Gia tăng tình trạng béo phì ở trẻ em trong dịch COVID-19
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, tình trạng béo phì đang gia tăng ở trẻ em trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra.
Số liệu của Chương trình Đo lường Trẻ em Quốc gia Anh cho thấy, mức độ béo phì ở trẻ 4 và 5 tuổi đã tăng từ 9,9% vào năm 2019 - 2020 lên 14,4% trong năm 2020 - 2021.
Đối với trẻ 10 tuổi và 11 tuổi trong năm cuối cấp tiểu học, tỷ lệ béo phì tăng từ 21% vào năm 2019 - 2020 lên 25,5% trong năm 2020 - 2021.
Ở Anh, 1/5 trẻ em bị ảnh hưởng bởi bệnh béo phì và số lượng trẻ em béo phì tăng gấp hai lần trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu học tiểu học đến hết tiểu học.
Các bé trai có nhiều khả năng bị béo phì hơn và trẻ em ở các khu vực nghèo hơn có nguy cơ béo phì cao hơn gấp đôi so với các trẻ em sống trong gia đình giàu có hơn.
Amanda Pritchard, Giám đốc điều hành NHS Anh cho biết: "Nếu không được kiểm soát, tình trạng béo phì có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng khác, từ bệnh tiểu đường đến ung thư".
Bà Pritchard nói thêm: "Đại dịch đã chỉ ra rõ ràng về tình trạng mắc bệnh béo phì với nhiều người trẻ dễ bị tổn thương đang phải vật lộn với việc tăng cân trong đại dịch".
Ý kiến của bà Pritchard được đưa ra khi NHS khởi động một kế hoạch thí điểm, trong đó 15 phòng khám chuyên khoa sẽ được thành lập để chăm sóc cho trẻ em bị béo phì thể nặng và gia đình của các em. Thông qua những phòng khám này, trẻ em dưới 18 tuổi sẽ được tiếp cận với các chuyên gia dinh dưỡng, nhà tâm lý học, y tá chuyên khoa, nhân viên xã hội, nhân viên thanh niên và bác sĩ trẻ em.
(Ảnh: iStock)
Theo ước tính, các phòng khám sẽ phục vụ khoảng 1.000 trẻ em mỗi năm và có khả năng mở rộng hơn nữa nếu hoạt động hiệu quả.
Bà Pritchard nhận định: "Chương trình can thiệp sớm này nhằm mục đích ngăn ngừa trẻ em và thanh niên phải chịu đựng tình trạng sức khỏe kém suốt đời".
Caroline Cerny, lãnh đạo của Liên minh Sức khỏe Béo phì, cho biết: "Chúng ta cần tập trung cao độ vào việc thu hẹp khoảng cách giữa những người thiếu thốn nhiều nhất và ít nhất để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội bình đẳng để lớn lên khỏe mạnh".
Cô cho rằng, doanh số bán bánh kẹo tăng là trung tâm của vấn đề, đồng thời cho biết thêm: "Chúng ta cần phá vỡ chu kỳ đồ ăn vặt kém bổ dưỡng để cải thiện sức khỏe của trẻ em. Tiếp theo, chúng tôi cần Chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để cải thiện thức ăn và đồ uống hàng ngày với việc đánh thuế đối với các công ty thực phẩm".
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chia sẻ công khai mối quan tâm này sau khi ông mắc COVID-19. Năm 2020, ông Boris Johnson đã đưa ra chiến lược chống béo phì của Chính phủ Anh, bao gồm kế hoạch cấm quảng cáo truyền hình và trực tuyến về thực phẩm giàu chất béo, đường và muối trước 21h và chấm dứt các giao dịch khuyến mại như mua một tặng một đối với thực phẩm không lành mạnh.