Giải mã hiện tượng Shein: Startup thời trang Trung Quốc bí ẩn đe dọa soán ngôi Zara, H&M, hạ gục cả Amazon

Phương Linh,
Chia sẻ

Người Trung Quốc không biết tới Shein vì công ty thời trang này chỉ bán ở nước ngoài.

Những ngày gần đây, các startup Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ như Didi Chuxing hay ByteDance liên tiếp đón nhận tin xấu vì chịu áp lực lớn từ chính phủ. Tuy nhiên, Shein - một startup trong lĩnh vực bán thời trang trực tuyến lại đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư như một ứng viên IPO tiềm năng.

Shein mới vượt qua Amazon trở thành ứng dụng shopping được tải nhiều nhất trong bảng xếp hạng hàng tháng tại Mỹ. Theo công ty nghiên cứu Similarweb, website của Shein hiện được ghé thăm nhiều hơn bất kỳ thương hiệu quần áo hay bán lẻ nào trên thế giới.

Một bảng xếp hạng vào tháng 5 các thương hiệu Trung Quốc toàn cầu cho thấy Shein đã vượt nhiều tên tuổi "máu mặt" gồm cả Tencent, DJI, Trip.com và bia Tsingtao.

Mặc dù được thành lập ở Nam Ninh vào năm 2008 nhưng tại Trung Quốc, Shein ít được biết đến. Nguyên nhân là bởi họ chỉ bán cho các thị trường nước ngoài. Doanh thu vào năm ngoái của họ đã tăng gấp đôi lên 10 tỷ USD và đã đạt mốc 2 tỷ USD vào tháng trước.

Tốc độ là một phần trong chiến lược thành công của Shein. Công ty này rút ngắn thời gian thiết kế một loại quần áo mới sang sản xuất hàng loạt từ 1 – 2 tuần giống công ty thời trang ăn liền như Zara xuống chỉ còn 5 – 7 ngày.

Shein cũng nghiên cứu các xu hướng trên Google cũng như website các đối thủ cạnh tranh về dữ liệu thời gian thực với các xu hướng thời trang ở hàng loạt thị trường riêng biệt. Các nhà thiết kế của họ sẽ nhanh chóng sao chép các mẫu mới sau đó đưa cho bên cung ứng để ra mắt sản phẩm.

Giải mã hiện tượng Shein: Startup thời trang Trung Quốc bí ẩn đe dọa soán ngôi Zara, H&M, hạ gục cả Amazon - Ảnh 1.

Khi có sản phẩm mới trên website, Shein điều hướng thói quen người dùng thông qua hành động click và bổ sung giỏ mua sắm ảo để dự đoán nhu cầu. Họ cũng tự động cập nhập đơn hàng mới cho nhà cung cấp cũng như cung cấp nguyên vật liệu cho họ.

Thuật toán của Shein có thể đề xuất các mặt hàng cho người dùng có hồ sơ tương tự như của những người mua trước đó. Tất cả các quá trình này diễn ra trong thời gian thực, hầu như không có sự can thiệp của con người. Shein cũng có một lợi thế về chiều rộng. Họ đã giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm mới mỗi ngày, thậm chí có thời điểm tới 6.000 sản phẩm. Con số này tương đương với lượng sản phẩm mới cả năm của Zara.

Đồ của Shein có giá rẻ hơn nhiều so với Zara nhờ tận dụng được năng lực sản xuất dệt may dư thừa của Trung Quốc. Khi bán online, một chiếc quần jean có chất lượng, kiểu dáng gần tương đương sản phẩm của Zara vốn được bán với giá 49,90 USD thì chiếc quần của Shein chỉ có giá 17 USD.

Có được điều đó có thể một phần do cách tiếp cận độc đáo của Shein đối với quản lý chuỗi cung ứng. Họ luôn thanh toán cho các nhà cung cấp đúng hạn, trong vòng 30 đến 45 ngày. Trong khi quá trình thanh toán trong ngành này thường là 90 ngày. Shein thậm chí cung cấp các khoản vay cho nhà cung cấp để giúp họ mở rộng và cung cấp cho họ phần mềm quản lý chuỗi cung ứng. Hệ thống cho phép Shein tự động hóa mọi khía cạnh của giao dịch hàng ngày với các nhà cung cấp, với các điều chỉnh thời gian thực cho các kế hoạch sản xuất.

Shein hiện có hơn 300 nhà cung cấp "ruột". Các công ty này sẵn sàng chấp nhận các đơn đặt hàng nhỏ, điều này mang lại cho Shein khả năng thử nghiệm các ý tưởng mới với giá rẻ. Họ cũng có thể giao đơn đặt hàng trong bảy đến tám ngày, và đôi khi nhanh nhất là ba ngày.

Để thu hút được người tiêu dùng quan tâm đến quần áo của mình, Shein triển khai một chiến lược tiếp thị toàn diện kết hợp phương tiện truyền thông xã hội, nội dung do người dùng tạo, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, video ngắn và phát trực tiếp cũng như các cửa hàng ở các địa điểm chính như Paris và London.

Bản thân công ty này cũng tích cực quảng bá sản phẩm trên TikTok, Facebook, Instagram và Pinterest.

Theo: Nikkei

Chia sẻ