Giảm chi phí hoàn thiện khi xây, sửa nhà

,
Chia sẻ

Bài viết này tập trung vào hai vấn đề chính: giảm thiểu chi phí cho phần hoàn thiện nhờ thiết kế – thi công hợp lý và sử dụng vật tư hoàn thiện tiết kiệm mà vẫn hiệu quả.

Một ngôi nhà thân thiện hơn
Tường trát ximăng để trần hoặc quét vôi
đem lại hiệu quả cao về mỹ thuật và chất liệu
Chưa bao giờ khái niệm “thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng” được nhắc đến nhiều như hiện nay. Chính việc giá cả leo thang cũng khiến cho nhiều công ty thiết kế, nhà thầu xây dựng và cả chủ đầu tư nữa phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra biện pháp thiết kế, thi công sao cho giảm thiểu hao hụt vật tư, sử dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị và khi đưa vào vận hành, sử dụng thì công trình không tiêu tốn năng lượng, dễ dàng bảo trì sửa chữa.
 
Những vấn đề này trên thế giới đã làm từ lâu nhưng gần đây ở Việt Nam mới chính thức được bàn luận và thực hiện tại một số nơi như các dạng nhà ở eHome là ví dụ về các tiêu chí ecology (môi trường sống xanh sạch), economy (tiết kiệm, kinh tế) và efficiency (khai thác hiệu quả từng mét vuông sử dụng). Như vậy, tính tiết kiệm cần phải được hiểu và thực hiện ngay từ khâu hình thành quan niệm, ý tưởng của chủ đầu tư về ngôi nhà của mình, chứ không đơn giản rồi ép giải pháp thiết kế và dự toán theo ý chủ quan dẫn đến chất lượng công trình kém.
 
Những ngôi nhà được làm theo kiểu “tận dụng diện tích” nay đã bộc lộ ra những lợi bất cập hại của mình: thiếu khoảng thông thoáng nên khi mất điện (máy điều hoà tê liệt) là nhà bức bí và nóng nực. Hoặc trang trí nhiều hang hốc, nhiều đèn chiếu gây tốn kém kinh phí xây dựng và chi phí cho tiền điện.
 
Khi mà đơn giá phần thô giữa mọi nhà hầu như tương đương nhau thì phần hoàn thiện chính là khoản dễ bị “hụt hơi” thâm thủng ngân sách nhất. Nếu xuất phát từ khái niệm eHome nêu trên hay tư duy “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thì gia chủ sẽ giảm bớt được các chi phí không chỉ trong quá trình xây dựng mà còn cho quá trình sử dụng sau này nữa.
Gạch trồng cỏ không đắt tiền nhưng thông gió tốt
và tạo mặt đứng thô mộc.

Tìm kiếm vật liệu thay thế

Kiểm soát dự toán xây nhà: với chi phí từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng là gia chủ có thể có được một bộ dự toán hoàn chỉnh trên cơ sở hồ sơ thiết kế đầy đủ chi tiết. Không hề đắt nếu so với chi phí xây nhà và số tiền phải phát sinh khi thiếu kiểm soát từ đầu.

Thay vì sơn nước (giá khoảng 25.000đ/m2) thì nhiều nhà hiện nay đã quay về giải pháp quét vôi (giá nhân công + vật tư chỉ khoảng 10.000đ/m2) vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa khá sạch sẽ, cho dù có thể không bóng bẩy hay mịn màng như sơn nước.

Việc sử dụng những mảng tường gạch xây thô để trần không tô, hoặc lăn sơn phủ lên bề mặt không cần lớp trát khiến thẩm mỹ nội thất khá mộc mạc và tạo cho gia chủ nhiều khả năng hoàn thiện hơn nữa.

Thay vì lợp ngói (giá trên 120.000đ/m2) gia chủ có thể lợp tôn với nhiều chủng loại khác nhau (giá trên dưới 40.000đ/m2) và chú ý tổ chức khoảng thông gió dưới mái cao. Sau này khi có nhu cầu có thể lợp ngói hoặc đúc mái bằng sao cho hiệu quả nhất, miễn là phần thô có sự chuẩn bị hợp lý từ đầu.

Nền lát gạch gỗ thay cho lát gỗ thiên nhiên đắt tiền
 mà lại thiếu ổn định theo thời tiết.
Với vật liệu ốp lát cầu thang, thay vì chọn đá granite (loại tốt hiện nay trên dưới 1.000.000đ/m2) gia chủ cũng có thể chọn đá tấm đúc sẵn (giá cả trong khoảng 270.000đ/m2). Điều quan trọng là cầu thang cần có sự chia bậc hợp lý, kích thước đi lại thoải mái và an toàn.
 
Ngay cả tay vịn thang thay vì cứ phải “mặc định” là tay vịn gỗ, có những trụ uốn lượn phức tạp, mà có thể làm tay vịn sắt, thậm chí dùng cáp, lưới thép… rất hiệu quả về thẩm mỹ an toàn mà lại hoà hợp với dạng nhà có kết cấu, vật liệu thô mộc. Quan điểm này kiến trúc hiện đại thế giới đã khẳng định từ lâu, nhưng ở Việt Nam lâu nay các gia chủ vẫn luôn cho bằng “gỗ thì mới sang” mà không phân biệt được gỗ đưa vào chỗ nào cho phù hợp.

Phần hoàn thiện nền và sàn nhà, nhiều công trình gần đây quay trở về lối hoàn thiện ximăng trần hoặc bêtông không tô, đá mài. Cách hoàn thiện này vừa đem lại hiệu quả có được một mặt nền phẳng phiu, vừa giúp sau này gia chủ muốn ốp lát gỗ hay trải thảm thì vẫn không phải bóc nền gạch cũ lên nếu như “cố” mua gạch rẻ tiền lúc đầu. Thậm chí có thể dùng phép so sánh cho cùng một loại gạch ốp lát, ví dụ thay vì ốp gỗ (sàn gỗ nhân tạo hiện nay khoảng trên dưới 250.000đ/m2) thì có thể ốp gạch giả gỗ vẫn tạo được bề mặt như gỗ mà chi phí lại rẻ hơn được 1/3.

Kỹ sư Xây dựng Thành Tuyên

Theo Kiến trúc và Đời sống

Chia sẻ