Giám đốc ngân hàng 'vẽ đường' làm giàu, khách 'chết đứng' ở sân bay, ôm nợ mất nhà
Thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để đi xuất khẩu lao động, đến ngày hẹn, chị Linh ra sân bay chờ cả ngày mà không thể bay. Nhiều lần liên lạc với công ty môi giới không được, chị Linh bàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa!
Luật sư Trịnh Huy Đức (Văn phòng luật sư Trung Hòa, Hà Nội) cho biết ông đang xử lý hồ sơ một nạn nhân bị lừa môi giới xuất khẩu lao động mà đến khi ra sân bay mới biết mình bị lừa, trong khi nhà cửa đã cầm cố.
Nạn nhân là gia đình anh An (45 tuổi) và chị Linh (40 tuổi) ở Bắc Giang.
Theo thông tin gia đình nạn nhân cung cấp, vào năm 2016, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội việc làm không nhiều, vợ chồng anh An - chị Linh không học rộng hiểu nhiều nên chỉ ở quê làm ruộng.
Tháng 3/2016, tại địa phương có đoàn cán bộ và ngân hàng về địa phương triển khai một số chính sách hỗ trợ vay vốn cho người dân để phát triển kinh tế.
Từ đó, anh An và chị Linh biết đến một người tự giới thiệu là Giám đốc ngân hàng A chi nhánh Yên Thế, tên là Phạm Quốc Hải. Ông Hải giới thiệu cho chị Linh công ty chuyên xử lý hồ sơ, đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở các nước (Công ty này là của vợ ông Hải).
Tin tưởng ông Hải, đồng thời mong muốn phát triển kinh tế, dành dụm chút vốn để sau này làm ăn, cả nhà quyết định để chị Linh đi xuất khẩu lao động.
Sau khi ký hợp đồng để đào tạo đi xuất khẩu lao động, chị Linh cùng nhiều người khác được cho đi học ngoại ngữ và các lớp đào tạo tay nghề, chuẩn bị đi "làm việc ở nước ngoài".
Ông Hải và công ty của vợ ông đưa ra mức học phí và đi xuất khẩu lao động là 50 triệu đồng. Vì không có tiền, ông Hải hướng dẫn gia đình chị Linh làm thủ tục thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Do tin tưởng ông Hải là giám đốc chi nhánh ngân hàng nên việc vay tiền sẽ dễ dàng hơn, anh An - chị Linh đã làm thủ tục thế chấp mảnh đất duy nhất để vay 70 triệu đồng.
Khi vay xong thì số tiền này được gia đình chị Linh chuyển cho ông Hải để trả 50 triệu tiền học phí và thủ tục đi xuất khẩu lao động. 20 triệu còn lại cũng phải chuyển cho công ty để chuẩn bị tiền vé máy bay và các loại phụ phí khác (tổng là 70 triệu đồng).
Sau khi chị Linh hoàn thành các lớp học, thi đạt điều kiện thì nhận được thông báo công ty đang sắp xếp để đưa chị đi xuất khẩu lao động.
Đầu tháng 2/2017, gia đình ra sân bay Nội Bài tiễn chị Linh xuất ngoại. Tuy nhiên, chờ ở sân bay cho đến tối thì vẫn không có ai đến làm thủ tục, đưa giấy tờ để chị Linh ra máy bay như đã hẹn.
Trở về nhà, chị Linh gọi điện cho ông Hải và vợ ông thì không ai bắt máy. Nhiều lần tìm đến nhà thì vợ chồng này đều lánh mặt. Sau nhiều lần cố gắng liên hệ, thúc giục, gia đình chị Linh nhận được câu trả lời rằng "phía bên nước ngoài gặp trục trặc nên không đi được".
Nghĩ vậy, anh An - chị Linh đã yêu cầu ông Hải trả lại 70 triệu đồng thì ông Hải nói sẽ đưa tiền về ngân hàng trả cho khoản vay của anh chị luôn. Ông Hải tiếp tục "vẽ" ra quy trình thủ tục trả lại tiền ngân hàng rất phức tạp. Nghe nói vậy, vợ chồng chị Linh cũng tin tưởng ông Hải nên đã đồng ý và tin tưởng rằng đã trả xong nợ, không nợ ngân hàng nữa.
Bẵng đi một thời gian, đến cuối năm 2019, anh An - chị Linh nhận được thông báo của ngân hàng yêu cầu thanh toán khoản nợ do đã quá hạn nhiều tháng.
Sau đó, anh chị bị ngân hàng khởi kiện, yêu cầu phát mại tài sản.
Lúc này anh An - chị Linh mới biết sự thật số tiền 70 triệu đồng ông Hải chưa hề trả lại cho ngân hàng. Chính ông Hải vẫn là người cầm số tiền đó từ đầu đến cuối.
Dù đã tố cáo ông Hải nhưng ông ta luôn phủ nhận sự việc, nằng nặc chối cãi không cầm tiền của vợ chồng anh An, đẩy gia đình anh vào cảnh đã khó khăn nay lại đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà.
Theo luật sư Trịnh Huy Đức, môi giới xuất khẩu lao động vốn không phải là chuyện quá mới, tuy nhiên vẫn rất nhiều người rơi vào "bẫy" của những kẻ lừa đảo để rồi mất tiền, mất công sức mà vẫn chẳng có việc làm.
"Các trung tâm môi giới việc làm có rất nhiều cách thức "lôi kéo" khách hàng vô cùng thu hút. Khi người dân ký kết hợp đồng cần phải đọc thật kỹ; nếu có điều kiện thì nên xin tư vấn pháp lý là tốt nhất.
Hơn nữa, đối với các hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng tín dụng thì cần đến trực tiếp ngân hàng làm thủ tục, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", luật sư khuyến cáo.