NSƯT Kim Tiến: "Tôi đọc Tây Du Ký bằng điện ảnh"

Theo Vnexpress,
Chia sẻ

Người đầu tiên thuyết minh "Tây Du Ký" ở Việt Nam trò chuyện về những kỷ niệm với bộ phim đã trở thành kinh điển trong lòng khán giả, nhân chuyến thăm của "Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng.

-Bà có thể cho biết, phim “Tây Du Ký” đã đến với Việt Nam bằng con đường nào?

- Bộ phim được sản xuất từ năm 1986. Đến khoảng năm 1989 hay 1990, đài Truyền hình Việt Nam được Đại sứ quán Trung Quốc tặng cho một bản phim “Tây Du Ký”. Đài phải dịch và thuyết minh rất nhanh để kịp phát sóng. Mọi việc được làm rất gấp gáp. Lúc đó trong đài không có người thông thạo tiếng Trung Quốc vì thế phải nhờ bên Bộ Ngoại giao dịch.

- Công việc dịch và thuyết minh phim hồi đó được thực hiện như thế nào?

- Dịch phim vốn có hai loại, dịch theo văn bản và dịch nghe đuổi. Bản phim này là dịch nghe đuổi vì không có văn bản kèm theo. Dịch phim chuẩn là mỗi câu của nhân vật đều phải dịch hết, nhưng vì không có văn bản nên mấy tập đầu dịch thiếu khá nhiều, diễn viên đối thoại 4 câu thì chúng tôi chỉ dịch và thuyết minh được 2 câu. Điều đó gây khó cho người thuyết minh.

Thêm nữa, tôi lại không biết tiếng Trung Quốc, đành tìm cách cân bằng thời gian, làm thế nào để đọc 2 câu mà vẫn phù hợp với thời gian diễn viên nói 4 câu, không thể để trống, khán giả sẽ khó chịu. Không phải dịch và thuyết minh xong rồi mới phát mà chúng tôi dịch đến đâu, đọc đến đó và phát sóng luôn.

NSƯT Kim Tiến và cuốn tự truyện bằng tiếng Trung Quốc của Lục Tiểu Linh Đồng do đích thân ông trao tặng trong đêm giao lưu ở Nhà hát Lớn Hà Nội 25/12. Ảnh: Pham Mi Ly

-Bộ phim đã để lại những dấu ấn gì sâu đậm đối với bà?

- Trong lúc thuyết minh, tôi thấy diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đóng Tôn Ngộ Không quá hay, người xem không nhận đây là người đóng vai khỉ mà hoàn toàn là một con khỉ, nhưng lại được nhân cách hóa để khán giả đồng cảm với suy nghĩ của nhân vật. Càng xem phim tôi thấy càng yêu quý nhân vật này. Sự thông minh, dí dỏm, quyết đoán của nhân vật được thể hiện ở mọi tập phim.

Ngoài ra có nhân vật Trư Bát Giới, một anh chàng vừa lười nhác vừa dối trá, hay tranh công nhưng cũng rất ngô nghê. Cách đánh nhau của Trư Bát Giới cũng rất hài hước, có khi chỉ gõ “keng” một phát vào đầu là yêu quái lăn ra chết. Bộ phim chinh phục được khán giả một phần do cách kể chuyện vô cùng hài hước của nữ đạo diễn Dương Khiết. Những trận đánh nhau với các yêu quái không làm người ta sợ mà làm người ta cảm thấy vui và sinh động.

-Trước khi thuyết minh bộ phim, bà đã đọc bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân chưa?

- Chưa. Tôi nghĩ nếu đọc và thích cuốn sách trước đó biết đâu cũng là một hạn chế, người ta sẽ có những yêu cầu về các tình tiết và tính cách nhân vật mà phim chưa thể hiện được.

Có thể nói, tôi đọc “Tây Du Ký” bằng điện ảnh, qua cách diễn của các nhân vật. Cách tiếp nhận đó tạo nên một ấn tượng rất mạnh.

- Thời năm 1989 - 1990, lúc phát sóng bộ phim, điều kiện kỹ thuật như thế nào?

- Lúc đó bản phim đã là phim màu rồi, nhưng phát ở hệ băng Umatic cổ, chất lượng không tốt lắm, lại còn là bản sao nữa.

-Phản hồi của khán giả đối với bộ phim lúc đó như thế nào?

- Khi phim phát sóng thì khán giả có phản hồi rất tốt. Sau mỗi tập chiếu, những người quen, hàng xóm láng giềng đến gặp tôi khen bộ phim rất hay. Khi tôi đi trên đường, khán giả cũng nhận ra và chia sẻ lòng yêu thích đối với bộ phim. Có thể nhiều người cũng đọc hoặc nghe những tích truyện về "Tây Du Ký" rồi, nhưng khi xem một bộ phim hẳn hoi thì người ta thấy sinh động, gần gũi với cuộc sống hơn.

NSƯT Kim Tiến đưa cậu cháu trai (trái) đến gặp gỡ diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 25/12. Ảnh: VNE

-Bà có còn lưu giữ bản phim năm đó không?

- Tôi vẫn còn giữ bản phim mà mình thuyết minh, bản phim do Đại sứ quán Trung Quốc tặng. Bây giờ, đài truyền hình đã có bản mới nét hơn và có người khác thuyết minh. Năm ngoái khi bản mới phát trên Truyền hình Cáp Việt Nam, tôi thấy giọng đọc cũng toát lên được sự sôi nổi, nhanh nhẹn, sắc sảo của nhân vật. Nhưng theo tôi, đánh giá của khán giả vẫn là chính xác nhất.

