Giải oan cho xe đạp điện: Pin hóa ra rất an toàn, nhưng chính sai lầm này mới là thứ "châm lửa cháy nhà"
Bản chất pin trên xe điện rất an toàn, nhưng hãy nhớ là tiền nào của nấy. Pin là thiết bị có thiết kế kỹ thuật cao và nếu chỉ chi vài triệu đồng cho một cục pin, có thể bạn đã mua phải thứ chất lượng thấp.
Hàng loạt vụ cháy do pin xe điện
Hồi tháng 3 vừa qua, pin lithium-ion, được tìm thấy trong nhiều sản phẩm tiêu dùng phổ biến, đã nằm trong diện giám sát chặt chẽ sau vụ hỏa hoạn lớn ở thành phố New York, Mỹ.
Ít nhất 7 người bị thương trong vụ hỏa hoạn cấp 5 ở Bronx, sự việc huy động tới 200 lính cứu hỏa. Các quan chức tin rằng nguyên nhân vụ cháy bắt nguồn từ pin lithium-ion trong chiếc xe máy điện được tìm thấy trên nóc tòa nhà chung cư.
Năm ngoái, Sở cứu hỏa thành phố New York đã ứng phó với hơn 200 vụ cháy xe máy và xe đạp điện, khiến 6 người tử vong.
“Trong tất cả các vụ cháy lithium-ion, không có cái gọi là cháy âm ỉ, lừa không nhen nhóm lan dần mà chỉ phát nổ theo đúng nghĩa đen”, CNN dẫn lời ủy viên thành phố Laura Kavanagh. “Ngay khi xảy ra, đó là một đám cháy cực lớn, rất khó dập tắt nên đặc biệt nguy hiểm”.
Những sự cố cháy nổ do pin đang trở nên phổ biến hơn vì một số lý do. Đầu tiên, pin lithium-ion ngày nay có mặt trong gần như mọi sản phẩm công nghệ tiêu dùng, từ máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại thông minh, xe điện v.v.
Ngoài ra, những biến số ngẫu nhiên như lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất, sử dụng sai và pin cũ có thể làm tăng rủi ro.
Steve Kerber, phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu an toàn cháy nổ của Phòng thí nghiệm Underwriters (UL) cho biết:
“Pin lithium nói chung là an toàn miễn là không có lỗi và pin không bị hư hỏng hay bị sử dụng sai cách. Càng nhiều pin xuất hiện trong các thiết bị quanh chúng ta thì sự cố cũng nhiều hơn”.
Năm 2016, Samsung đã ban hành lệnh thu hồi toàn cầu đối với Galaxy Note 7 do lỗi pin khiến thiết bị bắt lửa và đôi khi phát nổ.
Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ, HP và Sony sau đó cũng phải thu hồi pin máy tính lithium vì nguy cơ cháy và khoảng 500.000 xe cân bằng ở nước này cũng bị thu hồi do có nguy cơ tương tự.
Vào năm 2020, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã cấm mang pin lithium-ion đã tháo rời trong hành lý ký gửi, chỉ được phép để trong hành lý xách tay, cũng như được hãng hàng không chấp thuận.
Bất chấp những lo ngại, pin lithium-ion sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng phổ biến trong nhiều thiết bị hiện đại.
Vì sao pin dễ cháy?
Về mặt hóa học, các tế bào lithium-ion trải qua một quá trình gọi là thoát nhiệt, dẫn đến nhiệt độ và áp suất của tế bào pin tăng mạnh, kèm theo giải phóng khí dễ cháy. Khí dễ cháy có thể bốc cháy từ nhiệt độ cao của pin, dẫn đến cháy nhanh, khó dập tắt và thải ra khói độc.
TechCrunch dẫn lời các chuyên gia cho biết xe đạp điện giá rẻ và pin chất lượng thấp – thường được nhập khẩu từ các hãng sản xuất ít tên tuổi ở Trung Quốc – có nhiều khả năng phát nổ do quy trình sản xuất chất lượng thấp hơn.
