Giá nhà bỏ xa thu nhập người dân Hà Nội và TPHCM

Duy Quang,
Chia sẻ

Khả năng chi trả cho nhà ở là một thách thức lớn đối với người dân ở Hà Nội và TPHCM, do giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.

Giá nhà quá cao

Theo Savills Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện ở mức 28%. Sự chuyển đổi này thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là ở các thành phố như TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu này thường xung đột với thực tế về khả năng chi trả, tạo ra một bức tranh nhà ở phức tạp.

Nhà ở giá phải chăng được định nghĩa là dòng sản phẩm bất động sản nhà ở có giá cả vừa phải, đủ để người dân chi trả bằng thu nhập và năng lực tài chính của họ. Trong bối cảnh thị trường hiện này, các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền trên thị trường có thể kể đến là căn hộ hạng C, đất nền bình dân hay thậm chí là nhà ở công nhân gần các khu công nghiệp.

Giá nhà bỏ xa thu nhập người dân Hà Nội và TPHCM - Ảnh 1.

TPHCM và Hà Nội là 2 thành phố có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.

Báo cáo thị trường của Savills Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, nguồn cung giá cả phải chăng tiếp tục khan hiếm, mặc dù sức hấp dẫn và sức hút mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, căn hộ hạng C chiếm 62% thị phần tiêu thụ tại TPHCM với 42% nguồn cung. Dự kiến trong nửa cuối năm, lượng căn hộ hạng C mới cung cấp cho thị trường TPHCM là khoảng 3.295 căn, tương đương 39% tổng nguồn cung.

Theo báo cáo chỉ số về Khả năng chi trả nhà ở tại Châu Á Thái Bình Dương 2023 của ULI, TPHCM và Hà Nội là 2 thành phố có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.

Cụ thể, TPHCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam, nổi bật với giá nhà trung bình là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) với thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở mức 9.120 USD/năm. Theo tính toán của ULI, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TPHCM đang ở mức 32,5, cao thứ 2 trong khu vực chỉ sau Thâm Quyến (35), thậm chí cao hơn Bắc Kinh (29,3), Thượng Hải (24,1) và Hong Kong (26,5).

Trong khi đó, chỉ số này ở Hà Nội là 18,3 với mức thu nhập trung bình năm của hộ gia đình là 9.967 USD, cao hơn Seoul (17,3), Tokyo (16,1), nhà ở thương mại Singapore (13,7)

Ở thị trường nhà ở cho thuê, giá thuê trung bình hàng tháng trên mỗi căn hộ tại TPHCM là 592 USD, tương đương khoảng hơn 14 triệu đồng. Đây là thị trường chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bà Giang Huỳnh-Phó giám đốc Savills TPHCM, giá thuê nhà chỉ được xem ở mức phải chăng khi chi phí dành cho nhà ở chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hàng tháng của mỗi người. Trong khi lợi nhuận cho thuê đối với các sản phẩm nhà ở giá rẻ như nhà ở công nhân tương đối thấp thì nhu cầu và công suất sử dụng lại cao.

Theo một nghiên cứu của Savills Việt Nam về nhà ở công nhân, tại Hải Phòng, giá thuê nhà ở công nhân dao động từ 3,2-4,2 USD/m2/tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy cao ở mức 95%. Có thể thấy, khi các doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp đang tạo ra cơ hội việc làm lớn, có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này theo quy mô lớn để tạo lợi nhuận.

Thiếu nhà giá rẻ

Phân tích về khả năng chi trả nhà ở của người dân tại TPHCM, bà Giang Huỳnh cho rằng, phần lớn người dân chỉ có thể chi trả cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, căn hộ hạng C.

Giá nhà bỏ xa thu nhập người dân Hà Nội và TPHCM - Ảnh 2.

Những căn hộ vừa túi tiền có giá từ 2-4 tỷ đồng có nguồn cung khá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của người dân tại TPHCM.

“Hiện tại, những căn hộ vừa túi tiền có giá từ 2-4 tỷ đồng có nguồn cung khá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của người dân tại TPHCM. Trước đây, dòng sản phẩm từ 2-4 tỷ đồng chiếm tỷ lệ khoảng 60% trong nguồn cung của thị trường nhưng đến 2023 chỉ chiếm khoảng 25%, hạn chế nguồn cung cũng như cơ hội sở hữu nhà của người dân”, bà Huỳnh nói.

Theo bà Huỳnh, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là mấu chốt trong việc thiết lập khả năng chi trả cho người dân trong vấn đề nhà ở. Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia khác nhau đã cho thấy những tác động tích cực của các giải pháp nhà ở đối với phát triển kinh tế xã hội.

“Việc Chính phủ xem xét các loại thuế để hạn chế mua đầu cơ và tăng quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ, thể hiện cam kết thúc đẩy thị trường nhà ở ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho những người mua nhà tiềm năng. Việc tích hợp các cơ chế tài chính sáng tạo và xây dựng các chính sách nhà ở bền vững có khả năng biến khả năng đạt được nhà ở thành hiện thực đối với toàn bộ dân số”, bà Huỳnh nói.

Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội , bà Huỳnh cho rằng đây là vấn đề cần ưu tiên bởi giúp giải quyết các vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, kích thích phần nào kinh tế xã hội, tăng tốc độ giãn dân, mở rộng đô thị ra các khu vực ngoại thành, tăng tính bền vững trong quy hoạch đô thị.

Chia sẻ