Gia đình hiện đại: Ai làm chủ?
Việc ai làm chủ gia đình, phản ánh cán cân quyền lực giữa nam và nữ giới. Việt Nam trong những năm qua, cán cân này đã có sự thay đổi theo hướng bình đẳng hơn giữa chồng và vợ.
Kết quả của tổng Cục thống kê năm 2006 cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ chủ hộ là nam chiếm 73,34%, nữ chiếm 25,66%. Tỷ lệ chủ hộ là nữ ở thành thị có xu hướng tăng lên với 39,02%, so với chủ hộ là nữ ở nông thôn là 21,16%.
Đặc quyền của đàn ông
Mô hình gia đình với người đàn ông làm chủ là mô hình truyền thống ở Á Đông. Tuy nhiên, nó cũng phần nào phản ánh vai trò thực tế của người đàn ông trong cuộc sống gia đình hiện tại. Trong đa số trường hợp, người phụ nữ thường tự nguyện lùi xuống nhường vai trò chủ gia đình để chồng mình chiếm vị trí độc tôn.
Chị M, TP. Hồ Chí Minh, khi được hỏi đã lý giải: “Anh ấy làm chủ gia đình thì anh ấy quyết định các công việc.” Ở Đắc Lắc, một nữ công chức cho rằng: “Mình dù giỏi đến đâu thì vẫn dưới sự lãnh đạo của chồng. Mặc dù chồng có điều gì chưa đúng thì mình góp ý bàn với chồng và thuyết phục được. Chồng vẫn là người quyết định những việc chính trong gia đình.”
![]() |
Thay đổi cán cân quyền lực
Ở nhiều nơi, người ta nhận ra rằng phụ nữ cũng có thể làm chủ gia đình, thậm chí còn có thể làm chủ một cách tốt hơn nam giới. Tại Trà Vinh, khi được hỏi, cán bộ dân số ở đây cho biết có tới 40 – 50% phụ nữ dân tộc Khơ me ở đây làm chủ gia đình. Lý giải hiện tượng này một nữ nông dân cho biết: “Trước đây, người phụ nữ chỉ ở trong nhà nên họ không có cơ hội thể hiện những khả năng này. Ngày nay họ có điều kiện mở mang tầm mắt, học hỏi được nhiều hơn, vì vậy họ hoàn toàn có thể đóng vai trò làm chủ gia đình.”
TS Nguyễn Hữu Minh cho rằng: “Trong hoàn cảnh mới việc ai làm chủ gia đình không còn phụ thuộc nhiều vào giới tính, mà ở chỗ ai có khả năng đưa ra được quyết định đúng đắn trong phương thức làm ăn, đem lại lợi ích tối đa cho gia đình.” Nhiều người đồng ý rằng, phụ nữ làm chủ gia đình có nhiều lợi ích hơn vì họ có khả năng tính toán tốt hơn, thực tế hơn trong các vấn đề liên quan đến kinh tế.
Bên cạnh đó, những cách giải quyết công việc mang đậm “chất” tình cảm cũng giúp cho các vấn đề của gia đình được xử lý dễ dàng hơn. Một nữ cán bộ phường sống ở Hải Phòng cho biết: “Nếu chúng tôi làm chủ gia đình, tôi tin rằng kinh tế gia đình sẽ đi lên. Chúng tôi là những người cơm áo gạo tiền, thu chi rất cặn kẽ. Vợ như tủ sắt trong tường. Quản lý kinh tế cũng như vấn đề nuôi dạy con đều cần sự tế nhị. Đàn ông thường thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chúng tôi nhẹ nhàng, tình cảm, có kết quả lắm…”
Một mô hình mới là cả hai vợ chồng cùng làm chủ gia đình. Mọi vấn đề trong gia đình đều được đưa ra bàn bạc và tùy từng vấn đề mà người quyết định cuối cùng có thể là chồng hoặc vợ. Cơ sở cho sự hình thành mô hình này là sự tương đồng về trình độ nhận thức của cả hai vợ chồng.
Có ý kiến: “Trình độ nhận thức nó gần gần nhau, quyền làm chủ trong gia đình không thuộc về một người nào đâu. Có khi cả hai vợ chồng cùng phải thuận mới được. Chỉ trừ những ông chồng vũ phu, còn những ông chồng hiểu biết bao giờ cũng tôn trọng ý kiến vợ.” Và chính những người đàn ông cũng “chán” cảnh phải làm chủ một mình phải quyết định một mình để rồi gánh trách nhiệm một mình.
Một người đàn ông ở Trà Vinh “thổ lộ”: “Coi như là vợ chồng đồng ý với nhau là chuyện không có chi mà thất bại. Nếu thất bại thì không đổ thừa ai được. Có bàn bạc thì vợ chồng cùng chịu, mà khi hai vợ chồng cùng bàn bạc thì cái ý nó phải sáng hơn rồi.”