Giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt vẫn ở mức cao
Hiện nay, dù giá lợn hơi đã giảm mạnh, về gần 50.000 đồng/kg, nhưng tại các chợ, cửa hàng, giá thịt vẫn ở mức cao.
Thời gian vừa qua, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh. Giá lợn hơi trên cả nước hiện đang giao dịch quanh mức 50.000 - 59.000 đồng một kg, giảm 15 - 20% so với đầu tháng 10/2022, thời điểm giá ở mức cao trong năm.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay (4/1) dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Hai tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên duy trì giao dịch lợn hơi cùng mức 54.000 đồng/kg - cao nhất khu vực.
Mức giao dịch thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các tỉnh, thành khác đang thu mua lợn hơi với giá vào khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg. Tại các địa phương bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận, thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg. Các địa phương khác đang giao dịch cùng mức là 52.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bến Tre, lợn hơi đang được thu mua với giá 50.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Trong khi đó, mức giao dịch cao nhất khu vực được ghi nhận tại các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau và Bạc Liêu với giá 53.000 đồng/kg. Ở các địa phương khác, thương lái thu mua lợn hơi với giá trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn vẫn không hạ nhiệt, thậm chí một vài cửa hàng còn tăng 2.000 - 5.000 đồng một kg.
Theo khảo sát, tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, thịt ba rọi được bán với giá 110.000 - 140.000 đồng/kg; nạc vai, đùi đang ở mức 90.000 - 110.000 đồng đồng/kg; sườn già, đuôi hơi dao động 90.000 - 105.000 đồng/kg; sườn non khoảng 130.000 - 170.000 đồng/kg.
Tại một số cửa hàng khác, giá thịt ba rọi lên tới 170.000 - 180.000 đồng một kg, tăng 5.000 đồng so với ngày trước đó. Tương tự, sườn non được bán với mức 150.000 - 160.000 đồng...
Báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) cũng cho thấy, giá lợn mảnh tại chợ đang ở mức cao, trong đó thịt ba rọi lên 110.000 đồng/kg, sườn non 140.000 đồng/kg.
Tiểu thương khu một khu chợ cho biết giá thịt bán ra vẫn ở mức cao do giá nhập vào giảm không đáng kể. "Giá lợn hơi giảm mạnh đa phần là loại quá lứa xuất chuồng. Còn lợn bán tại sạp của tôi là loại đạt chuẩn nên giá bán được niêm yết ổn định theo giá doanh nghiệp", người này lý giải.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, khâu trung gian phân phối là đơn vị quyết định giá thịt lợn. Do đó, khi chi phí đầu vào cận Tết gia tăng, giá bán lẻ ra thị trường khó hạ nhiệt nhanh như giá lợn hơi. Không những vậy, giá thịt lợn thành phẩm còn qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc nên bị hao hụt nhiều. Hiện, các đơn vị bán lẻ vẫn đang "gồng" để tránh lỗ vì giá lợn năm nay biến động thất thường.
Các đơn vị giết mổ tính toán, 100 kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Nếu trước đây giá heo hơi ở mức 50.000 đồng một kg, sau giết mổ, chi phí một kg thịt thành phẩm ở mức 75.000 - 85.000 đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, chi phí này liên tục tăng, đẩy mỗi kg thịt thành phẩm lên 90.000 - 100.000 đồng.
Lỗ cả triệu đồng mỗi con, người chăn nuôi lo mất Tết
Dịp cuối năm và sát Tết Nguyên đán hàng năm, giá lợn hơi sẽ tăng, tuy nhiên năm nay, giá chững lại trong thời gian khá dài. Theo các chuyên gia, thị trường lợn hơi trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc do nhu cầu tiêu dùng giảm khi người dân vẫn thắt chặt chi tiêu. Trong khi nguồn cung thịt lớn tiếp tục dư thừa, nhất là các công ty chăn nuôi có quy mô lớn.
Giá lợn hơi trên cả nước hiện đang giao dịch quanh mức 50.000 - 59.000 đồng một kg. (Ảnh: TTXVN)
Một thương lái thu mua lợn ở Bến Tre cho biết mỗi ngày có thể thu mua vài trăm con lợn nhưng không bán hết vì mãi lực tiêu thụ rất chậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá lợn hơi liên tục đi xuống.
"Chỉ còn 3 tuần nữa đến Tết Nguyên đán nhưng sức mua đang rất yếu", vị thương lái cho biết thêm, "các cơ sở sản xuất giò chả năm nay cũng giảm sản lượng khiến đầu ra của lợn hơi chậm".
Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam, ông Lê Xuân Huy, cũng cho biết giá lợn hơi giảm vì nguồn cung trong nước dồi dào. Năm nay có nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành chăn nuôi nên đẩy tổng lượng đàn lợn cung ứng ra thị trường tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với C.P, hiện tổng đàn cung ứng tăng 4 - 5%.
Tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, hàng chục nghìn hộ dân đang "khóc ròng" bởi giá lợn hơi ngày càng giảm sâu, tiêu thụ khó khăn trong khi vật giá leo thang, chi phí chăn nuôi tăng cao.
Chủ một trại nuôi lợn ở ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết, do ảnh hưởng của dịch và thua lỗ trước đó, trại này đã giảm hơn một nửa đàn lợn so với lúc cao điểm, nhưng đang lỗ nặng do giá lợn hơi giảm mạnh.
Theo chủ trại lợn này, hiện với mức giá dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, mỗi con lợn xuất chuồng, người nuôi lỗ gần cả triệu đồng. "Từ nay đến Tết, nếu giá lợn không quay đầu tăng trở lại, người nuôi lợn mất Tết là chắc", chủ trại lợn nói.
Nhiều người chăn nuôi cho biết, giá con giống vẫn ổn định (khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng/con) nhưng các chi phí vật tư khác tăng rất cao. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 40 - 50% trong khi chi phí thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất, đẩy giá thành chăn nuôi vượt 60.000 đồng/kg. Với mức giá lợn xuất chuồng như hiện nay, người chăn nuôi lỗ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 10.000 đồng/kg nếu nuôi kém.
Trong 2 năm trở lại đây, người chăn nuôi lợn ở Đồng Nai đã thu hẹp khá nhiều quy mô sản xuất do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF) và đặc biệt là dịch COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi lợn đều lỗ nặng do giá lợn hơi liên tục giảm, thường xuyên dưới giá thành.
Hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nguồn cung thịt tương đối ổn định nhưng nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm so với những năm trước. Giá các sản phẩm lợn hơi, gia cầm có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học… vẫn còn khá yếu.