Gia đình truyền thống đang mất dần

,
Chia sẻ

Mô hình gia đình đang dần bị thu nhỏ và những giá trị gia đình truyền thống cũng đang có nguy cơ bị mất mát, suy giảm.

Quy mô gia đình thu nhỏ

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ- Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, mô hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu "tam đại đồng đường, ngũ đại đồng đường" cùng chung sống trong một ngôi nhà đang mất dần. Mô hình gia đình ít người đang thay thế, thường chỉ có hai thế hệ cha mẹ - con cái hay có thể đến thế hệ thứ ba, rất hiếm thấy gia đình có 4-5 thế hệ cùng chung sống. Không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn, mọi người cũng nhanh chóng tách hộ sớm để được hưởng quyền lợi của công dân và tạo khả năng để phát triển kinh tế.

Theo TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học, xu hướng hạt nhân hóa gia đình là xu hướng không cưỡng lại được, bởi gia đình hạt nhân có khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi của xã hội. Việc thu nhỏ quy mô gia đình là một sự tiến bộ của xã hội. Nó cho thấy sự bình đẳng giới, đời sống riêng tư của con người được coi trọng hơn, giảm bớt những mâu thuẫn và xung đột phát sinh từ việc chung sống trong gia đình nhiều thế hệ. Tuy vậy, quy mô gia đình thu nhỏ cũng gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi và phát triển nhân cách trẻ em. Sự thu nhỏ quy mô gia đình theo hướng con cái khi có gia đình riêng sống tách rời cha mẹ đã khiến người già có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh cô đơn và khó khăn về kinh tế. Cha mẹ không có thời gian hoặc rất ít thời gian để chăm sóc con cái.

TS xã hội học Nguyễn Đức Truyến (nguyên cán bộ Viện Xã hội học) cho rằng, gia đình Việt Nam đang bị ảnh hưởng quá nhiều của phong cách phương Tây. Gia đình ở thành thị ngày nay hầu như chỉ còn giữ được lớp vỏ hình thức truyền thống, phần tinh chất từ lâu đã biến dạng. Gia đình ở nông thôn ít biến động hơn nhưng cũng không còn nguyên vẹn. Gia đình Việt Nam cũng đang đối mặt trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao, sống chung không kết hôn, tình trạng trẻ em nghiện hút, tệ nạn mại dâm, tình dục đồng giới, ngoại tình và xu hướng đề cao tiền bạc trong quan hệ giữa người và người...
 
 
Suy giảm các chức năng của gia đình

TS Trịnh Hòa Bình cho biết, gia đình có 4 chức năng cơ bản: Chức năng tái sinh sản, kinh tế, giáo dục - xã hội hóa và chức năng tình cảm. Cùng với xu hướng hạt nhân hóa gia đình, các chức năng của gia đình Việt Nam đang dần suy giảm và mất đi giá trị cơ bản của nó. Chức năng suy giảm nhất là chức năng giáo dục, cha mẹ không c ó điều kiện chăm sóc con cái, mặc dù đầu tư cho con cái học hành nhưng lại đẩy mọi việc cho nhà trường. Tính tự chủ của mỗi thành viên trong gia đình ngày càng cao, họ có những độc lập về kinh tế nhất định nên làm cho chức năng kinh tế cũng suy giảm mạnh.Việc sinh ít con đã trở nên phổ biến trong các gia đình, cả ở nông thôn và thành thị. Điều này giúp phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia vào công việc xã hội, sống bình đẳng hơn với nam giới, có điều kiện học hỏi nâng cao trình độ, trẻ em được chăm sóc tốt hơn.

TS Nguyễn Đức Truyến cho rằng, sự phát triển của xã hội đã tác động mạnh vào gia đình. Quan hệ truyền thống cùng những giá trị gia đình như quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái, sự hiếu nghĩa, thuỷ chung cũng đang có những thay đổi mạnh. Trước đây, do bị chi phối bởi tư tưởng nho giáo, chữ hiếu trong gia đình được thể hiện là con phải thành kính đối với cha mẹ, chăm sóc cha mẹ hay cả hôn nhân cũng phải do cha mẹ sắp đặt... Nhưng giờ đây, điều này đã có sự thay đổi. Do tốc độ của đời sống đô thị hóa, mọi thành viên trong gia đình đều có mối quan tâm riêng của mình, con cái ít có thời gian chăm sóc bố mẹ, bữa cơm thân mật gia đình cũng ít đi.

TS Đức Truyến cũng nhấn mạnh, mối quan hệ trong gia đình hiện nay đã mang tính chất tự do, dân chủ và bình đẳng. Tính cá nhân độc lập cao đang đe dọa quan hệ gia đình không còn bền chặt.
 

“Gia đình Việt Nam chịu tác động nhiều chiều của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa, nhưng hiện tại, vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người”.

TS Nguyễn Đức Truyến

Theo GĐ&XH

Chia sẻ