Giá cau tươi liên tục tăng: 1 tấn cau bằng cả lượng vàng, người trồng cau lãi lớn, thừa nhận là "chuyện xưa nay hiếm"

Lam Anh (TH),
Chia sẻ

Hiện tại, giá cau tươi có lúc lên đến 100.000 đồng/kg.

Lần sốt giá cau tươi gần nhất là vào tháng 9/2021, lên tới 70.000 đồng/kg. So với bình thường, giá cau tươi chỉ phổ biến ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg, sự chênh lệch gấp nhiều lần này được xem là mức kỉ lục khi cau đang ở giữa vụ so với cùng thời điểm những năm trước do bùng nổ nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí có những ngày, giá cau thay đổi trong vài giờ, từ sáng đến chiều đã tăng 5.000 đồng/kg.

Giá cau tươi tiếp nối đà tăng của cà phê, chạm mốc 100.000 đồng/kg

Giá cau tươi liên tục vụt tăng, 1 tấn cau tươi bằng cả lượng vàng, người trồng cau lãi lớn, thừa nhận là "chuyện xưa nay hiếm có" - Ảnh 1.

Người trồng cau thu lãi lớn do giá cau tươi tăng cao. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, hiện tại giá cau tươi tại các địa phương như Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang... dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, trong khi tại miền Bắc như Bắc Ninh có thể lên đến 90.000 đồng/kg do nguồn cung hạn chế. Theo đó, một quầy cau nặng trung bình 13 - 15kg, giúp nhà vườn thu về tiền triệu. Mức giá hiện tại cao gấp 2 - 3 lần so với các năm trước.

Những ngày qua, bà Lê Thị Liên (trú tại Đắk Lắk) rất vui vì giá cau tươi tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng.

"Tôi chưa từng nghĩ có ngày giá cau tăng cao như thế này. Chỉ một buồng cau khoảng 10kg bán đi cũng thu về cả triệu đồng, trong khi có thời điểm giá cau chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg còn không có ai mua", bà Liên hồ hởi trả lời.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới giữa mùa nhưng thu nhập của gia đình bà Liên đã tăng đáng kể từ vườn cau. Song, bà cho biết, vì không chắc chắn liệu giá cau tươi có duy trì ổn định ở mức này một thời gian dài hay không nên nhà bà vẫn dè dặt trước dự định trồng thêm cau.

Không dừng lại ở Tây Nguyên, giá cau tươi tại nhiều tỉnh miền Trung cũng liên tục tăng mạnh. Điều này khiến nhiều người trồng cau phải thừa nhận đây là chuyện hiếm có, xưa nay chưa từng xảy ra.

Vì sao giá cau tươi tăng mạnh như vậy?

Theo nguồn tin từ báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đã tìm hiểu và cho biết lý do giá cau tươi tăng mạnh là do một số đầu mối tiêu thụ tại Trung Quốc đang tăng cường mua cau từ Việt Nam khi các nguồn cung khác như Thái Lan, Philippines và nguồn cung nội địa là đảo Hải Nam bị hụt.

Giá cau tươi liên tục vụt tăng, 1 tấn cau tươi bằng cả lượng vàng, người trồng cau lãi lớn, thừa nhận là "chuyện xưa nay hiếm có" - Ảnh 2.

Sản phẩm cau sau khi sơ chế chuẩn bị xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

"Hơn nữa, loại cây này chỉ được trồng xen hoặc trồng bờ rào nên sản lượng không lớn và rải rác nhiều nơi nên hàng không có nhiều. Chỉ một số địa phương tại Việt Nam có trồng cau như: Tây Nguyên, ĐBSCL, miền Trung,... Hơn nữa, bây giờ đang là cuối vụ nên giá cau bị đẩy lên cao" – ông Mười giải thích.

Đồng thời, trả lời báo Sức khỏe và đời sống, ông Mười cũng khuyến cáo, quả cau có thị trường hẹp. Ví dụ, thị trường trong nước giờ hầu như không còn người ăn trầu cau, chỉ dùng vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi. Do đó, giá cao cũng thất thường. Không nên vì giá cau cao như hiện nay mà nông dân phát triển vùng trồng chuyên canh bởi đầu ra rất hẹp. Tuy nhiên, việc trồng cau bờ rào để tạo cảnh quan và tăng thu nhập thì nên khuyến khích vì cây cau có tính thẩm mĩ và không ảnh hưởng đến các cây trồng khác.

Đồng quan điểm với ông Mười, ThS. Nguyễn Văn Khải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cây cau không phải là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước nên hiện gần như không có vùng trồng cố định. Do thị trường không ổn định nên việc tập trung đầu tư trồng loại cây này ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nếu không xuất khẩu được thì chỉ có cách bỏ đi, do vậy người dân nên trồng xen canh với một số cây trồng khác dưới tán cau như ổi, sả, dứa... để không bị đứt quãng thu nhập khi cau rớt giá. Cây cau có tán khá cao nên ít ảnh hưởng đến những loại cây ăn trái khác.

Diện tích cau tăng nhanh là không phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, nhất là những cây đã đạt chứng nhận OCOP. Các địa phương nên kiểm soát chặt diện tích cây cau trên quan điểm không khuyến khích người dân phá bỏ cũng như trồng mới cây cau một cách ồ ạt.

Xuất khẩu cau tăng 120 lần

Theo báo cáo tổng hợp của VINAFRUIT, trong tháng 8, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng hơn 120 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%.

Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua, xếp trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm.

Chia sẻ