Gia đình 4 người, gồm 2 con nhỏ về quê ăn Tết bằng xe máy được không?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Đi xe máy, ô tô về quê ăn Tết như thế nào để không bị phạt?

Những ngày qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, người dân bắt đầu về quê đón Tết Ất Tỵ 2025, tại các bến xe, nhà ga, sân bay bắt đầu đông khách. Bên cạnh việc lựa chọn các phương tiện như xe khách, máy bay để di chuyển, nhiều người dân cũng lựa chọn phương án về quê bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô. Điều này có thể giúp người dân chủ động hơn trong việc di chuyển nhưng cũng không ít người băn khoăn, lo ngại về vấn đề an toàn cũng như có thể bị xử phạt vi giao thông.

Vậy, đi xe máy, ô tô về quê ăn Tết như thế nào để không bị xử phạt?

Gia đình 4 người có 2 con nhỏ về quê ăn Tết bằng xe máy được không?

Những ngày giáp Tết, không khó để bắt gặp hình ảnh cả gia đình 3, 4 người cùng va li hành lý chen chúc trên xe máy. Đặc biệt nhiều trường hợp có mang theo con nhỏ cùng hành lý cồng kềnh. 

Như trường hợp của chị L.A., (Bắc Giang), gia đình chị hiện có 4 người, 2 con của chị hiện 4 tuổi và 6 tuổi. Tết năm nay vì nhiều lý do, gia đình chị có ý định về quê ăn Tết bằng xe máy nhưng chị khá băn khoăn liệu trường hợp gia đình chị có vi phạm quy định về chở số người ngồi trên xe máy hay không?

Gia đình 4 người, gồm 2 con nhỏ về quê ăn Tết bằng xe máy được không?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo khoản 1 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

- Chở người bệnh đi cấp cứu;

- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

- Trẻ em dưới 12 tuổi;

- Người già yếu hoặc người khuyết tật.

Ngoài ra, theo điểm h khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước.

Như vậy, trẻ em dưới 6 tuổi được ngồi phía trước khi đi xe máy.

Có thể thấy, quy định trên cũng đã nêu rõ kể cả trường hợp ngoại lệ thì người điều khiển xe máy cũng chỉ được chở theo tối đa là 2 người.

Trường hợp gia đình 4 người có 2 con nhỏ sử dụng xe gắn máy làm phương tiện về quê là không được phép, kể cả là trường hợp 2 con nhỏ đều dưới 12 tuổi.

Gia đình 4 người, gồm 2 con nhỏ về quê ăn Tết bằng xe máy được không?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Mang, vác vật cồng kềnh;...

Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét.

Chở vali trên nóc ô tô được không?

Bên cạnh xe máy nhiều người dân cũng lựa chọn ô tô cá nhân để về quê. Tuy hạn chế được về việc chở số người quá quy định, nhưng vì cốp sau hết chỗ, nhiều người lựa chọn phương án chất hành lý, đồ đạc lên nóc ô tô khi cả gia đình về quê ăn Tết mà không biết rằng làm như vậy có thể bị phạt.

Gia đình 4 người, gồm 2 con nhỏ về quê ăn Tết bằng xe máy được không?- Ảnh 3.

Nhiều tài xế chở hoa đào trên nóc ô tô những ngày cận Tết. Ảnh minh họa.

Điều 17 Thông tư 39/2024/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1, quy định về chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:

- Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

- Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không lớn hơn 20m.

- Ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.

Như vậy, việc chở đồ cồng kềnh trên nóc ô tô chở người là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt.

Về việc xử phạt, Điều 34 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt khổ giới hạn của xe hoặc của đường bộ ghi trong giấy phép lưu hành; chở hàng vượt quá kích thước giới hạn xếp hàng hóa của xe tham gia giao thông; hoặc điều khiển xe có kích thước bao ngoài vượt quá kích thước giới hạn cho phép của xe theo quy định (trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng).

Chia sẻ