Madagascar 3: Một ấn tượng rất "Mỹ"

Phương Linh,
Chia sẻ

Tiếp nối thành công của "Madagascar" năm 2005 và "Madagascar: Escape 2 Africa" năm 2008, phần 3 của bộ phim hoạt hình này còn hài hước và kịch tính hơn.

Thông thường, các phần tiếp theo của bộ phim ăn khách trước đó sẽ kém hấp dẫn hơn, nhưng loạt phim Madagascar là một ngoại lệ. Phần 3 của bộ phim thực sự rất hài hước, đầy màu sắc về chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới kịch tính.


Ở phần này, với ước mơ cháy bỏng được trở về nhà – vườn thú New York, bộ tứ sư tử Alex, ngựa vằn Marty, hà mã Gloria và hươu cao cổ Melman lạc tới Châu Âu và có một chuyến phiêu lưu nghẹt thở nhưng đầy ý nghĩa.

Xuyên suốt bộ phim là màn rượt đuổi gay cấn khắp châu Âu giữa nhóm cảnh sát Pháp giàu kinh nghiệm, bách chiến bách thắng dẫn đầu bởi Dubois và bộ tứ nhí nhố. Với phiên bản 3D, cuộc đuổi bắt này càng trở nên sống động, ngộ nghĩnh, rực rỡ và hấp dẫn hơn. Khán giả sẽ được trải nghiệm những tình huống gay cấn và rất nhiều tràng cười sảng khoái.


Cảnh sát DuBois với tạo hình ấn tượng và tính cách được khắc họa sắc nét

Bên cạnh bốn người bạn thân và lũ chim cánh cụt thực dụng, ở Madagascar 3 còn có nhiều nhân vật mới được khắc họa cá tính sắc nét như gã hổ Nga ngố Vitaly, cô báo Gia xinh đẹp, chàng sư tử biển Stefano nhút nhát.

Trong số các nhân vật mới xuất hiện, hình ảnh phản diện của đại úy DuBois khá ấn tượng, đây có lẽ là người săn thú thông minh nhất từng xuất hiện trên màn ảnh. Với một quá khứ buồn đau và mất mát, chú hổ Nga ngố là nhân vật phức tạp nhất trong phim. Trong khi đó, chú hải cẩu nhút nhát lại mang đến những tràng cười liên tục. 


Hổ Vitaly, báo Gia và hải cẩu Stefano

Các chi tiết phụ của bộ phim như Vua Julien trúng tiếng sét ái tình với cô gấu Sonya cục mịch (dù cô không biết nói, chỉ biết gừ gừ) sẽ khiến trẻ em vui thích hơn người lớn. Cảnh lãng mạn thực sự trong phim là giữa sư tử Alex và cô báo Gia, khi cả hai đã giúp nhau khám phá ra rằng “nhà” chính là nơi trái tim họ thuộc về, chứ không phải nơi họ đã từng sống.  

Có rất nhiều ý nghĩa ẩn sau cuộc phiêu lưu thú vị của bầy thú, ví dụ như các em nhỏ có thể học được bài học về tự do đầy cảm hứng mà gánh xiếc rong đã truyền cho bộ tứ khi sư tử Alex muốn về vườn thú trung tâm New York, cũng như những nỗ lực hết mình của sư tử Alex và nhóm bạn để khiến gánh xiếc biểu diễn tốt hơn. Sau cuộc phiêu lưu, tất cả những người bạn thú đều đã thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, cũng như suy nghĩ về nơi thực sự họ thuộc về.


Bộ tứ đã thay đổi suy nghĩ sau cuộc phiêu lưu

Cốt truyện của bộ phim không hề mới, thậm chí có nhiều cảnh rất quen thuộc trong phim Mỹ, nhưng suốt bộ phim, có lẽ khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh vì nhiều chiêu trò, tình tiết hài hước.

Cảm nhận chung nhất về Madagascar 3 có lẽ là ấn tượng “rất Mỹ”, từ nội dung đơn giản, kịch tính, diễn biến nhanh với những trường đoạn hành động rượt đuổi trên đường phố bằng xe “khủng”, cảnh trực thăng tới đón trên nóc nhà… đến tính cách các nhân vật như đám chim cánh cụt thực dụng, dùng tiền để giải quyết mọi chuyện (từ mua siêu xe để chạy trốn tới mua cả gánh xiếc để thực hiện mục đích trở về nhà, từ tư duy xây dựng những màn diễn xiếc độc đáo để có thể ký hợp đồng tới New York biểu diễn…). Những cảnh gây xúc động và giàu ý nghĩa trong phim cũng mang đậm tinh thần Mỹ, khi chú hổ Nga ngố được khích lệ để làm những điều không thể và chiến thắng bản thân.


Một cảnh gây cười trong phim

Thêm một điểm cộng cho bộ phim là sự phong phú về giọng nói, như giọng Anh - Ý ngọt ngào của cô báo Gia, hay giọng Anh - Nga hơi cục mịch và nặng của chú hổ Vitaly. Tất nhiên điều này sẽ bị mất đi nếu khán giả chọn xem phiên bản lồng tiếng Việt.

Bộ phim là một lựa chọn hoàn hảo và có tính giải trí cao cho cả gia đình, từ người lớn tới trẻ nhỏ trong mùa hè năm nay.
Chia sẻ