Giảm đau trong kỳ kinh nguyệt

,
Chia sẻ

Một số cách giúp chị em giảm được cơn đau trong mỗi kỳ kinh nguyệt của mình

Mỗi tháng, màng tử cung sản xuất chất prostaglandins giúp cổ tử cung co lại, đẩy lớp mô và chất lỏng ra ngoài khi có kinh. Nếu chất này ở mức cao có thể làm cơ tử cung co thắt nhiều gây đau kèm cảm giác mệt, buồn nôn, chóng mặt
Để giảm cơn đau, chị em phụ nữ nên thực hiện những điều sau:

1. Tránh tiếp xúc lạnh trong những ngày có kinh

Tắm rửa, uống nước lạnh khiến tử cung bị kích thích, co bóp mạnh hơn gây đau. Nên tắm bằng nước ấm để máu dễ lưu thông, cơ bắp thư giãn, nhất là vùng xương chậu vốn thường bị co cứng và sưng huyết trong những hành kinh.

2. Giữ tinh thần thoải mái

Tình cảm bất ổn, đặc biệt những cơn xúc động mạnh hay stress vì công việc, nhiệm vụ chăm sóc gia đình,… sẽ khiến cơn đau có xu hướng bộc phát mạnh. Tốt nhất nên giữ cho tâm hồn thư thái, tình cảm thoải mái.

3. Không vận động quá mức

Trong khi có kinh và một ngày trước, sau kỳ kinh, bạn không nên luyện tập thể thao và lao động nặng chỉ nên thực hiện một số động tác nhẹ nhàng để giãn gân cốt như đi bách bộ.

4. Tránh xa các thức uống chứa chất kích thích

Đó là thức uống có cồn, trà đặc, cà phê, nước ngọt có ga. Thay vào đó, bạn nên dùng nước lọc ấm, trà dược thảo. Trà từ lá mâm xôi đỏ chứa fragrine làm dịu cơn đau ở bụng, hạn chế sự ra máu quá nhiều; trà từ hoa cẩm tú cầu, trà hoa cúc có thành phần chống co thắt giúp giảm đau dạ con.

5. Dành ưu tiên cho nước gừng và sữa bò pha mật ong

Gừng ức chế quá trình tạo prostaglandins. Cho gừng tươi giã nhuyễn vào nước nóng, ngâm trong 10 phút. Vớt bỏ xác gừng, uống 2 lần mỗi ngày.

Trước khi ngủ uống sữa bò pha mật ong. Kali trong sữa giúp cân bằng trạng thái tinh thần, ức chế cơn đau, chống viêm nhiễm, giảm mất máu. Magie ở mật ong trấn tĩnh thần kinh, điều tiết tâm lý, giải trừ tâm lý căng thẳng, giảm nhẹ áp lực.


6. Món ăn giảm đau bụng những ngày “đèn đỏ”

- Bóc vài tép tỏi rồi phi lên, để nguội và rắc thêm ít đường. Ăn hai nhánh tỏi, khoảng một, hai giờ sau lại ăn hai nhánh nữa.

- Nấu hoa chuối ăn kèm với sữa đông (sữa để làm pho mat) giúp máu kinh chảy mau hơn và làm giảm các cơn đau bụng.

- Chuối có nhiều vitamin nhóm B, đặc biệt là B6 giúp ổn định tinh thần, giấc ngủ ngon, tinh lực dồi dào và có thể giảm nhẹ chứng đau vùng bụng dưới.

7. Khi bị đau

- Dùng khăn bông dấp nước ấm, chườm bụng dưới giúp bạn bớt đau khi tử cung co thắt để đẩy lượng máu kinh ra ngoài. Có thể dùng chai thủy tinh nhỏ đựng nước ấm lăn hoặc ấp vào bụng dưới thay cho khăn nóng.

- Giã hoặc xắt lát gừng, chườm vào phần bụng dưới khoảng 5 - 7 phút.

- Dán cao hoặc xoa dầu sưởi ấm vùng bụng, giúp máu lưu thông dễ dàng.

- Massage nhẹ và thường xuyên phần bụng dưới khi đang hành kinh giúp cơ bụng không bị co thắt quá đột ngột và sẽ giảm đau thật hiệu quả.

- Uống vitamin E hai ngày trước khi có kinh và tiếp tục đến ngày thứ 3 của kỳ kinh.

8. Những trường hợp sau đây cần đến bác sĩ

- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hay dài hơn 35 ngày. Máu ra nhiều kéo dài hơn một tuần lễ. Máu đóng cục (Nếu máu đóng thành từng cục nhỏ hơn đồng tiền thì hoàn toàn bình thường).

- Đau bụng thường xuyên. Rất có thể triệu chứng đau bụng khi có kinh nguyệt là dấu hiệu thông báo bệnh khác như u nang buồng trứng, tắc nghẽn vòi trứng,... Việc đến bác sĩ để chẩn đoán bệnh giúp bạn có phương hướng điều trị sớm, tránh hậu quả xấu.

Mai Hương tổng hợp
Chia sẻ