Gặp lại người đàn ông bại liệt từng gây xôn xao vì bị vợ con bỏ đói
Cuối năm ngoái, dư luận từng sôi sục trước câu chuyện người đàn ông bại liệt được cho là bị vợ và con gái bỏ đói. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi gặp nhân vật gây tranh cãi này tại Trung tâm dành cho người già ở Ba Vì.
Những ngày hè nóng nực nhất của Hà Nội, chúng tôi đã có chuyến công tác lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An (xã Thụy An – Ba Vì – Hà Nội) và vô cùng bất ngờ khi gặp ông Đàm Quang Anh đang sinh sống ở đây.
Cuối năm 2013, báo chí đã từng tốn khá nhiều giấy mực về trường hợp của ông Đàm Quang Anh (sinh năm 1955), vợ là bà Tạ Bích Loan (sinh năm 1957) và con gái là Đ.T.P (sinh năm 1988) trú tại số nhà 26 (ngõ 823/19 đường Hồng Hà – Hoàn Kiếm – Hà Nội).
Ông Quang Anh bị bại liệt nhiều năm phải nằm yên một chỗ trên căn gác chật hẹp trên tầng 2, mọi sinh hoạt đều được thiết kế “trọn gói” trong phòng. Điều đáng chú ý là trước khi sự việc xảy ra thì vợ ông Quang Anh cùng con gái vẫn sinh sống trong căn nhà đó, vẫn thuê giúp việc dọn dẹp và chăm sóc cơm nước cho ông.
Thế nhưng, theo thông tin xác nhận của hàng xóm cũng như nhiều tờ báo chính thống thì bà Loan cùng con gái đã chuyển đi nơi khác sinh sống để lại một mình ông Quang Anh trong căn phòng đầy mùi xú uế. Ông bị bỏ đói, mỗi khi ai muốn tiếp trợ buộc phải thả dây đưa đồ ăn cho ông. Mọi sinh hoạt đều tự ông lo liệu và “đánh vật” để duy trì cuộc sống hẩm hiu tuổi già, vừa chiến đấu với bệnh tật.
Bà Loan khi đó cũng đã lên tiếng trước những thông tin gây tranh cãi. “Tôi chăm sóc cho chồng nhiều năm liền khi ông ấy phát bệnh và nằm liệt một chỗ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên có thể việc chăm sóc, điều kiện không được chu đáo, nhưng không có chuyện tôi bỏ mặc chồng. Tôi đã từng thuê người giúp việc đến chăm sóc và vệ sinh cho ông ấy, nhưng thời gian gần đây, do kinh tế không cho phép, nên không thuê được người, tôi đã tự làm”.
Bất ngờ gặp lại ông Quang Anh, bằng cảm quan, chúng tôi nhận thấy ông khá khỏe mạnh, có phần béo lên, trò chuyện vui vẻ, lạc quan. Mặc dù không đi lại được do bị bại liệt và phải cắt bỏ đôi chân nhưng với ông, được nuôi dưỡng và được mọi người chăm sóc một cách tận tình là một hạnh phúc khó tưởng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Quang Anh vui mừng nói: “Tôi được gia đình cùng chính quyền đưa lên đây từ đợt trước Tết Nguyên đán. Từ khi lên đây tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều”.
Nhưng điều hạnh phúc hơn cả, ông Quang Anh đã gặp được tri kỷ của mình đó là ông Trương Văn Tuất – người được mệnh danh là “người rừng giữa Thủ đô, sống cạnh sông Tô Lịch”. Theo ông Quang Anh, “tôi thì lên trung tâm này trước ông Tuất khoảng 2 tháng, lúc ông ấy lên ông ấy không nhận ra tôi đâu, nhưng tôi nhận ra vì ngày xưa tôi cùng làm việc với ông Tuất trên đê Hồng Hà mà”.
“Gặp lại nhau, nhận ra nhau hệt như gặp lại người tri kỷ ấy. Tôi thì bệnh tật, cô đơn còn ông ấy sống lang thang không nhà không cửa. Lên đây vui mừng nhất là Trung tâm đã bố trí cho 2 anh em tôi ở chung phòng cùng chăm sóc, lo ăn ngủ cho nhau”, ông Quang Anh nói tiếp.
Với bản thân “người rừng”, gặp lại ông Quang Anh hệt như một sự kiện không ngờ tới của đời mình. Hằng ngày, “người rừng” đun nước, pha trà nhâm nhi, hút vài điếu thuốc, trò chuyện cùng ông Quang Anh về tất cả mọi thứ trên trời dưới biển.
Những câu chuyện không đầu không cuối nhưng cũng đủ để hai tâm hồn, hai số phận hẩm hiu đã sang tuổi xế chiều cùng cười phá lên. Chúng tôi biết đó là nụ cười của niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ khi cả hai đã gạt bỏ cuộc sống vất vả, khổ cực và bội bạc sang một bên…