Gặp gỡ cô giáo miền núi dạy dỗ 36/44 em đạt điểm 9 môn Văn, 1 em được tuyển thẳng vào Học viện Ngoại giao

Thanh Hương ,
Chia sẻ

"Người ta học xong lúc 4h30 thì cô trò 12D1 phải ngồi thêm đến 5h, 5h30 mới về. Hay có hôm đi dạy về mình bị ốm, nhưng vẫn cố gắng sửa bài, chấm bài cho các em", cô Hương nhớ lại.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, tập thể lớp 12D1 trường THPT Anh Sơn 1 (xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã đạt được thành tích vô cùng xuất sắc ở bộ môn Văn. Theo đó có 36/44 em đạt điểm 9 trở lên. Một em đạt điểm 9,75, một em đạt 9,5. Điểm trung bình môn Ngữ văn của lớp là 9,11; cao hơn mặt bằng chung cả nước tới 2,64 điểm. 

Được biết, lớp 12D1 có 36 em đạt từ 25 điểm khối D (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) trở lên, 11 em đạt từ 27 điểm khối D, C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Em Đặng Khánh Linh đạt 28,5 điểm khối C và em Đậu Thục Linh đạt 28,5 điểm khối D. 

Cô giáo miền núi kể 3 năm gian nan ôn luyện cho học trò: 36/44 em đạt điểm 9 môn Văn, một em tuyển thẳng Học viện Ngoại giao - Ảnh 1.

Lớp 12D1, THPT Anh Sơn 1 (xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An).

Đối với môn Văn, đạt điểm 6, 7 không phải chuyện khó. Nhưng điểm 9 thì chẳng hề dễ. Vậy bí quyết nào đã khiến lớp học ở miền núi đạt thành tích cao đến vậy. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô Hoàng Thị Liên Hương - giáo viên phụ trách bộ môn Văn của lớp 12D1 suốt 3 năm cấp 3.

Cô Hương vốn là giáo viên giỏi của trường, nhưng không muốn chia sẻ nhiều về thành tích của bản thân. Trong buổi trò chuyện ngắn, cô xúc động kể về ngày đầu nhận lớp và những nỗ lực không mệt mỏi của những cô cậu học trò nghèo.

Cô giáo miền núi kể 3 năm gian nan ôn luyện cho học trò: 36/44 em đạt điểm 9 môn Văn, một em tuyển thẳng Học viện Ngoại giao - Ảnh 2.


NGÀY NGÀY NỖ LỰC, "TRÁI NGỌT" SẼ ĐẾN

- Là giáo viên phụ trách môn Ngữ Văn của lớp trong suốt 3 năm học, cô Liên Hương có thể chia sẻ một chút cảm xúc hiện tại của mình sau khi có kết quả thi?

Mình rất vui mừng trước thành tích này. Đó là kết quả sau một thời gian nỗ lực của học trò và chính bản thân cô giáo.

- Cô Liên Hương hiện có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong nghiệp "cầm phấn"? Trước 12D1, cô từng dẫn dắt lớp nào có thành tích tương tự?

Mình tốt nghiệp Đại học Vinh năm 2007 và vào trường giảng dạy từ đó đến nay đã được 14 năm rồi. Trước đây, mình cũng từng dìu dắt nhiều lớp có kết quả thi tốt, nhưng thành tích vượt lên như lớp 12D1 là lần đầu. 

Cô giáo miền núi kể 3 năm gian nan ôn luyện cho học trò: 36/44 em đạt điểm 9 môn Văn, một em tuyển thẳng Học viện Ngoại giao - Ảnh 4.

Cô Liên Hương luôn thân thiết, gần gũi với các em học sinh.

- Nói thêm về 12D1, cô có nhận xét ra sao về các em học sinh trong lớp? 

THPT Anh Sơn 1 không phải trường chuyên mà là một trường ở huyện miền núi, điểm đầu vào không quá cao. Vậy nên trình độ đầu vào của các em cũng thấp, không đồng đều. Về lớp 12D1 thì chủ yếu là con nhà nông, điều kiện không mấy khá giả. Thế nên các em càng nỗ lực hơn trong chuyện học tập. Nghĩ lại thì 3 năm qua thực sự là một hành trình dài và muôn vàn gian nan.

Có 2 em học sinh mà mình đặc biệt ấn tượng. Đầu tiên là em Hoàng Nhật Ánh, đạt 27 điểm khối D. Thứ hai là em Khánh đạt 9,75 môn Văn, 10 Địa, 8,75 Sử. Cả hai đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn học tập rất tốt. 

- Suốt 3 năm qua, cô đã dẫn dắt lớp 12D1 ra sao?

