'Giá cô dâu trên trời', một thành phố ở Trung Quốc đưa ra giải pháp giúp các nam thanh niên 'hết ế'
Quý Khê, một thành phố có khoảng 64.000 dân ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, đang sử dụng dữ liệu dân cư để mai mối hôn nhân.
Nỗ lực này diễn ra khi các quan chức cố gắng loại bỏ các hủ tục lạc hậu như "thách cưới với giá trên trời" - việc chú rể phải đưa số tiền rất lớn cho gia đình cô dâu trước khi kết hôn là một áp lực không nhỏ.
Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), đối với một bộ phận thanh niên nông thôn Trung Quốc, việc tìm kiếm đối tác hoàn hảo trong hôn nhân có thể nói là không hề đơn giản. Và giờ đây, một thành phố ở miền đông nước này đang giúp đỡ người dân bằng cách ra mắt dịch vụ mai mối của riêng mình.
Tại sao phải tung ra ứng dụng hẹn hò riêng?
Theo tờ The Guardian (Anh), ứng dụng hẹn hò có tên Palm Guixi đi kèm với chức năng sắp xếp lịch hẹn.
Ứng dụng này được tạo ra như một phần của sáng kiến ở tỉnh Giang Tây nhằm tăng tỷ lệ kết hôn – vốn đã giảm xuống trong một thập kỷ qua. Tỉnh này vào năm 2021 chỉ ghi nhận 5,4 cuộc hôn nhân trên 1.000 người so với 6 trên 1.000 người ở Mỹ.
Theo trang Dao Insights (Trung Quốc), năm 2022, số lượng các cuộc hôn nhân trên khắp Trung Quốc đã giảm xuống còn 11,6 triệu, thấp hơn 700.000 cuộc so với năm 2021, trong khi mức cao nhất năm 2013 là 23,9 triệu.
Xu hướng này diễn ra khi chính quyền Trung Quốc tìm cách loại bỏ các hủ tục lạc hậu như "thách cưới với giá trên trời" - việc chú rể phải đưa số tiền rất lớn cho gia đình cô dâu trước khi kết hôn là một áp lực không nhỏ.
Phong tục này mặc dù bị cấm, nhưng vẫn phổ biến ở các vùng nông thôn. Một quan chức địa phương tại Trung Quốc nói với phóng viên hãng tin Bloomberg (Mỹ) rằng, những người chồng tương lai phải đưa số tiền lên tới 43.000 USD (hơn 1 tỷ VNĐ) cho gia đình nhà gái.
Theo tờ The Guardian, tỉnh Giang Tây đứng đầu bảng xếp hạng toàn Trung Quốc về "giá cô dâu" năm 2022.
Ứng dụng hẹn hò đã được thành phố Quý Khê tung ra sau khi tiến hành khảo sát trực tuyến, cũng như từ việc chính quyền trung ương Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ sinh.
Theo Arab News, tỷ lệ sinh của Trung Quốc vào năm 2022 đã giảm xuống mức thấp mới là 6,77 ca sinh trên 1.000 người. Dân số Trung Quốc cũng giảm lần đầu tiên sau 60 năm.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà chức trách ở Trung Quốc thực hiện một nỗ lực như vậy.
Theo Arab News, thành phố Luân Châu ở tỉnh Hà Bắc đã triển khai một kế hoạch tương tự cách đây vài năm nhằm ghép đôi những nam giới và nữ giới độc thân.
Và Trung Quốc cũng không đơn độc trong việc thử sức với các dịch vụ hẹn hò giống như Tinder.
Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản đã áp dụng hình thức mai mối do nhà nước tài trợ, mặc dù không đạt được nhiều thành công. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang phải vật lộn với tình trạng già hóa dân số gây áp lực cho xã hội.
Theo Arab News, vào năm 2021, Iran cũng đã ra mắt một ứng dụng hẹn hò do nhà nước điều hành mang tên Hamdam. Ứng dụng này có thể giúp những người độc thân tìm được đối tác phù hợp cho một "cuộc hôn nhân bền vững".
Theo The New York Times, các ứng dụng hẹn hò vẫn đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Số lượng ứng dụng hẹn hò có hơn 1.000 lượt tải xuống đã chạm mốc 275 trong năm nay, tăng so với số lượng chỉ 81 ứng dụng vào năm 2017.
Raphael Zhao - sinh viên tốt nghiệp đại học 25 tuổi đến từ Bắc Kinh - nói với phóng viên The New York Times rằng: "Thật không dễ để gặp gỡ người khác. Do nhóm đối tượng trên các nền tảng [hẹn hò] này rất lớn nên nó tạo kỳ vọng cho bạn rằng bản thân sẽ gặp được người mà bạn thích".
Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí học thuật của Đại học Phụ nữ Sơn Đông dựa trên việc phân tích dữ liệu khảo sát mẫu tại 11 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc năm 2018, sự phát triển của đô thị hóa đã ảnh hưởng sâu sắc đến tập quán hôn nhân hiện nay ở các vùng nông thôn Trung Quốc, cơ cấu và hạn mức về chi phí cho đám cưới của nam giới ở nông thôn Trung Quốc đã có những biểu hiện mới.
Nghiên cứu cho thấy, năm 2018, tổng chi phí cho đám cưới trung bình của nam giới nông thôn ở 11 tỉnh cao gấp 16 lần so với thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn ở Trung Quốc; nam giới là đối tượng phải chịu chi phí chính cho đám cưới, và gấp khoảng 3 lần so với chi phí mà nữ giới phải bỏ ra.