Giá như anh cứ thật lòng

,
Chia sẻ

- Mẹ yên tâm đi, sông có khúc, người có lúc, con nguyện sẽ nuôi Mai suốt đời. Mẹ xem cô ấy béo trắng ra nhiều còn gì.

Vừa nói anh vừa đưa tay vuốt ve mái tóc chị. Nhìn nét mặt vô cảm, ánh mắt lạnh lùng nhưng miệng vẫn cười, nụ cười đểu giả của anh, chị biết anh đang nghĩ gì. Chị hất tay anh ra. Một phản ứng yếu ớt, từ một cơ thể tật nguyền. Chị muốn hét vào mặt anh:

- Đồ đểu giả, đồ đê tiện. Anh lừa lọc một mình tôi đủ rồi, sao anh nỡ nhẫn tâm dối lừa cả mẹ.

Nhưng chị đã im lặng. Bởi chị quá thương mẹ. Nếu biết sự thật cuộc sống của chị thì chắc bà chết mất.

Càng nghĩ chị càng thấy hận con người bạc bẽo, dối trá kia. Ngày trước khi chị yêu anh, mẹ đã từng phân vân khi nói với chị:

- Mẹ chỉ có mình con là con gái. Con yêu ai, mẹ không ngăn cản. Nhưng sao mẹ cứ ái ngại, liệu Thắng có hợp với con không?

Chị cười trêu mẹ: Một cán bộ đoàn năng nổ, biết làm ăn giỏi và rất ga lăng. Anh ấy là mẫu người tuyệt vời đấy mẹ ạ.
 

Khi mới yêu nhau, mỗi ngày anh viết cho chị một lá thư với những lời yêu thương có cánh. Chồng thư cao ngất ngưởng kia, giờ chị vẫn đang còn giữ. Mười mấy năm, nét mực chưa phai nhưng tình người đã nhạt. Quãng thời gian chung sống, hạnh phúc chỉ tính đầu ngón tay.

Ba đứa con lần lượt ra đời. Một mình chị bươn chải, chăm lo cho gia đình. Còn anh vẫn sống vô tư, chơi bời ga lăng bên ngoài. Thỉnh thoảng vẫn cặp cô này, cô nọ. Chị đã nhiều lần khuyên can chồng. Nhưng chứng nào tật đó.

Có lần chị đã đưa đơn ly hôn. Nhưng anh quỳ xuống van xin chị tha thứ. Vì con chị đã cố níu giữ để gia đình không tan vỡ. Nhưng tính trăng hoa, chơi bời của chồng vẫn không thay đổi. Chị đã khổ sở, nhục nhã với anh không biết bao nhiêu lần.

Thế rồi trong một lần bị tai nạn xe máy, chị bị chấn thương cột sống và phần đời còn lại chị phải ngồi trên xe lăn. Nỗi đau đớn tột cùng về thể xác, không đau bằng nỗi đau về tinh thần.

Chỉ sau ba tháng khi vợ bị tai nạn, anh ngang nhiên đem bồ về nhà. Bắt chị đưa hết sổ đỏ, thẻ tiết kiệm với lý do cần tiền để làm ăn. Anh thuê người ở và giao phó toàn bộ việc nhà cho người giúp việc. Anh không hề đoái hoài, quan tâm gì đến chị.

Nhiều lúc về nhà, anh thở dài thườn thượt, đá thúng đụng nia. Ánh mắt nhìn sắc lạnh. Anh lấy cớ chửi mắng con là một lũ vô tích sự. Chỉ biết ăn bám, không làm được việc gì.

Không biết vô tình hay cố ý, lá đơn ly hôn viết dở anh để hờ hẫng nơi chị có thể nhìn thấy. Điện thoại di động anh bỏ ngang tầm tay chị, trong đó chứa đựng hàng loạt tin nhắn mùi mẫn yêu đương với người phụ nữ nào đó. Mỗi khi nghe điện thoại anh giả vờ chạy vào nhà vệ sinh làm như để chị không nghe thấy nhưng tiếng vẫn vang lên rõ mồn một. Họ hẹn nhau ở đâu, mấy giờ. Bởi anh chắc chắn chị có biết mười mươi cũng chẳng thể đến đó được.

Những việc làm của anh, cách cư xử của người chồng nhẫn tâm đã làm trái tim chị tan nát. Có lần chị đã nói thẳng với anh, chị sẵn sàng ký vào đơn ly hôn để giải phóng cho anh. Nhưng anh chỉ cười khẩy:

- Tôi mà làm thế để mọi người bảo tôi thất đức à.

Cứ thế, trước mặt người khác anh luôn tỏ ra mình là người chồng tốt, quan tâm chăm sóc, yêu thương vợ con. Nhất là đối với mẹ chị. Năm nay bà đã gần chín mươi tuổi. Bà không còn đủ sức để tự lo cho mình, nói chi đến chuyện chăm sóc con gái.

Bà ở với người con trai, chỉ thỉnh thoảng ghé về thăm chị. Mỗi khi bà đến, anh tỏ ra vồn vã, quan tâm, chăm sóc chị chu đáo. Miệng lúc nào cũng dẻo quẹo: Mẹ cứ yên tâm. Con không chăm vợ con thì con chăm ai. Mẹ hỏi Mai thì biết, con có để cô ấy thiếu thứ gì đâu.

Chị sẽ không bao giờ nói ra sự thật với mẹ. Bởi sức mẹ sẽ không chịu nổi. Nhìn chồng nói năng trơ trẽn, dối trá. Chị luôn day dứt tự hỏi: Vì sao anh lại sống nhẫn tâm đến thế. Giá như anh cứ thật lòng, sự thật dù có tàn nhẫn đến đâu, chị cũng có thể chấp nhận, còn hơn là phải sống chung với sự dối trá, lọc lừa.
Theo TGPN
Chia sẻ