Khi nhận lớp, mình cố gắng làm tròn trách nhiệm của người thầy với học sinh. Bố mẹ, các em đều trông mong và mình phải làm sao đáp lại được sự trông mong đó. Trong năm lớp 10 và l1, mình tập trung cho học sinh rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm bài tốt. Đến năm lớp 12, mình cho các em học kỹ kiến thức sách giáo khoa, thường xuyên luyện đề nhuần nhuyễn các kỹ năng. Không bao giờ có chuyện học tủ, học sinh phải học hết, nắm chắc tất cả các bài. Mình cũng chú ý dạy sâu từng đoạn văn bản ngay trên lớp. 

Sau mỗi kỳ học thì các em được phân thành nhóm để đối thoại, trao đổi kiến thức với nhau. Trong các giờ học buổi chiều, các em sẽ luyện đề. Thời gian trên lớp có hạn nên mình giao thêm đề cho các em về nhà làm, sau đó thu lại và sửa. Bạn nào làm chưa được thì yêu cầu làm lại.

Cô giáo miền núi kể 3 năm gian nan ôn luyện cho học trò: 36/44 em đạt điểm 9 môn Văn, một em tuyển thẳng Học viện Ngoại giao - Ảnh 5.

Quá trình học tập cứ thế lặp lại, bền bỉ. Nhưng nhờ vậy mà học lực của đám nhỏ dần đồng đều. Bình thường mỗi em có thể viết Văn được 3 tờ, tức là 12 mặt giấy. Tuy nhiên có khoảng 5,6 em viết tới 14 mặt giấy. Phải thật sự chắc kiến thức thì mới có thể viết được như vậy.

Nghĩ lại về quãng thời gian đó, mình chỉ có thể nói rằng, cả cô và trò 12D1 đã vô cùng cố gắng. Người ta học xong vào 4h30 thì cô trò 12D1 phải ngồi thêm đến 5h, 5h30 mới về. Hay có hôm đi dạy về mình bị ốm, nhưng vẫn cố gắng sửa bài, chấm bài cho các em. 

Bây giờ giáo viên đều làm giáo án điện tử nhưng giáo án 3 năm qua của lớp 12D1 đều được viết tay hết (bật cười). Nghe hơi cổ hủ nhưng đó thật sự là tâm huyết của mình, viết tay, soạn từng bài một cho các em.

Chuyện học tập như cái guồng, ngày ngày nỗ lực và cuối cùng, "trái ngọt" đã đến...

HỌC TỪ TÂM, KHÔNG PHẢI GÒ ÉP THÌ MỚI HỌC TỐT ĐƯỢC

- Trong tháng ôn thi cuối cùng, cô nhấn mạnh điều gì với học trò?

Mình cương quyết với học sinh, đó là KHÔNG BAO GIỜ HỌC TỦ. Những ngày đó, cô trò cùng nhau khảo lại tất cả các bài, những vấn đề cần đặc biệt lưu ý.

- Ngoài kiến thức sách vở, thì Văn còn là bộ môn cần nhiều cảm xúc, sự thấu hiểu, đồng cảm thì mới có thể phân tích tốt được. Cô đã áp dụng phương pháp nào để khơi gợi cảm xúc, lòng hứng thú với môn Văn của học trò?

Nói phương pháp thì hơi khó. Chia sẻ chân thành thì 3 năm qua, mình dành trọn cảm xúc, nỗ lực để giảng dạy học trò. Chỉ biết dùng tất cả nhiệt huyết, tình yêu vào từng bài thơ, bài văn để đám nhỏ cảm nhận được. 

Học trò biết người thầy của mình có năng lực không? Có thật sự tâm huyết với lớp? Vậy nên mình phải dạy hết tâm thì các em mới học hết lòng. Bỏ nhiều tâm sức thì trò mới nhận lại được nhiều kiến thức.

- Hiện tại kết quả thi tuyển đại học của lớp 12D1 như nào thưa cô?

Có một em được tuyển thẳng vào Học viện Ngoại giao. Một số em khác được tuyển thẳng vào khoa Ngữ Văn của Đại học Sư phạm 1.

- Với các lứa sĩ tử năm sau, cô có lời khuyên nào để các em học tập tốt môn Văn?

Để học tốt thì trước hết, các em phải thực sự yêu thích môn học. Học từ tâm, không phải gò ép thì mới học tốt được. Bởi Văn là môn đòi hỏi không chỉ tư duy mà còn cả cảm xúc nữa. Sau cùng là nỗ lực hết mình thôi. Còn bí kíp thì nhiều lắm (bật cười). 

Cô giáo miền núi kể 3 năm gian nan ôn luyện cho học trò: 36/44 em đạt điểm 9 môn Văn, một em tuyển thẳng Học viện Ngoại giao - Ảnh 6.

Chia sẻ