-Nếu được mời thuyết minh lại “Tây Du Ký” 1986, bà nghĩ sao?

- Tôi sẽ nhận lời, nhận ngay ấy chứ! Tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn cảm xúc đối với bộ phim. Bởi vì tôi rất ấn tượng với giọng lồng tiếng của diễn viên trong "Tây Du Ký" 1986, nhất là nhân vật Tôn Ngộ Không. Dàn diễn viên lồng tiếng cho phim thể hiện rất tốt, lúc xem phim khán giả cũng bị cuốn theo cảm xúc của nhân vật.

- Nếu không phải “Tây Du Ký” năm 1986 mà là những phiên bản làm lại, chẳng hạn “Tân Tây Du Ký” của đạo diễn Trương Kỷ Trung thì sao?

- Nếu trong những bộ phim sau, người ta cũng diễn xuất và lồng tiếng tốt, truyền cảm như vậy, chắc chắn tôi cũng bị lôi cuốn.

Tôi chưa xem các bản phim sau, nhưng có thể nói hạn chế của bản phim năm 1986 chính là kỹ xảo. Nhưng chính vì thế lại gần gũi với cuộc sống. Hơn nữa, kỹ xảo cũng chỉ là máy móc thôi, con người mới là yếu tố chính để chinh phục khán giả. Ví dụ, khi Lục Tiểu Linh Đồng diễn, ánh mắt sáng quắc đầy thông minh, như đọc được tâm can người đối diện.

Những cảnh diễn tay đôi giữa Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới cũng rất thú vị. Hai nhân vật hai thái cực: trung thành - không trung thành lắm, rất trách nhiệm - vô trách nhiệm, đánh nhau với yêu quái thì Bát Giới luôn đùn đẩy cho sư huynh, còn khi có gì ăn thì không còn biết sư huynh là ai. Nhưng giữa hai người vẫn tồn tại tình huynh đệ rất sâu nặng. Đó chính là cái hay của phim.

- Bà có cảm nghĩ gì khi diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng, người vào vai Tôn Ngộ Không của “Tây Du Ký” 1986, sang thăm Việt Nam?

- Lục Tiểu Linh Đồng là diễn viên tôi rất yêu quý. Tôi nghĩ khó ai có thể thay thế ông với vai diễn này. Chính nhân vật Tôn Ngộ Không do ông thể hiện, chính giọng lồng tiếng nhân vật này đã khiến tôi có yêu thích và có cảm hứng thuyết minh bộ phim.

Trong đêm giao lưu ở Nhà hát Lớn 25/12, thời gian quá gấp gáp nên tôi chưa thể trò chuyện nhiều với Lục Tiểu Linh Đồng. Mới nói vài câu, mọi người đã giục đứng lên, lúc đó tôi đề nghị ông nán lại để hỏi thêm một câu, rằng ông chuẩn bị cho vai diễn Tôn Ngộ Không mất bao lâu. Lúc được khơi gợi về chủ đề này, Lục Tiểu Linh Đồng nói rất hăng say. Ông có dịp chia sẻ về thời gian nghiên cứu cách bộc lộ cảm xúc của những con khỉ, cách ông tìm tòi diễn xuất và tính cách Tôn Ngộ Không. Đó là câu hỏi duy nhất mà tôi có thể hỏi Lục Tiểu Linh Đồng, trong khi tôi còn muốn hỏi nữa.

-Sau khi về hưu năm 2002, cuộc sống của bà như thế nào?

- Đối với tôi, đến đài truyền hình vẫn là công việc hàng ngày. Thỉnh thoảng tôi nhận lời đi tuyển và hướng dẫn phát thanh viên cho các đài truyền hình địa phương như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tuyên Quang... Những năm mới về hưu, tôi cũng đi nhiều, nhưng những năm gần đây tôi từ chối các lời mời đi xa vì vấn đề sức khỏe.

- Hiện nay bà đang hướng dẫn đọc, thuyết minh tại nhà cho những người muốn làm ngành truyền hình. Bà muốn nhắn nhủ với thế hệ sau điều gì?

- Không phải tôi chủ động mở lớp dạy mà những bạn có nhu cầu học đề nghị nên tôi nhận lời. Có người đang đi làm ở đài VTV, VTC, người đang học báo chí, thậm chí cả những người ngoại thương hay mỹ thuật công nghiệp mà muốn làm truyền hình nên cũng theo học. Tôi dạy đọc trong studio chứ không phải dạy làm MC dẫn các chương trình bên ngoài.

Điều cơ bản nhất tôi dạy cho người học là phải giữ được âm sắc tiếng Việt, dấu của tiếng Việt. Dấu là nét riêng, tạo ra ngữ điệu của tiếng Việt. Nhưng hiện nay, cứ 10 người thì chỉ có một người giữ được âm sắc tiếng Việt chính xác khi nói.

Nghề thuyết minh, nghề nói là nghề thể hiện, cũng giống như diễn viên hay ca sĩ, dù có thể mình không viết ra kịch bản, bài hát hay bản tin đó. Giọng đọc tốt, có cảm xúc cộng với kỹ thuật thể hiện tốt thì lập tức truyền được cảm xúc đó đến với tai nghe của khán giả, chinh phục khán giả.


Chia sẻ