Giá hàng hóa biến động như thế nào?
Trong khi tiểu thương tại các chợ nói rằng giá hàng hoá cuối năm tăng nhanh, thì các siêu thị, trung tâm thương mại đã dự trữ sẵn hàng Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và có ưu đãi, giảm giá với nhiều mặt hàng thiết yếu.
Hàng hóa “dọa” người mua
Sáng ngày 22/12, chị Nguyễn Thu Trang (Đội Cấn, Hà Nội) đi mua gừng tươi để chuẩn bị làm mứt gừng thì tá hoả khi biết, gừng 60.000 đồng/kg. “Cách đây 1 tháng, giá gừng chỉ mới 30.000 đồng, thì nay đã tăng gấp đôi. Hay như hành tím cũng 70.000 đồng/kg. Ra chợ ai cũng bảo hàng hoá tăng vì sắp tết” - chị Trang nói.
Trong khi đó chị Trần Thanh Phương ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ, rau xanh, đồ khô tăng giá mạnh. Như xu hào là 7.000 đồng/củ, xà lách 60.000 đồng/kg, nấm hương khô cũng 200.000 đồng/kg. Giá hàng hoá giờ không như trước nữa. Thời tiết lạnh cùng với thời điểm cuối năm nên đi chợ mua gì cũng thấy đắt.
Nhiều tiểu thương tại các chợ Gia Lâm, chợ Ngọc Thuỵ, chợ Hà Đông xác nhận đang chịu áp lực vì rất khó cân đối lượng hàng hoá nhập về ngày Tết. Sức mua giảm mạnh, nhưng nhập ít thì đến khi khách hỏi lại không có hàng bán, chưa kể nhập chậm ngày nào thì giá nhảy ngày đó. Thời điểm này, chưa đến tết song giá nhập hàng bánh kẹo, sôcôla… đã được thông báo tăng.
Tiểu thương Trần Hoàng Anh ở chợ Gia Lâm nói, miến dong, mỳ Chũ, hạt bí tách vỏ, hay kẹo tết đã tăng giá nhẹ. Cận tháng tết, giá hàng hoá còn tăng nữa.
Khác với chợ truyền thống, hàng hoá phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các siêu thị, trung tâm mua sắm đã dồi dào hơn. Đáng chú ý để kích cầu mua sắm, các siêu thị kết hợp với nhãn hàng để tung ra nhiều chương trình khuyến mãi.
Chẳng hạn ngay sát Tết Dương lịch, Central Retail sẽ triển khai chương trình “Vui Tết Việt”, giảm giá sâu từ 20 - 49% áp dụng với hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết và các sản phẩm thiết yếu khác… Các mặt hàng OCOP cũng được ưu tiên bày bán ở các vị trí đẹp trong siêu thị.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ áp dụng chương trình “Khóa Giá” đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa). Như vậy, trong 6 tuần trước Tết, Central Retail cam kết sẽ giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm này.
Central Retail dự báo sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng, do đó công ty đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, MM Mega Market tăng 20%-30% tổng lượng dự trữ hàng hóa cho Tết. Nhà bán lẻ này vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất. Siêu thị này cũng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10%-30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.
Đơn vị này còn khuyến khích khối khách hàng chuyên nghiệp chủ động nguồn hàng, đặt hàng sớm trước giai đoạn cao điểm để chung tay “vượt bão” lạm phát, bình ổn giá thị trường, tạo không gian mua sắm tiết kiệm thông minh trong mùa lễ hội cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho hay, hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với tiêu chí sản phẩm phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi. “Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường”- bà Dung cho biết.
Tại Hà Nội, các siêu thị lớn như WinMart, AEON, Hapro/BRG Mart… cũng đang tích cực ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Không để khan hàng, sốt giá
Để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh tết được đầy đủ, không xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhiều địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai bình ổn thị trường.
Tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Nguyên Phương, cho biết năm nay các doanh nghiệp (DN) dành khoảng 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng để chuẩn bị hàng bình ổn thị trường với tỷ trọng chiếm 25%-43%. Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng nguồn hàng hóa, tổ chức bán hàng lưu động, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024 trong mọi tình huống
Còn tại Hà Nội ngành công thương đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền.
Cụ thể, Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1500 tấn bánh kẹo…
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công thương đã chỉ đạo các DN đảm bảo nguồn cung những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như xăng dầu, lương thực thực phẩm. Hiện DN đã dự trữ lượng hàng tăng từ 10-25% so với cùng kỳ, trong đó tỉ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, kể từ sau đại dịch Covid-19, cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, thủ tục hành chính... Để giúp DN giải quyết những khó khăn này cần sự vào cuộc của các cấp các ngành, hỗ trợ DN nắm bắt thị trường, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
“Chúng ta phải tính đến lâu dài, đó là làm sao để chi phí sản xuất, lưu thông, kho bãi… phải giảm, lúc đó DN mới có thể giảm giá bán sản phẩm ở mức độ cao nhất, kích thích tiêu dùng của người dân”- ông Thịnh nói.