Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp, bác sĩ hướng dẫn cách phòng bệnh

Thanh Hải/VTC News,
Chia sẻ

Thời tiết chuyển mùa từ xuân sang hè đang là thời điểm thuận lợi cho các bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) bùng phát.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc virus hợp bào hô hấp phát hiện tại đây đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và người có bệnh lý nền. Tính từ đầu đến ngày 5/3, tổng số ca nhiễm RSV (Respiratory Syncytial Virus) ghi nhận ở bệnh viện là 1.025 ca.

TS.BS Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, virus RSV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ em dưới hai tuổi.

"Thời tiết chuyển mùa từ xuân sang hè, không khí thay đổi, sự kết hợp giữa lạnh và ẩm, tạo điều kiện cho virus sinh sôi mạnh, đặc biệt là RSV. Đồng thời, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Do đó đây là thời điểm virus RSV dễ xâm nhập và gây bệnh đường hô hấp ở trẻ” , TS.BS Phạm Thị Thuận cho hay.

Virus RSV có thể gây bệnh cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, ở trẻ có sức đề kháng hô hấp kém là đối tượng dễ nhiễm RSV.

Nhiễm RSV có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi hoặc cả hai. Các triệu chứng của biến chứng này gồm khó thở, thở nhanh hơn bình thường; thở khò khè; ho ngày càng nặng; trẻ có thể bị nghẹt thở hoặc nôn do ho dữ dội; thờ ơ, mệt mỏi, giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh hoặc chán ăn.

Tùy theo lứa tuổi, thể trạng, mà số lần mắc bệnh của trẻ biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Các triệu chứng này xuất hiện theo từng giai đoạn bệnh chứ không đến cùng một lúc và xu hướng nặng dần.

Biểu hiện lâm sàng nhiễm RSV rầm rộ vào khoảng ngày thứ 5 của bệnh và thường cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể kéo dài khoảng 4 tuần do sự phục hồi chậm của các tế bào có lông mao.

Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp, bác sĩ hướng dẫn cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Trẻ mắc virus hợp bào hô hấp có thể biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới khi không điều trị đúng.

Cách phòng bệnh

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với nhiễm trùng do RSV gây ra. Do đó, chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và điều trị các biến chứng (nếu có). Vì thế, các chuyên gia khuyên, cách tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Để tránh bị nhiễm virus RSV ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh.

Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác... Ngoài ra, cần tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh.

Đối với trẻ nhỏ - nhóm nguy cơ cao nhiễm RSV, cha mẹ cần tránh đưa trẻ đến nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại… nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và lây lan virus trong mùa RSV. Khi trẻ bị bệnh nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, bác sĩ cho biết hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu. Do đó, ở những người nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch, giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn.

Đồng thời, tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi đặc biệt với trẻ nhỏ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật.

Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng vaccine đường uống như ly giải vi khuẩn cũng góp phần hỗ trợ tạo đề kháng cho đường hô hấp, giúp trẻ phòng chống sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, trong đó có virus RSV.

Chia sẻ