Giá vàng SJC lại lên đỉnh sau phiên đấu thầu thứ 5, tiếp tục trúng thầu 3.400 lượng
Phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 5 sáng 8-5 có 3 đơn vị tham gia và trúng thầu tổng cộng 3.400 lượng vàng miếng.
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 5 sáng 8-5 đã có kết quả, với 3 đơn vị tham gia đấu thầu và trúng thầu tổng cộng 3.400 lượng vàng miếng. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng. Mức giá trúng thầu này cao hơn so với giá mua vào của các công ty vàng.
Như vậy, sau 5 phiên đấu thầu, chỉ có 2 phiên tổ chức thành công với tổng lượng vàng bán qua kênh đấu thầu là 6.800 lượng vàng.
Tính đến chiều 8-5, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 85,2 triệu đồng/lượng, bán ra 87,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so với buổi sáng. Như vậy, giá vàng miếng đã tăng trở lại lên mức đỉnh lịch sử.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng tăng nhẹ lên 75,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với buổi sáng.
Giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh những ngày qua do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới và tâm lý thị trường kỳ vọng giá vàng còn tăng tiếp trong dài hạn.
Trước sự biến động mạnh của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TP HCM về việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường của Chính phủ; chấp hành nghiêm các quy định khác về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
"Thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng tại các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng của đơn vị, để bảo đảm chấp hành đúng quy định. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, nói.
Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần phản ánh kịp thời biến động thị trường để phục vụ công tác quản lý, công tác phối hợp và xử lý, báo cáo và tham mưu Ngân hàng Nhà nước và UBND TP HCM.