Ghé chợ điện tử đêm vỉa hè trên phố thủ đô

Hoàng Đan - Đình Hậu - Nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Mới hơn 19 giờ tối nhưng các chợ điện tử cũ trên vỉa hè đoạn ngã tư Đê La Thành – Láng Hạ (Đống Đa); Đoàn Trần Nghiệp – Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng) đã bắt đầu nhộn nhịp.

Nhộn nhịp "chợ Trời" đêm vỉa hè

Trời nhập nhoạng tối, khi ánh đèn trong các trung tâm thương mại bắt đầu được bật sáng, cũng là lúc những xe hàng lỉnh kỉnh đủ các loại mặt hàng từ đâu đổ về các đoạn ngã tư này. Trên những tấm ni – lông được trải dưới vỉa hè đủ loại mặt hàng từ “thượng vàng hạ cám” đều được chủ hàng bày ra. Từ vài vỏ chai rượu ngoại, ví, thắt lưng, đèn pin, điều khiển điện tử, tai nghe, sạc, pin điện thoại… đến những chiếc điện thoại cũ, pin laptop, linh kiện máy vi tính, nước hoa… đều được la liệt trên vỉa hè.

Vừa đến đoạn đầu ngã tư Đê La Thành – Láng Hạ, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước cảnh đông đúc mua – bán, giao thông liên tục ùn ứ tại chợ đồ cũ đêm này.


Chợ đông đúc đã làm ùn ứ giao thông cả một đoạn phố Đê La Thành.

Tấm ni - long hàng của chị Minh, được coi là đông đúc người xem, mua nhất trong số gần chục người bán ở đây bới lượng hàng phong phú và chủ hàng luôn dọn hàng ra bán từ rất sớm. Tất cả mọi người đều chúi xuống ngắm nghía, lật lên lật xuống những món đồ mà mình muốn mua. Nào từ những chiếc đèn pin, cục pin, tai nghe, đến những chiếc điện thoại di động cũ thuộc hàng “độc” của siemens, nokia… hay những chiếc đĩa nhạc than, đài cũ từ thời Liên Xô có cái “sống” cái không đều được những người khách xăm xoi rất kỹ.

“Cái sống thì về dùng, cái chết thì về lấy những phụ kiện bên trong mà còn dùng được để thay. Mấy cái đồ cũ mua ở chợ Trời đêm này về để sửa dùng lại còn rẻ chán so mua cái mới”, anh Việt, một thợ sửa điện tử tại Thanh Xuân bảo.

Cầm chiếc tai nghe mà người chủ hàng nói là hàng Sony Ericsson “xịn” chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về giá mà người chủ hàng nói thách “15.000 đồng em”.
Sau một hồi thử, thương thảo. giá của chiếc tai nghe chỉ còn 8.000 đồng. Những cục pin, sạc điện thoại ở đây cũng chỉ ở cái giá từ 5.000 – 10.000 đồng. Hơn một chút là những chiếc switch mạng, modern, TV box … cũng chỉ có giá 50.000 – 70.000 đồng. Đắt hơn, là những chiếc điện thoại cũ “độc” hay CPU vi tính cũ nhưng cũng chỉ có giá trên dưới 200.000 đồng.

Các mặt hàng tại các chợ này có đủ từ "thượng vàng hạ cám".

“Có 50.000 đồng mà được 5 quả pin, sạc, tai nghe, mà về sống được đến 2/3, đúng là quá là rẻ. Thế cho nên người ta mới gọi đây là chợ Trời đêm vỉa hè”, anh Lê Ngọc Thiệp (Cầu Giấy) cho hay.

Giá siêu rẻ, hoạt động “nhộm nhoạm” trên vỉa hè, nhiều người nghĩ nó chỉ phù hợp với tầng lớp lao động và sinh viên ít tiền. Nhưng không ít người đi trên những chiếc xe máy SH, thậm chí là cả ô tô, mặc những bộ quần áo văn phòng vẫn đỗ vào hào hứng ngắm nghía, chọn mua những thứ đồ đã cũ, bạc màu sơn, tưởng chừng như đã vứt đi.

“Ngắm trong cửa hàng, siêu thị nó long lanh thật, nhưng bí lắm, còn ra đây vừa thoái mái lựa chọn, lại có thể tìm kiếm được nhiều thứ đồ độc với mức giá siêu rẻ mà có đi khắp các siêu thị sang trọng cũng chả thấy”. anh Phạm Hồng Nam, nhân viên văn phòng làm việc ở Láng Hạ tâm sự.

Kinh nghiệm khi mua hàng "chợ Trời" đêm

Hàng hóa ở các chợ đồ cũ đêm này chẳng cần kiểm chứng cũng biết được mười mươi là từ giỏ hàng của mấy người đi buôn đồng nát trong thành phố gom về. Nhưng cũng có không ít những đồ trong số đó là từ những tay chôm chỉa được rồi mang ra đây bán lại cho các chủ hàng.

“Chả giấu em làm gì, ở đây có cả hàng của mấy thằng chôm chỉa ở các nơi nó mang ra bán rồi mình lại bán lại cho khách. Mình cũng biết là thế là không nên nhưng cũng là vì miếng cơm, manh áo mà thôi", anh Mạnh, một người bán tại khu vực ngã tư Đoàn Trần Nghiệp - Mai Hắc Đế phân trần.



Người mua hàng ở đây phải hết sức cẩn thận với chất lượng của các mặt hàng.


Là người có kinh nghiệm mua hàng tại các chợ này đã khá lâu,  anh Nguyễn Bá Việt, sửa điện thoại trên phố Xuân Thủy (Cây Giấy) đưa ra lời khuyên, với các mặt hàng điện tử khó xác định được còn sử dụng được hay đã chết hoàn toàn thì những người mua lẻ không nên quá ham rẻ mà mua.

“Hàng ở các chợ này đa phần là hàng cũ nên mua kể cả với người có nghề hay không có nghề vẫn là may hơn khôn. Nhưng khi đi mua thì cố gắng quan sát, xem xét thật kỹ, nếu thử được thì nên tự mình thử để đảm bảo, chứ không sau này lại tiền mất mà đồ hỏng thì thiệt ra”, anh Việt khuyên.

23 giờ đêm, khi chúng tôi quay lại các chủ hàng ở đây bắt đầu dọn dẹp nhưng đâu đó vẫn có những tiếng mặc cả í ới của một vài khách đến mua hàng muộn. Gần 24 giờ đêm, cảnh mua bán đã không còn nữa thay vào đó là những đoạn vỉa hè vắng tanh người. Một buổi chợ đã kết thúc và đến đêm mai, cảnh mua bán nhộn nhịp tại các chợ này lại quay trở lại.      

Chia sẻ