Gia đình 4 thành viên ở Hà Nội nhưng Tết nào cũng nhẹ nhàng vì chỉ chi đúng 5 triệu cho khoản ăn uống

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Chỉ cần không quá cầu kỳ vấn đề ăn uống thì chi tiêu Tết cũng chẳng có gì quá đau đầu.

Tết Nguyên Đán không chỉ là thời gian để gia đình sum vầy, mừng tuổi nhau, mà còn là dịp để thể hiện lòng hiếu khách và sự phong phú của văn hóa cũng như truyền thống người Việt. 

Tuy nhiên, việc chi tiêu không cân đối có thể dẫn đến tình trạng tài chính bất ổn sau Tết, vì vậy, việc lập kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý và tiết kiệm là điều cần thiết. Khi chúng ta kiểm soát được ngân sách của mình, chúng ta có thể thưởng thức dịp lễ hội mà không lo lắng về gánh nặng tài chính sau này, đồng thời cũng giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị của sự tiết kiệm và sự quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân.

Việc chi tiêu cho dịp Tết thường là mối lo ngại lớn đối với nhiều gia đình. Áp lực mua sắm, sửa sang nhà cửa, mua quà biếu và chi phí cho các hoạt động truyền thống có thể tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể. 

Để giảm bớt gánh nặng này, quan trọng là mọi người cần lập kế hoạch ngân sách cẩn thận và xác định những khoản chi tiêu thiết yếu. Ngoài ra, việc thay đổi nhận thức về việc chi tiêu một cách cần thiết, không theo phong trào hay đua đòi, cũng rất quan trọng để đảm bảo rằng việc chi tiêu không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính sau Tết.

Gia đình của Kim Anh ở Hà Nội có 2 vợ chồng và 2 con gái nhỏ. Điều đặc biệt ở gia đình cô đó là suốt nhiều năm nay kể từ ngày lấy chồng và sinh con, cô chưa bao giờ phải đau đầu vì chi tiêu Tết. Với gia đình nhỏ này, Tết luôn là những ngày vô cùng vui vẻ mà chẳng hề vướng bận gì chuyện kinh tế.

Gia đình 4 thành viên ở Hà Nội nhưng Tết nào cũng nhẹ nhàng vì chỉ chi đúng 5 triệu cho khoản ăn uống - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Kim Anh, cô chẳng có bí quyết gì quá đặc biệt, nếu có chỉ là cô không đặt nặng vấn đề ăn uống trong những ngày Tết mà thôi.

"Ở cơ quan mình thấy các chị cứ đến Tết là sốt sình sịch lên vì đủ thứ phải chi. Có chị cùng phòng mình còn chi gần trăm triệu mỗi lần Tết về. Mình thấy chi tiêu nhiều quá thành ra các chị ấy bị áp lực, Tết đến nhìn đâu cũng thấy tốn kém, chẳng vui nổi nữa. Tất nhiên, nhà người ta phải khá giả thì mới chi được nhiều thế chứ không có thì lấy đâu ra mà tiêu, thế nhưng tiền công sức lao động làm ra thì kiểu gì chẳng xót" - Kim Anh chia sẻ.

Kim Anh cho biết, thường Tết sẽ được nghỉ khoảng 7 ngày. Cô sẽ chuẩn bị thực phẩm cho đúng 7 ngày ấy. Thực phẩm sẽ ưu tiên những đồ phù hợp để cúng, cúng xong sẽ hạ xuống thụ lộc luôn. Tức là phải cân đối làm sao những đồ đó vẫn làm được mâm cúng chỉn chu nhưng lại phù hợp với thói quen ăn uống của gia đình mình, tránh việc cúng xong không ai thụ lộc, vừa "phải tội" vừa phí phạm.

Tổng số tiền Kim Anh để ra để mua thực phẩm cho Tết sẽ là 5 triệu đồng và chia ra làm 3 khoản chính là đồ mặn, đồ ăn vặt và đồ uống.

1. Đồ mặn: 3,5 triệu đồng

- 2 con gà: 500.000 đồng

- 3 kg thịt lợn: 300.000 đồng

- 2 kg thịt bò: 500.000 đồng

- Giò: 300.000 đồng

- Bánh chưng: 200.000 đồng

- Đồ nhúng lẩu: 400.000 đồng

- Đồ khô (măng, nấm, miến, bóng bì...): 200.000 đồng

- Rau củ: 300.000 đồng

- Đồ gia vị: 150.000 đồng

- Phát sinh: 500.000 đồng

2. Đồ ăn vặt: 1 triệu đồng

Gia đình 4 thành viên ở Hà Nội nhưng Tết nào cũng nhẹ nhàng vì chỉ chi đúng 5 triệu cho khoản ăn uống - Ảnh 2.

Khoản này sẽ để mua đồ bày tiếp khách như hướng dương, bánh kẹo, ô mai... Để tiết kiệm khoản này nhưng vẫn đầy đủ thì Kim Anh sẽ không mua thịt bò khô mà thay vào đó là thịt heo khô, gà khô lá chanh. Cô chủ yếu mua ô mai, hướng dương hoặc hạt bí để tiếp khách. Bánh cô sẽ mua nguyên liệu về để làm các loại bánh hạt, bánh quy bơ đơn giản, vừa đảm bảo vừa hiếu khách.

3. Đồ uống: 500.000 đồng

Đồ uống cô chỉ mua một ít bia rượu và chủ yếu là trà, cafe để tiện tiếp khách. Như mọi năm, khi nấu cơm cúng cô sẽ tranh thủ nấu 1 nồi trà sữa và ủ sẵn cafe để uống và tiếp khách cả ngày.

Ngay kể cả với mâm cúng, cô cũng không quá cầu kỳ. Nem sẽ được cô gói sẵn từ trước Tết và mỗi mâm cúng chỉ mang ra vừa đủ chứ không bày biện quá ê hề. 

Kim Anh thấy rằng việc không quá nặng nề ăn uống ngày Tết không những tiết kiệm được tiền bạc mà còn tiết kiệm được cả công sức và thời gian. Với gia đình cô, Tết là dịp để nghỉ ngơi và dành cho gia đình, không nên vì chuyện chi tiêu mà khiến cho ngày Tết giảm bớt đi niềm vui.

Chia sẻ