Ghen có chiến lược

,
Chia sẻ

Có nhiều kiểu ghen, từ ghen ngầm đến ghen "tưng trời mây"; ghen với chiến thuật coi như địch thủ không tồn tại dù có đứng trước mặt, đến thượng cẳng tay hạ cẳng chân cho u đầu, sứt trán.

Có yêu mới có ghen! Vì vậy, ghen còn được nhiều người dùng như "thuốc thử" để xem người ấy có yêu mình không. Khi yêu, ghen trở thành "gia vị” giúp cho những người đang yêu gần nhau hơn. Nhưng, khi đã thuộc về nhau, ghen lại thay hình đổi dạng!

Ghen là tự hại mình

Có nhiều kiểu ghen, từ ghen ngầm đến ghen "tưng trời mây"; từ ghen với chiến thuật coi như địch thủ không tồn tại dù có đứng trước mặt, đến thượng cẳng tay hạ cẳng chân cho u đầu, sứt trán. Lại có người "ghen chay", nghĩa là ghen không cần đối tượng cụ thể, mà các cụ xưa gọi tên là ghen bóng, ghen gió. Tuy nhiên, dù ghen kiểu nào chăng nữa thì ghen vẫn là tác nhân hủy hoại dung nhan của chính người ghen! Bởi khi ghen, toàn cơ thể được "kích hoạt" để "chiến đấu" bảo vệ tình yêu. Lúc này, đương sự sẽ thấy tim đập nhanh, mạch máu như nghẽn lại (rõ nhất là cảm giác ngộp thở, run bần bật khi thấy chồng tay trong tay với bồ nhí). Nếu tình trạng này xuất hiện một thời gian dài, cơ thể sẽ suy kiệt vì luôn ở trong tình trạng căng thẳng.

Ngoài ra, đương sự còn luôn mệt mỏi do không ngủ được vì mãi tưởng tượng ra các kiểu không chung thủy, tinh thần sa sút thấy rõ. Bác sĩ Trần Duy Tâm - BV Tâm Thần TP.HCM xác định: "Ghen tuông là xúc cảm tiêu cực, là một trong những yếu tố gây stress. Trường hợp nhẹ biểu hiện ra ngoài là những lo âu, căng thẳng, xuống tinh thần và nếu ghen trong thời gian dài sẽ bị căng thẳng thường xuyên không kiểm soát, dẫn đến rối loạn trầm cảm".

Khi ghen, đương sự không đói, không muốn ăn, thậm chí đau bụng hoặc muốn ói. Do toàn bộ tâm trí đã ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề nên quên mất nhu cầu sinh lý... "tầm thường". Không đói, ăn không ngon, nhưng cơ thể vẫn cần năng lượng nên tự động đốt cháy năng lượng dự trữ, khiến cơ thể mau mệt. Tuy nhiên, lúc này mà ăn cũng không ổn, vì toàn bộ dinh dưỡng đều đang tập trung cho "anh hai" não bộ để lo bày mưu tính chước, hệ tiêu hóa chỉ làm việc qua loa. Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM giải thích: "Khi ghen, cơ thể tăng hoạt động nhưng lại giảm ăn uống, vì vậy, tác hại đầu tiên là viêm loét dạ dày tá tràng, đau bao tử...".

Sao lại phải ghen?

Những người đã ghen, đang ghen luôn tự báo động liên tục, cảnh giác với mọi biểu hiện của đối tượng nên vô cùng căng thẳng, không thể tập trung được vào công việc, vào gia đình... Tiếp theo, có thể là những trận đánh ghen mà hậu quả để lại có khi không lường hết. Tuy nhiên, cuối cùng điều đương sự đạt được không phải là khúc khải hoàn mà là nỗi héo hon vì... mất chồng! Ghen như thế chỉ đánh mất sự tôn trọng mà người ấy đã từng dành cho đương sự mà thôi. Khi tôn trọng không còn, chia tay là tất yếu. Vì vậy, càng làm dữ, càng nhe nanh múa vuốt thì càng không kiểm soát được hành vi, càng làm cho người bạn đời thấy sợ.

Ngược lại, nếu nhu nhược khóc lóc, năn nỉ cũng khó khiến "lãng tử hồi đầu". Ghen cũng mất, không ghen cũng mất, cương không ổn mà nhu cũng không xong. Vậy phải làm sao? Theo bác sĩ Yến Phi, ghen làm sao để cho mình đẹp nhất, có sức khỏe nhất mới là ghen hiệu quả mà cách tốt nhất là chọn những suy nghĩ tích cực.

Ghen tuông là một nghệ thuật và cần có chiến lược hẳn hoi. Muốn thành công, hãy yêu bản thân mình trước bằng cách: tự tin, không ngừng học hỏi, giữ gìn vóc dáng, cư xử lịch thiệp để "anh xã” hãnh diện mỗi lần xuất hiện cùng vợ, để anh biết rằng mình đang nắm giữ một báu vật không thể thay thế. Hãy "quên" những hành vi không đúng đắn như kiểm soát ví, hộp thư, điện thoại của chồng... Cách để quên: đặt mình vào tình huống của "anh xã” rồi tự hỏi "cảm xúc của mình sẽ ra sao khi anh ấy soát ví, kiểm tra điện thoại của mình? Những gì mình không muốn thì đừng áp dụng với bạn đời của mình. Một bác sĩ xinh đẹp mà tôi quen, đã tự nhận xét về cách ghen của mình: "Tôi ghen bằng tất cả phụ nữ cộng lại, nhưng chồng tôi không hề biết bởi vì anh ấy sợ mất tôi".
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