ăn thực thụ. Gạt hết những trăn trở, lo toan trong đời sống riêng tư, Tịnh Hải bây giờ chỉ có một ước mơ đó là làm sao cho bất cứ học trò nào bước ra từ trường của chị đều có được việc làm ổn định.

tịnh hải 6

“Tôi là phụ nữ, hẳn nhiên cũng có những nỗi lo thầm kín của riêng mình. Nhưng tôi biết đâu là giới hạn của sự chịu đựng. Ngoài kia, vẫn có hàng tá bạn trẻ chơi vơi vì thất nghiệp. Mỗi lần nhìn thấy một người như thế là tôi lại nhớ đến hình ảnh mình năm xưa. Sức mình còn đến đâu thì làm đến đó, không thể nói trước được rằng sẽ có bao nhiêu người tin tưởng vào chương trình học của tôi. Nhưng trên phương diện đạo đức với nghề giáo, tôi tự cảm thấy rằng chưa từng hổ thẹn với bất kỳ học trò nào”.

tịnh hải 4

Khép lại câu chuyện với Tịnh Hải bằng những tiếng cười đầy lạc quan, người phụ nữ này lại tất cả ngược xuôi cùng công việc. Hỏi chị thêm về chuyện chăm sóc 2 đứa trẻ ở nhà, Tịnh Hải ngập ngừng suy nghĩ rồi lại nhoẻn miệng đáp nhẹ nhàng: “Tôi cho rằng tất cả mọi sự trên đời đều là duyên số. Dù quá khứ có từng xảy ra chuyện gì đi nữa thì Tịnh Hải hôm nay vẫn sống lạc quan. Chẳng ai đau giùm khi mình khóc lóc. Vậy thì tại sao không nhìn mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tôi vẫn ổn, vẫn là một giám khảo Vua đầu bếp yêu thương các thí sinh hết mực, vẫn là một cô hiệu trưởng hết lòng với hàng ngàn học sinh của trường. Với gia đình và các con, tôi vẫn dành hết tất cả những sự yêu thương mình có được. Còn chuyện nặng nhẹ, thiệt hơn với đời cũng chỉ là thoáng chốc gió bay. Xin đừng khoét sâu để nỗi đau thêm dài nữa”.
Chia sẻ