Theo Leo Raudys, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Call2Recycle, nếu các công ty sản xuất pin cắt giảm chi phí hoặc sử dụng vật liệu rẻ tiền thì sẽ có nhiều khả năng xảy ra lỗi khiến tế bào giãn nở và phồng lên, gây thoát nhiệt.
“Hãy nhớ là tiền nào của nấy. Pin là thiết bị có thiết kế kỹ thuật cao và nếu bạn chỉ chi vài triệu đồng cho một cục pin, thì có thể bạn đã mua phải thứ chất lượng thấp”, Raudys nói với TechCrunch.
Tại thị trường Mỹ, những mẫu xe đạp điện uy tín thường có giá ít nhất từ 1.000 USD trở lên. Trong khi nhiều mẫu giá rẻ, thương hiệu ít người biết đến ở Việt Nam chỉ có giá vài triệu đồng, đặt ra những hoài nghi về chất lượng.
Dylan Khoo, nhà phân tích tại công ty công nghệ ABI Research, cho biết xe đạp điện sử dụng pin có dung lượng lớn hơn khoảng 50 lần so với pin trong điện thoại thông minh. “Vì thế hỏa hoạn khi xảy ra sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều”, Khoo nói.
Theo chuyên gia này, tất cả pin lithium-ion đều sử dụng vật liệu dễ cháy và những sự cố như vụ ở Bronx có thể là kết quả của hiện tượng "thoát nhiệt", một phản ứng dây chuyền dẫn đến hỏa hoạn hoặc vụ nổ thảm khốc.
“Quá trình có thể được kích hoạt do pin quá nóng, bị thủng hoặc lỗi điện như đoản mạch. Trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra tự phát khi đang sạc, rất có thể là do lỗi sản xuất”, ông cho biết.
Số vụ cháy pin lithium-ion đang gia tăng với tần suất rất lớn cả ở Mỹ và quốc tế, đặc biệt thường thấy với xe đạp điện và xe máy điện, do lượng mua các sản phẩm này tăng lên trong thời gian dịch bệnh trước đây.
Chuyên gia Kerber khuyến nghị mọi người nên mua xe điện được chứng nhận an toàn từ các nhà bán lẻ có uy tín, việc mua trên mạng khiến khách hàng khó biết được sản phẩm thực sự đến từ đâu. Nếu hỏa hoạn xảy ra, ông khuyên mọi người nên sơ tán và gọi 911 ngay lập tức thay vì cố gắng tự dập lửa.
“Lửa lan rất nhanh và bình cứu hỏa không có tác dụng”, Kerber cho biết.
Ngoài xe điện, các chuyên gia cảnh báo bất kỳ ai sử dụng pin lithium-ion dưới các hình thức khác cũng nên tuân theo các nguyên tắc sạc và sử dụng pin thích hợp.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan, các thiết bị có loại pin này đều phải được sạc và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và không nên sạc quá lâu hoặc khi đang ngủ.
Pin cũng cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo không bị nứt, phồng hoặc rò rỉ và mọi người nên sử dụng bộ sạc đi kèm thiết bị hoặc sử dụng bộ sạc của nhà cung cấp uy tín. Pin đã quá cũ nên đổi mới thay vì bán lại hoặc tái sử dụng.
Ở một số quốc gia, điều quan trọng nhất là mua thiết bị có nhãn UL, nhãn này sẽ cho bạn biết rằng sản phẩm, bao gồm pin, động cơ và bộ sạc, đã được kiểm tra và chứng nhận an toàn.
Theo Sridhar Srinivasan, giám đốc cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, mặc dù một số loại pin hóa học an toàn hơn những loại khác, nhưng vẫn phải mất vài năm nữa mới có thể áp dụng một giải pháp thay thế lithium-ion tốt hơn, an toàn hơn.