Ôm nợ vì cho thuê thẻ tín dụng
Nếu như trước đây, thẻ tín dụng chỉ được dùng để thanh toán thay cho việc dùng tiền mặt, thì nay thẻ này còn được nhiều người dùng để cho thuê… Vì thế, thẻ tín dụng thành “gà đẻ trứng vàng” cho chủ thẻ.
Bắt thẻ “đẻ” tiền
Trên trang web S...vn có rất nhiều người rao cho thuê thẻ tín dụng lẫn thẻ ATM của các ngân hàng từ HSBC đến Vietcombank, Agribank, BIDV... Giá cho thuê thẻ tính theo lần và tùy thuộc số tiền chi trả nhưng dao dộng quanh mức 50.000-55.000 đồng/lần. Trường hợp quy định mức 50.000 đồng/lần, áp dụng cho các giao dịch dưới 1,5 triệu đồng. Nếu trên mức này, người thuê phải trả mức phí cao hơn... Cũng có trường hợp tính phí theo phần trăm chênh lệch ưu đãi được hưởng nếu thanh toán bằng thẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ cho thuê thẻ tín dụng xuất phát từ việc các trung tâm mua sắm, điểm du lịch nghỉ dưỡng, mua vé máy bay... đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhưng lại chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (visa) cụ thể nào đó. Người muốn mua hàng không có thẻ, trong khi người có thẻ lại không có nhu cầu mua. Đó là lý do dịch vụ cho thuê thẻ ra đời.
Hiện thị trường còn xuất hiện nhiều điểm dịch vụ thanh toán hộ, nhưng thực chất cũng là hình thức cho thuê thẻ tín dụng. Chúng tôi liên lạc với người có tên “Cường mua hộ” (đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp) để hỏi thuê thẻ giao dịch. Người này cho thuê thẻ ở bất kỳ website nào chấp nhận Paypal (công cụ thanh toán điện tử) và thẻ Visa. Khi khách mua một hàng hóa, dịch vụ nào đó, thay vì tự thanh toán thì người cho thuê thẻ sẽ đứng ra trả hộ, sau đó khách trả lại tiền mặt và phí thuê thẻ. “Làm thẻ visa có thể mất phí thường niên 300.000-400.000 đồng/tháng, nếu thanh toán website nước ngoài thì tỷ giá thanh toán của ngân hàng (NH) cao. Nếu thông qua dịch vụ, khách không cần làm thẻ, không mất phí thường niên, giá thuê chỉ 10.000 đồng/lần”, Cường nói.
Tại cửa hàng T.H (hẻm 46 Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận) chuyên kinh doanh các loại nhiên liệu như dầu mỡ, dầu đốt nóng, dầu hỏa, than đá…, khách đến đây chủ yếu là… rút tiền. Tôi thử rút 5 triệu đồng, nhân viên lập tức đem thẻ quẹt qua máy POS rồi đưa cho 1 hóa đơn tạm tính, có ghi 3 thùng nhiên liệu trị giá 5 triệu đồng. Sau đó họ trừ mức phí là 1,8%, nếu là thẻ tín dụng nước ngoài mức phí 2,2%. Số tiền thực tế tôi nhận được là 4.910.000 đồng (trừ 90.000 đồng phí).
Nhân viên cửa hàng TH (cầm máy POS) đến tận nơi khách hàng yêu cầu để rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Có nơi còn hỗ trợ đáo hạn thẻ tín dụng của tất cả các NH. Nếu đến hạn thanh toán mà chưa thể trả được nợ, khách hàng chỉ cần đem thẻ tín dụng và chứng minh nhân dân đến, chủ cửa hàng TH sẽ ứng trước số tiền cần trả để thanh toán NH nhằm tránh bị phạt lãi suất cao. Sau đó, khi hạn mức tín dụng được lấp đầy trở lại, nơi này sẽ rút tiền mặt bù lại phần đã cho vay. Mức phí đáo hạn là 3% số tiền cho vay.
Nhiều rủi ro
Có trường hợp chủ thẻ đã thanh toán xong hàng hóa và dịch vụ người thuê thẻ mua. Tuy nhiên, sau đó, người thuê thẻ đã không trả tiền cho khổ chủ. Vấn đề trở nên khó giải quyết vì giữa hai bên không có hợp đồng. Chị Trần Thị Lan (ngụ Q.Bình Tân) có 4 thẻ tín dụng cho thuê, giá 20.000 đồng/giao dịch. Mới đây, chị Lan hoảng hồn khi nhận được “trát” đòi nợ của NH vì khoản nợ do dùng thẻ tín dụng quá hạn. Kiểm tra mới biết người thuê dùng thẻ tín dụng để giao dịch 20-30 triệu đồng/thẻ. “Do điện thoại đang sửa nên tôi không nhận được tin nhắn từ NH, giờ vẫn đang chờ NH giải quyết nhưng e là khó đòi lại tiền lắm”, chị Lan nói.
Ông Nguyễn Thiện Giang, Giám đốc VietABank chi nhánh TPHCM cho rằng, chủ thẻ phải thay đổi mã PIN thường xuyên, luôn che tay khi nhập mật khẩu, quan sát máy POS khi thanh toán, hủy giao dịch nếu có nghi ngờ… Nhưng thực tế, rủi ro vẫn sẽ xảy ra, bởi kẻ gian có thể giả vờ giao dịch một vài lần để tạo niềm tin cho chủ thẻ, rồi tìm cách đánh cắp thông tin thẻ hoặc lừa chủ thẻ đến các địa chỉ mà kẻ gian bố trí sẵn để ghi lại toàn bộ thông tin thẻ. Nếu thẻ tín dụng bị sao chép và lộ thông tin thì việc chủ thẻ mất tiền dễ như trở bàn tay.
Theo đại diện Hội Thẻ Việt Nam, cho thuê thẻ về bản chất cũng giống như “vay ké” đã từng xảy ra. NH không khuyến khích vì ngoài rủi ro cho chủ thẻ còn có thể xảy ra rủi ro cho NH khi chủ thẻ thông qua hình thức này rút tiền mặt quá hạn mức, sau đó chi xài hết mà không có khả năng thanh toán... Về phía đơn vị phát hành thẻ, vị này cho biết NH sẽ khuyến cáo nhưng rất khó kiểm soát.
NHNN đã có văn bản yêu cầu các NH phải có biện pháp giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đơn vị chấp nhận thẻ. Trường hợp phát hiện chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống cần phản ánh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các NH phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng tránh rủi ro.
Đối với thẻ tín dụng, NH phải có quy định rõ về trường hợp thẻ tín dụng không được sử dụng để chuyển khoản. Không cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để nạp tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ nội địa hoặc thẻ trả trước.
Một số nơi tại TP. HCM còn có dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng “ăn” phí chênh lệch. Nhiều người thông qua website như ruttienvisa.vn, ruttientannoi247.com, tindung360, thậm chí dùng tài khoản facebook công khai dịch vụ này. Quán cà phê, shop quần áo, tiệm vàng… có máy POS cũng kiêm giao dịch để rút tiền cho khách.