Giá vàng nhẫn giảm mạnh, USD vẫn nóng
Sáng nay (24/4), giá vàng nhẫn giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng về mốc 75 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng SJC sau 1 ngày tăng giảm bất thường vẫn neo cao ở mốc 83 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tỷ giá USD vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Giá vàng giảm nhưng vẫn ở mức cao
Tập đoàn Doji niêm yết vàng nhẫn 73,7 - 75,35 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với sáng qua.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn tròn trơn 73,58 - 75,28 triệu đồng/lượng, giảm 940.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng nhẫn SJC 72,9 - 74,7 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC sau 1 ngày tăng giảm bất thường về quanh mốc 83,3 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC 81 - 83,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC không giảm mạnh sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 khiến nhiều người thất vọng. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra rằng, việc đấu thầu vàng không hấp dẫn khi giá thời điểm này tăng giảm bất thường trong khi giá cọc và số lượng đặt mua tối thiểu lớn.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.322 USD /ounce, giảm 10 USD/ounce so với sáng qua.
Theo các chuyên gia, việc đấu thầu vàng chưa thể làm bình ổn giá vàng trong nước ngay bởi giá vàng thế giới vẫn ở mức cao và xu hướng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài việc đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn và vàng nữ trang. Đặc biệt, cần sớm sửa Nghị định 24 liên quan đến độc quyền vàng miếng SJC.
Tỷ giá chưa hạ nhiệt
Sáng 24/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.275 đồng/USD, tăng 3 đồng so với sáng qua.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng lập đỉnh mới, mua vào 25.178 đồng, bán ra 25.488 đồng/USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng khoảng 4,9%.
Giá USD được giao dịch tại "chợ đen" phổ biến ở mức 25.870-25.900 đồng/USD mua - bán.
Nguyên nhân tỷ giá tăng cao trong thời gian gần đây được ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, do chỉ số DXY tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh. Ngoài ra, chính sách giảm lãi suất trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, khiến lãi suất VND ở mức âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, cũng tạo áp lực đến tỷ giá.
Đáng chú ý, sau tuyên bố của cơ quan quản lý về việc bán USD can thiệp thị trường từ ngày 19/4, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước công bố sẵn sàng bán USD ra thị trường theo tỷ giá giao ngay cho những ngân hàng nào có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định tỷ giá chưa hạ nhiệt có thể do thời điểm hiện tại các thành viên thị trường vẫn còn đang quan sát thị trường. Bên nắm USD vẫn kỳ vọng có thể bán được giá cao hơn nên chưa đẩy mạnh bán ra USD.
Tỷ giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước (25.450 đồng/USD) hiện đã thấp hơn tỷ giá bán của ngân hàng thương mại (25.488 đồng/USD) nên sẽ góp phần neo kỳ vọng trong ngắn hạn.
"Việc bán ngoại tệ theo hướng gửi tín hiệu và thăm dò phản ứng thị trường là cần thiết nhằm tránh hao tổn dự trữ ngoại hối. Để đánh giá hiệu quả của việc bán ngoại tệ từ cơ quan quản lý, chúng ta cần theo dõi thêm trong vài tuần tới" - ông Hùng Linh nói.