Ghen với những thứ vô hình
Một lần dọn nhà, Huyền shock khi bắt gặp ảnh và chiếc khăn của vợ cũ mà chồng cô âm thầm cất giữ.
Rồi hàng ngày, Huyền đều phải nhắn tin tâm sự với bạn cho vơi ấm ức. Cô biết, cơn ghen của mình là vô lý vì vợ cũ của chồng đã qua đời do một căn bệnh. Trước khi kết hôn, Huyền cũng biết họ từng sống rất hạnh phúc. Huyền chấp nhận hoàn toàn quá khứ và tự tin vào bản thân mình. Thế nhưng, khi biết chồng vẫn có “góc khuất” dành cho người xưa thì cô thấy khó chịu. Nhiều lúc, Huyền định lén vứt bỏ kỷ vật của chồng nhưng cô lại thôi.
Còn Thư (26 tuổi, nhân viên văn phòng) luôn tức tối vì ghen với… mẹ chồng. Thư bảo, dẫu biết hai thứ tình cảm là khác nhau, không thể đem so sánh nhưng cô không khỏi chạnh khi dù đã ở riêng, chồng cô vẫn tranh thủ về ngủ với bố mẹ, bỏ vợ một mình. Bảy ngày trong tuần thì có khi, hơn một nửa thời gian, Dũng (chồng Thư) về nhà bố mẹ. Anh luôn bảo thương mẹ vất vả cả đời nên cố tìm mua đồ ngon, vật lạ cho mẹ.
Những chuyện ở cơ quan, anh cũng thủ thỉ với mẹ. Có những bữa bố chồng về quê, cả nhà ăn cơm, Thư thấy chồng và mẹ chồng liên tục gắp thức ăn cho nhau, kể chuyện rôm rả thì lại buồn. Thư kể: “Cứ như mình là người thừa. Bảo chồng về nhà, trông nhà không sợ người giúp việc ‘chôm chỉa’ nhưng chồng chẳng về. Tôi lại phải về một mình”. Thư thấy xa cách với chồng. Cô không tránh khỏi cảm giác lạc lõng, cũng không bắt nhịp vào câu chuyện của chồng và mẹ chồng nên càng buồn. Thậm chí, Thư còn muốn tách ra khỏi mẹ chồng và chồng vì điều đó khiến cô dễ chịu hơn.
Đừng để cơn ghen ‘vô hình’ cản trở hạnh phúc
Khi yêu, tâm lý muốn được sở hữu luôn tồn tại. Ai cũng muốn cô ấy (anh ấy) là của riêng mình, chỉ quan tâm đến mình. Thế nên mới có chuyện, chồng ghen với con vì vợ mải chăm con; vợ ghen với cái máy vi tính vì chồng mê mệt nó quá… Nếu người bạn đời thiếu quan tâm hay thờ ơ quá mức thì rạn nứt có thể xuất hiện.
Đúng là không ai ly hôn vì “vợ tôi yêu con quá” hay “chồng tôi yêu mẹ chồng quá”. Cái gốc rễ vấn đề không nằm ở chỗ “kẻ thứ ba” kia mà nó nằm ở cảm giác hụt hẫng vì không được vợ (chồng) quan tâm và yêu thương. Những điều nhỏ nhặt, bị dồn nén lâu ngày, không chia sẻ được sẽ dẫn tới ức chế. Sự chịu đựng luôn có giới hạn. Vượt quá ngưỡng đó thì nảy sinh buồn chán, cảm thấy mình không được yêu thương… cũng là điều bình thường.