Giá vàng hôm nay 16/3: Vàng thế giới, trong nước cùng đi xuống

Theo Công Hiếu/VTC News,
Chia sẻ

Cùng với xu hướng đi xuống của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng giảm 150.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong phiên giao dịch thứ 3 (giờ Mỹ) được điều chỉnh giảm sau khi tăng mạnh vào đầu tuần. Thị trường kim loại quý cũng "dễ thở" hơn sau báo cáo được công bố cho thấy lạm phát của Mỹ không nóng hơn dự kiến trong bối cảnh bất ổn tài chính hiện tại.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 cho thấy mức tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 6,4% được ghi nhận trong tháng 1. Chỉ số CPI cốt lõi tăng 5,5%. Dữ liệu này đều phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Thị trường vàng đang thu hút lực mua trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự lây lan từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Các thị trường cũng đang đánh giá lại kỳ vọng tăng lãi suất trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 22/3.

Giá vàng hôm nay 16/3: Vàng thế giới, trong nước cùng đi xuống - Ảnh 1.

Vàng trong nước và quốc tế hôm nay đều giảm giá.

Diễn biến giá vàng hôm nay

+ Giá vàng trong nước

Lúc 16h ngày 15/3, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 66 - 66,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán, trong khi chiều mua không thay đổi so với ngày hôm trước.

Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức  66 - 66,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với chiều 14/3.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 52,56 - 54,8 triệu đồng/lượng.

+ Giá vàng quốc tế

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 1.888 USD/ounce, giảm 13 USD so với chiều 13/3.

Giá vàng trên thị trường quốc tế treo ở đỉnh cao kể từ đầu tháng 2, đến nay bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Vàng tăng khi chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt giảm xuống còn 103,83 điểm (so với mức khoảng 105 điểm trong tuần trước).

Dự báo giá vàng

Chiến lược gia kỹ thuật cấp cao Michael Boutros của Forex.com nói rằng có hai động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng cao hơn. Ông cho rằng, sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và câu hỏi liệu Fed có thể tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ như họ đã dự báo trước hay không đang thúc đẩy vàng.

Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 tuần sau cú sốc của SVB và Signature Bank và giao dịch trên mức 1.900 USD/ounce. Boutros chỉ ra: "Chúng ta đang tiến đến mức quan trọng tiếp theo, đó là 1.912 - 1.918 USD/ounce. Phạm vi 6 USD đó rất quan trọng vì đây là mức đóng cửa ngày cao nhất của năm nay và mức đóng cửa ngày cao nhất năm 2021. Đó là một khu vực quan trọng" .

Ông nói thêm, nếu vàng không tăng lên trên phạm vi này, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy nó đã bị mua quá mức. Trong khi đó, nếu giá vàng đóng cửa hàng tuần trên mức đó, nó sẽ báo hiệu sự nối lại của xu hướng tăng dài hạn.

Trong khi đó, đồng Giám đốc Sean Lusk của Walsh Trading lo ngại rằng các ngân hàng có thể bắt đầu bán bớt tài sản vàng của họ để huy động vốn, điều này sẽ là một tác động tiêu cực trong ngắn hạn.

Lusk đang xem mức đóng cửa dưới 1.880 USD/ounce là một dấu hiệu tiêu cực. "Những gì tôi đang tìm kiếm ở đây là mức đóng cửa dưới 1.880 USD/ounce. Điều đó có thể đẩy vàng xuống mức 1.840 USD/ounce và sau đó chạm đáy kép xung quanh mức 1.812 USD/ounce. Đó là những mức kỹ thuật mà tôi đang theo dõi" , ông nói.

Vàng được dự báo sẽ đứng ở mức cao vì giá USD còn chịu áp lực giảm từ nay cho tới cuộc họp vào tuần tới.

Nếu Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp này, vàng có thể còn tăng mạnh. Tuy nhiên, xa hơn một chút, vàng chịu áp lực giảm bởi Fed vẫn còn phải nâng lãi suất để chống lạm phát vốn đang ở mức cao.

Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo Fed tăng lãi suất 25 điểm trong mỗi cuộc họp vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7 nhưng cũng cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường tài chính.

Chia sẻ